Trà Vinh: Những bí thư chi đoàn nhiệt tình, gương mẫu và làm kinh tế giỏi

14/03/2024 - 10:19

Thực hiện phong trào "Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp", tuổi trẻ tiên phong trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Thông qua vai trò của các bí thư chi đoàn ấp, đã nhân rộng, chia sẻ các mô hình làm kinh tế hiệu quả của gia đình để giúp ĐVTN cùng phát triển vươn lên…

A A

Anh Nguyễn Thạch Ranl (Bí thư Chi đoàn ấp Rạch Đùi, xã Ninh Thới, huyện Cầu Kè) thu nhập trên 250 triệu đồng/ha/năm từ sản phẩm OCOP 3 sao nhãn xuồng cơm vàng

Không chỉ nhiệt tình, năng nổ trong các phong trào Đoàn tại địa phương; mà anh Nguyễn Thạch Ranl còn giúp nhiều ĐVTN tại địa phương phát triển mô hình trồng nhãn xuồng cơm vàng đạt chứng nhận VietGAP thu nhập trên 200 triệu đồng/ha/năm.

Chia sẻ về mô hình làm kinh tế của gia đình, anh Ranl cho biết: năm 2014, trước tình hình dịch bệnh chổi rồng gây thiệt hại trên cây nhãn da bò; bản thân đã đi tham quan và tìm hiểu về giống nhãn xuồng cơm vàng của các nhà vườn ở Bến Tre, Sóc Trăng… và thấy có hiệu quả nên quyết định cải tạo 01ha vườn già cõi sang trồng nhãn xuồng cơm vàng (khoảng 300 gốc nhãn). Do nhãn xuồng có giá bán khá cao (dao động 25.000 - 30.000 đồng/kg) và năng suất bình quân đạt 10 - 12 tấn/ha; ngoài ra chi phí đầu tư, công chăm sóc không cao nên hiệu quả kinh tế mang lại từ 20.000 - 22.000 đồng/kg nhãn.

Để nâng cao hiệu quả cây nhãn, anh Ranl còn thực hiện mô hình “lấy ngắn nuôi dài” qua việc trồng xen canh cây tắc (cây hạnh) vào các khoảng trống của cây nhãn; trung bình mang lại thu nhập khoảng 20 triệu đồng/năm từ trái tắc. Cũng theo anh Nguyễn Thạch Ranl, từ hiệu quả mô hình trồng nhãn xuồng cơm vàng của gia đình, đã hướng dẫn, hỗ trợ cho 10 ĐVTN trong ấp trồng nhãn với diện tích hiện đạt trên 03ha, đã xây dựng được Tổ hợp tác trồng nhãn xuồng cơm vàng, có 13 thành viên/03ha. Năm 2023 được chứng nhận VietGAP và UBND huyện công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Anh Lê Minh Tú, Bí thư Chi đoàn ấp Chánh Hội A, xã Ngãi Hùng, huyện Tiểu Cần nâng cao hiệu quả kinh tế từ mô hình khép kín “nuôi ốc bươu + sản phẩm ốc bươu gác bếp”.

Bí thư Chi đoàn Lê Minh Tú với mô hình nuôi ốc bươu trong mương vườn.

Anh Tú chia sẻ: ban đầu khi xây dựng mô hình, bản thân gặp nhiều khó khăn; với quyết tâm của bản thân đã không ngừng học hỏi qua bạn bè, trên mạng internet… nên dần dần bản thân đã nắm vững kỹ thuật nuôi ốc bươu và còn gắn kết mở thêm sản phẩm ốc bươu gác bếp (năm 2022) từ nguồn ốc thương phẩm tại nhà.

Được biết, hiện nay mô hình nuôi ốc bươu của anh Tú đã phát triển, nhân rộng diện tích hơn 01ha được nuôi kết hợp trong mương vườn (vườn dừa). Trung bình hàng tuần cho thu hoạch khoảng 10kg ốc với giá bán dao động 45.000 - 50.000 đồng/kg; đem lại nguồn thu nhập từ 20 - 25 triệu đồng/năm. Riêng ốc gác bếp, hàng năm cung cấp ra thị trường khoảng 150kg, với giá bán dao động 110.000 - 120.000 đồng/kg.

Qua mô hình nuôi ốc bươu của anh Tú đã được nhiều bạn trẻ ĐVTN trong xã đến tìm hiểu và học tập kinh nghiệm.

Anh Tú cho biết: đây là mô hình có hiệu quả và phù hợp với điều kiện về thời gian tham gia sản xuất của các bạn trẻ ở nông thôn; không đòi hỏi vốn đầu tư lớn và các bạn trẻ có thể tận dụng các diện tích vườn, ao, hồ sẵn có của gia đình để nuôi ốc. Nguồn thức ăn của ốc cũng phong phú, như các loại rau ăn lá đã loại bỏ; bèo; cám… Do nguồn con giống được bắt trong các mương vườn, ngoài kênh rạch qua sinh sản tự nhiên, nên tỷ lệ nuôi thành công đạt trên 95% kết hợp với việc thả nuôi theo môi trường tự nhiên (trong mương vườn, ao, hồ...) giúp ốc bươu phát triển nhanh và ốc đạt trọng lượng lớn.

Thông qua các buổi sinh hoạt chi đoàn, anh Lê Minh Tú đã tận tình chỉ dẫn và giúp các bạn ĐVTN có nhu cầu muốn phát triển nuôi ốc bươu, hiện tại ấp có trên 10 ĐVTN tham gia nuôi ốc, với tổng diện tích gần 05ha.

Theo HỮU HUỆ (Báo Trà Vinh)