Trà Vinh: Nâng cao ý thức của người dân xử lý, quản lý rác thải ven biển

02/10/2023 - 10:20

Thời gian gần đây, các địa phương trong tỉnh thực hiện đồng bộ các giải pháp và thực hiện hiệu quả công tác vệ sinh bảo vệ môi trường nhằm hướng tới môi trường sáng - xanh - xạch - đẹp. Trong đó, các địa phương ven biển, vùng biển tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân về việc xử lý và quản lý rác thải ven biển.

Tuyến đường hoa đê quốc phòng sáng - xanh - sạch - đẹp từ sự góp sức của người dân.

Tại huyện Cầu Ngang, các địa phương gần vùng biển, ven biển đã có nhiều biện pháp tổ chức thu gom và xử lý rác thải nhằm góp phần giữ gìn môi trường biển. Đặc biệt, tại thị trấn Mỹ Long là địa phương có lịch sử hơn 100 năm về Lễ hội Cúng biển Mỹ Long nên công tác chỉ đạo thực hiện bảo vệ cảnh quan và giữ gìn môi trường sạch đẹp để phục vụ phát triển du lịch sinh thái bền vững là nhiệm vụ cần thiết.

Đồng chí Dương Thị Hồng Phượng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Mỹ Long cho biết: rác thải nhựa là một trong những vấn đề môi trường nghiêm trọng sẽ để lại hệ lụy ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và môi trường. Từ thực trạng đó, những năm gần đây, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân nhằm ngăn chặn việc xả rác thải nhựa trên đất liền và hoạt động trên biển.

Là địa phương có làng nghề sơ chế, chế biến thủy sản nên việc kiểm tra thu gom, xử lý rác thải, nước thải tại các cơ sở kinh doanh cũng như khu vực chợ được thực hiện thường xuyên. Hịện thị trấn có 23 cơ sở sơ chế, chế biến thủy sản trong làng nghề. Các cơ sở đều có xây dựng hệ thống xử lý nước thải, đảm bảo vệ sinh môi trường. Hàng năm, thị trấn chỉ đạo các ngành, đoàn thể phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của Nhà nước về quản lý, xử lý rác thải nhựa đến với người dân, nhất là các chủ tàu thuyền, ngư dân khai thác đánh bắt thủy sản và các cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng tôm cá khô trong làng nghề.

Ngoài ra, thị trấn thông tin tác hại của rác thải nhựa ảnh hưởng đến môi trường sống của các loài sinh vật biển, vận động ngư dân, người dân thay đổi thói quen không sử dụng sản phẩm nhựa một lần, túi ni-lông khó phân hủy, không vứt rác thải, ngư cụ hư hỏng xuống biển, để góp phần bảo vệ môi trường và nguồn lợi thủy sản và hệ sinh thái biển.

Bên cạnh công tác tuyên truyền, thị trấn bố trí 134 thùng rác trên các tuyến đường, nhất là khu vực tuyến đê quốc phòng, từng bước góp phần nâng cao nhận thức của người dân về xử lý và quản lý rác thải nhựa. Hiện thị trấn có 1.193/1.372 hộ tham gia đăng ký đổ rác đúng nơi quy định, đạt 86,95% (còn 179 hộ tự xử lý rác tự hoại tại gia đình).

Song song đó, thị trấn phân công cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên phối hợp với câu lạc bộ bảo vệ môi trường của Hội Cựu chiến binh và Ban Nhân dân các khóm hàng tuần ra quân thu gom, xử lý và tổng vệ sinh rác thải khu vực đê quốc phòng, bảo vệ môi trường ven biển, có 10 lực lượng tham gia.

Ông Trần Văn Chưởng, ngụ Khóm 1, thị trấn Mỹ Long cho biết: trước đây, tuyến đê quốc phòng vừa mới xây xong đưa vào sử dụng, một ít người dân khu vực này ý thức chưa cao, việc xử lý rác còn hạn chế, đốt hoặc đổ cặp tuyến đê. Sau khi địa phương tuyên truyền, vận động và bố trí thùng rác, người dân dần thay đổi thói quen xử lý rác và  thực hiện bỏ rác đúng quy định.

Không chỉ vậy, người dân nơi đây còn tham gia chăm sóc và quản lý những chậu hoa do địa phương trồng để tạo cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp, khu vực hộ nào thì hộ ấy quản lý và chăm sóc nên cảnh quan môi trường ở tuyến đê quốc phòng khang trang hơn, tạo điều kiện cho người dân thuận lợi đi tản bộ giữ gìn sức khỏe.

Bà Nguyễn Thị Kim Hồng, ngụ Khóm 2, thị trấn Mỹ Long cho biết thêm: thông thường, ghe của gia đình đi đánh bắt gần bờ, vài ngày ra khơi một chuyến, đến con nước như giữa tháng hoặc cuối tháng ra khơi mỗi ngày, nên đồ dùng sinh hoạt đem theo đủ dùng và khi vào bờ xử lý rác thải theo quy định. Ý thức này đã hình thành thói quen, hàng năm phía chính quyền địa phương và lực lượng biên phòng đã tuyên truyền, vận động ngư dân thực hiện nghiêm túc việc xử lý rác thải trước và sau khi đánh bắt, không được vứt rác xuống biển, không chỉ góp phần bảo vệ môi trường và nguồn lợi thủy sản, mà còn giúp ngư dân vươn khơi bám biển đánh bắt lâu dài.

Ngoài việc đánh bắt thủy sản, bà Hồng còn sơ chế, chế biến cá khô các loại như lù đù, lưỡi hố, lưỡi trâu,… bán lẻ ở các chợ Vinh Kim, thị trấn Cầu Ngang và chợ Hòa Lợi, Phước Hảo, huyện Châu Thành. Với bà Hồng, nghề đánh bắt hải sản gần đây khó khăn, sản lượng đạt thấp, trong khi giá nhiên liệu đầu vào tăng cao, gia đình không có điều kiện đầu tư trang thiết bị tàu thuyền lớn để đánh bắt xa bờ. Vì thế, gần 10 năm nay, bà thu mua thêm sản lượng cá tươi của các ngư dân khác để sơ chế, chế biến khô đem chợ bán, bình quân bà sơ chế, chế biến khoảng 100kg cá tươi/ngày, sau đó đem bán ở các chợ nông thôn, lợi nhuận đạt từ 120.000 - 200.000 đồng/ngày. Trong quá trình sơ chế, chế biến cá khô, lượng nước thải xả xuống hệ thống thoát nước, còn rác thải bỏ thùng rác ở tuyến đê quốc phòng.

Ngoài ra, những lúc rãnh rỗi bà còn tham gia chăm sóc, quản lý hoa của địa phương trồng trước nhà để góp phần tạo cảnh quan môi trường và xử lý rác thải nhựa khu vực nơi sinh sống, do tuyến đê quốc phòng gần chợ  nên lượng rác thải nhựa thường xuyên xuất hiện rải rác trên đường như ly nhựa, túi ni-lông. Vì thế, bà thường vệ sinh quét dọn bỏ thùng rác, còn rác lá cây, củi khô bần thu gom đốt tự hoại.

Có thể nói, giải pháp thiết thực hiện nay của chính quyền địa phương và hành động nhiệt tình hưởng ứng của người dân, tình trạng rác thải trên địa bàn thị trấn Mỹ Long cải thiện đáng kể. Qua đó, góp phần ngăn chặn, quản lý rác thải nhựa trên đất liền và khu vực ven biển hiệu quả hơn.

Theo MỸ NHÂN (Báo Trà Vinh)