Trà Vinh: Sáng tạo kinh doanh sản phẩm nghề truyền thống

21/01/2024 - 09:46

Là tỉnh nông nghiệp, có nhiều ngành nghề truyền thống, không chỉ mang đến cho du khách những sản phẩm thủ công hấp dẫn, mà còn có những món ăn đặc sản được làm từ nguyên liệu nông nghiệp gạo, nếp... góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh, giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

A A

Bà Hà Ngọc Trao, ấp Nô Công, xã Thuận Hòa, huyện Cầu Ngang phơi bánh tráng làm hủ tiếu.

Với sự thay đổi của thị trường, nhu cầu của người tiêu dùng đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng sản phẩm. Trong khi các sản phẩm làng nghề truyền thống đối mặt với những khó khăn và nguồn lực,… nhiều hộ kinh doanh chưa cập nhật được cái mới, trong khi sản phẩm đang làm phải cạnh tranh từ các sản phẩm công nghiệp. Để giúp các sản phẩm truyền thống xây dựng năng lực, khôi phục thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm, các cấp, các ngành và địa phương tạo điều kiện về vốn, trang thiết bị, xúc tiến thương mại góp phần giúp các hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất, thúc đẩy phát triển.

Bà Hà Ngọc Trao, ấp Nô Công, xã Thuận Hòa, huyện Cầu Ngang là 01 trong 12 hộ sản xuất hủ tiếu tại làng nghề truyền thống và là thành viên của hợp tác xã hủ tiếu Nô Công chia sẻ: sản phẩm hủ tiếu truyền thống bắt nguồn từ kinh nghiệm, sự chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác và vươn xa ra bên ngoài. Vì thế, để sản phẩm hủ tiếu tiếp cận thị trường trong và ngoài tỉnh ngày càng mạnh và tiến xa thị trường xuất khẩu, sau khi địa phương tổ chức họp lấy ý kiến thành lập hợp tác xã, bà mạnh dạn tham gia và từ đó sản phẩm hủ tiếu của gia đình nói riêng, của hợp tác xã hủ tiếu Nô Công nói chung xây dựng thương hiệu, tự tin tiến xa thị trường ngoài tỉnh.

Quy trình sản xuất khá công phu gần như giống với quy trình sản xuất bánh tráng khi bước đầu chọn nguyên liệu làm hủ tiếu từ gạo, bột mì, muối, dầu ăn. Đầu tiên, là ngâm gạo khoảng 24 giờ, sau đó làm sạch xay nhuyễn thành bột, lọc nước lấy bột đặc trộn với bột mì, muối, tiếp đến hấp cho bột chín tạo thành những dãy bánh dài đưa vào tấm mê, rồi đem phơi. Bánh sau khi phơi khô, cắt thành từng sợi hủ tiếu, đóng gói thành phẩm cung cấp đến người tiêu dùng. Mặc dù hiện nay sức cạnh tranh trên thị trường ngày càng nhiều, giá nguyên liệu đầu vào tăng, nhất là vào những tháng cuối năm, bà vẫn giữ bình ổn giá bán từ 18.000 - 20.000 đồng/kg để giữ mối và duy trì sản xuất từ 200 - 300kg hủ tiếu/ngày, tương đương với 250kg gạo và bột mì.

Cùng xuất phát từ quy trình tráng bánh bằng gạo, bột mì, nhưng ông Phan Quang Đáng, ấp Bến Có, xã Nguyệt Hóa, huyện Châu Thành sản xuất thành phẩm bánh tráng cung cấp người tiêu dùng bình quân từ 10.000 - 15.000 bịch bánh tráng, giá bán 4.000 đồng/bịch (75gram), giải quyết việc làm thường xuyên 15 lao động, thu nhập từ 06 - 09 triệu đồng/tháng, tùy công đoạn sản xuất hoặc thành phẩm.

Đóng gói thành phẩm bánh tráng.

Ông Phan Quang Đáng, chủ cơ sở sản xuất bánh tráng Ngọc Đáng cho biết: thời gian qua, trước sự cạnh tranh gay gắt của nghề làm bánh tráng và nhu cầu sản phẩm chất lượng ngon, giá hợp lý, trong 03 năm 2007 - 2010, ngoài việc đầu tư trang thiết bị công nghiệp để sản xuất bánh tráng, cơ sở chủ động khảo sát thực tế và tìm kiếm thị trường ở ngoài tỉnh. Tiếp đó là xây dựng kế hoạch kinh doanh tại những quán ăn, nhà hàng ở những tỉnh, thành có tiềm năng về du lịch bằng cách cung ứng bánh tráng cho người dân “dùng thử”, dần dần kết nối với các cửa hàng bách hóa tổng hợp, các quán ăn, nhà hàng, từ đó sản phẩm bánh tráng Ngọc Đáng có “chỗ đứng” thị trường ngoài tỉnh.

Song song đó, cơ sở không ngừng cải tiến đổi mới sản phẩm qua mẫu mã thiết kế, bao bì, đổi mới quy trình về cách thức sản xuất hoặc phân phối sản phẩm gồm những thay đổi về cách thức định giá, tiếp thị,… Với những nỗ lực và đầu tư trang thiết bị máy móc vào sản xuất, cải tiến mẫu mã từng bước đưa sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao, công suất sản xuất tăng 50% so với trước đây, sức tiêu thụ ngày càng mạnh, trung bình từ trên 500kg bánh tráng/ngày, tương đương 600 - 700kg gạo, bột mì, lợi nhuận bình quân 03 triệu đồng/ngày.

Ngoài ra, cơ sở kết nối với 03 - 04 hộ làm gia công bánh tráng để đủ nguồn cung đáp ứng thị trường. Cùng với đó, cơ sở được Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh hỗ trợ 80 triệu đồng, đầu tư trang thiết bị máy móc phục vụ sản xuất.

Theo ông Đáng, nghề làm bánh tráng truyền thống của gia đình được giữ vững và duy trì qua nhiều thế hệ, sắp tới cơ sở mong muốn địa phương xem xét và vận động các hộ làm bánh tráng tiếp tục duy trì và mở rộng nghề làm bánh tráng phát triển thành hợp tác xã không chỉ lưu giữ nghề truyền thống, góp phần tăng thêm thu nhập và giải quyết nhu cầu việc làm cho lao động địa phương.

Theo MẪN QUÂN (Báo Trà Vinh)