Thương binh Nguyễn Thanh Nhã.
Tuy đã ngoài 70 tuổi nhưng Cựu chiến binh (CCB), thương binh Nguyễn Thanh Nhã, ấp Phú Phong, xã Bình Phú, huyện Càng Long vẫn miệt mài với vườn rau, ao cá và luôn nhiệt tình với các công tác ở địa phương. Năm 1964, thanh niên Nguyễn Thanh Nhã khi đó mới hơn 15 tuổi đã giác ngộ cách mạng, tham gia vào lực lượng du kích xã Bình Phú.
Được huấn luyện quân sự, giáo dục về chính trị, chàng thanh niên Nguyễn Thanh Nhã càng nhận thức sâu sắc hơn về Đảng, Bác Hồ, về tình yêu đối với làng quê. Từ đó, ông càng hăng say chiến đấu, để bảo vệ xóm làng, giải phóng quê hương. Từ khi tham gia lực lượng du kích xã, ông Nhã đã cùng các đồng chí, đồng đội đánh hàng chục trận lớn nhỏ, tiêu diệt đồn bót, tiêu hao sinh lực địch. Ông bị thương trong một trận pháo kích của quân địch phải đưa về tuyến sau điều trị. Sau khi vết thương lành, ông trở lại tiếp tục sát cánh cùng đồng đội chiến đấu đến khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30/4/1975).
Trong quá trình tham gia kháng đấu, ông Nhã đã được sống trong sự tin yêu, đùm bọc của Nhân dân, tình cảm thân thương gắn bó của đồng chí, đồng đội. Đó chính là động lực, là niềm tin để ông cùng các đồng đội vượt qua khó khăn, gian khổ cùng muôn vàn hiểm nguy mất mát trong kháng chiến và đi đến thắng lợi cuối cùng. Tuy nhiên, trong kháng chiến không tránh khỏi những hy sinh, mất mát, ông đã từng chứng kiến nhiều đồng đội hy sinh trong các trận giao tranh với địch. Bản thân ông cũng bị thương tật, nay là thương binh hạng 4/4.
Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, ông Nhã vừa tiếp tục tham gia công tác trong Ban Chỉ huy Quân sự xã, sau được phân công nhiệm vụ tại Ban Chỉ huy quân sự huyện. Đến năm 1981, ông phục viên trở về địa phương chăm lo phát triển kinh tế gia đình. Mảnh ruộng, thửa vườn của gia đình ông sau nhiều năm không được chăm bón đã trở nên hoang hóa, phải mất rất nhiều công sức, chi phí để cải tạo lại mảnh vườn, thửa ruộng để gieo cấy. Sau thời gian vất vả gieo trồng, cấy hái, những vụ mùa lúa chín đã giúp cho gia đình ông có cuộc sống ấm no.
Không chỉ trồng lúa, ông còn trồng các loại cây ăn trái, chăn nuôi gia súc, gia cầm để cải thiện kinh tế gia đình. Sau nhiều năm chăm chỉ lao động sản xuất, kinh tế gia đình ông ngày càng ổn định, đồng thời, được sự hỗ trợ của đồng chí, đồng đội ông có được căn nhà tình nghĩa khang trang.
Tuy đã phục viên trở về chăm lo phát triển kinh tế gia đình, nhưng thương binh, CCB Nguyễn Thanh Nhã vẫn còn đó sự nhiệt tình cách mạng và mong muốn đóng góp công sức xây dựng quê hương. Được địa phương tín nhiệm từng phân công ông giữ cương vị Công an ấp, rồi Bí thư Chi bộ ấp và nhiều cương vị khác. Dù ở vị trí, công tác nào, ông đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, những năm qua, địa phương phát động phong trào xây dựng nông thôn mới, thương binh, CCB Nguyễn Thanh Nhã luôn là hạt nhân trong phong trào.
Tuy đã hơn 75 tuổi, nhưng thương binh Nguyễn Thanh Nhã luôn tích cực, nhiệt tình trong các hoạt động phong trào XDNTM do địa phương và Chi hội CCB ấp phát động. CCB, thương binh Nguyễn Thanh Nhã là thành viên nhiệt tình của “Câu lạc bộ môi trường CCB” ấp Phú Phong, ông đã cùng các hội viên CCB trong ấp thực hiện trồng hoa kiểng, làm vệ sinh môi trường. Đồng thời, tích cực vận động con cháu, người dân địa phương hưởng ứng các hoạt động bảo vệ môi trường, trồng hoa kiểng và tham gia giữ gìn an ninh, trật tự.
Thương binh Huỳnh Văn Tám.
Tại ấp Phú Phong, xã Bình Phú, chúng tôi đến thăm gia đình CCB, thương binh Huỳnh Văn Tám, nhìn cơ ngơi của ông khiến chúng tôi không khỏi thán phục, nhà cửa khang trang, vườn cây được chăm sóc chỉnh chu, xanh tươi trĩu quả. CCB Huỳnh Văn Tám được người dân địa phương biết đến như một ông “già gân”, mặc dù bị mất một chân (thương binh hạng 2/4) nhưng ông vẫn có những nỗ lực trong lao động, sản xuất để có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Năm 1963, khi mới là chàng thanh niên 15 tuổi, ông Huỳnh Văn Tám đã tham gia cách mạng, ông được phân công cán bộ thông tin và giao liên. Năm 1965, ông được biên chế vào lực lượng du kích địa phương, tham gia đánh địch ở địa bàn xã Bình Phú và các tề xã trên địa bàn huyện Càng Long. Năm 1968, trong lúc tham gia công tác ông bị thương mất một chân và được công nhận thương binh hạng 2/4. Khi vết thương bình phục, ông Tám vẫn bám trụ lao động, sản xuất, tham gia công tác cùng địa phương cho đến khi miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất.
Trở lại với cuộc sống đời thường, CCB, thương binh Huỳnh Văn Tám có nhiều bỡ ngỡ với chiếc chân giả và chiếc nạn gỗ, sức khỏe suy giảm nhưng ông vẫn nỗ lực lao động, sản xuất. Với 05 công đất của gia đình, ông Tám cải tạo để trồng lúa, chăn nuôi trâu, bò... Bị thương mất một chân nhưng ông Tám vẫn nỗ lực lao động, ông làm từ việc gieo, nhổ mạ đến gặt lúa.
Thời gian nông nhàn, ông Tám chèo xuồng thả lưới đánh bắt cá để cải thiện bữa ăn và tăng thu nhập. Không chỉ nỗ lực lao động, sản xuất, ông Tám còn chỉ dạy, truyền cảm hứng cho các con ông và người dân địa phương về tinh thần vượt khó, nỗ lực trong lao động, sản xuất. Sau nhiều năm nỗ lực lao động, sản xuất và tiết kiệm trong chi tiêu, ông Tám mua thêm gần 30 công đất. Hiện nay, ông đã chuyển đất trồng lúa sang trồng cam, bưởi, dừa.
Nhờ sự nỗ lực, vượt khó trong lao động sản xuất, CCB, thương binh Huỳnh Văn Tám được Hội CCB xã Bình Phú công nhận hội viên sản xuất kinh, doanh giỏi; Hội CCB huyện Càng Long tặng giấy khen “Hoàn thành xuất sắc nhệm vụ công tác Hội”; UBND tỉnh Trà Vinh tặng bằng khen “Tiêu biểu vượt khó, sản xuất giỏi phát triển kinh tế gia đình” và nhiều bằng khen, giấy khen khác.
Đồng chí Nguyễn Minh Nhựt, Chủ tịch Hội CCB xã Bình Phú cho biết, CCB, thương binh Nguyễn Thanh Nhã và Huỳnh Văn Tám đã nỗ lực trong lao động, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, luôn tích cực, nhiệt tình với các phong trào của địa phương. Với sự đoàn kết, nhiệt tình của cán bộ, hội viên Chi hội CCB và Nhân dân, ấp Phú Phong đã xây dựng hoàn thành các tiêu chí ấp nông thôn mới kiểu mẫu.
Theo THANH NHÃ (Báo Trà Vinh)