Món lẩu cá bớp được nhiều thực khách thích thú. Ảnh: C.Trúc
Khách du lịch đến đây tham quan ngày càng tăng cao, một phần vì để khám phá, trải nghiệm ở vùng đất mới; phần khác là vì họ được mách nhau về tiếng tăm của ẩm thực biển. Có thể nói, đó là một trong những dịch vụ du lịch đặc sắc nhất, đem lại một cảm nhận hài lòng, ấn tượng cho thực khách khi về biển Cồn Bửng, xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú (Bến Tre).
Trải nghiệm với ẩm thực bản địa
Gặp anh Trần Bình Minh, TP. Hồ Chí Minh trong chuyến về Cồn Bửng trải nghiệm gần đây, anh bộc bạch: “Tôi từng đi nhiều điểm du lịch biển nhưng nơi đây cho tôi một cảm nhận hoàn toàn khác đó là sự gần gũi, dân dã và mến khách của người dân… Các món ăn cũng được chế biến hầu hết khá đơn giản nhưng rất ngon và đặc trưng. Toàn là những đặc sản “bao ngon” và tươi sống”.
Chị Tuyết Anh - chủ quán Dương Cao, một trong những quán đầu tiên hoạt động kinh doanh tại biển cho biết, mùa này, bước vào thời điểm có nhiều thủy hải sản phong phú. Do được nuôi trồng, đánh bắt gần bờ nên nguyên liệu chế biến đều tươi sống. Theo nhận định của chị, khách đến đây thích nhất là được thưởng thức các món ăn chế biến từ mực trứng, nghêu, cua, tôm, ba khía, cá bớp.
“90% nguyên liệu thủy hải sản phục vụ chế biến ẩm thực tại quán có nguồn gốc tại địa phương, sản phẩm tươi sống nên khi chế biến rất ngon và bổ dưỡng. Ngoại trừ con mực là quán mua từ các huyện khác như Ba Tri, Bình Đại” - chị Tuyết Anh cho biết.
Qua tìm hiểu các điểm kinh doanh ẩm thực biển tại đây, hầu hết đều có bản niêm yết giá rõ ràng và bán theo giá niêm yết. Khách được lựa chọn và kiểm tra cân nặng sản phẩm trước khi chế biến. Nhiều quán cam kết “bao ngon”.
Ông Võ Tấn Bình - Trưởng Ban Quản lý Khu du lịch di tích đường Hồ Chí Minh trên biển, huyện Thạnh Phú cho biết: Ẩm thực biển nơi đây đặc sắc là nhờ có nhiều loại thủy hải sản, tươi ngon. Mỗi loại được người dân địa phương nghiên cứu nhiều cách chế biến để phục vụ đa dạng nhu cầu của khách du lịch. Mực trứng có thể hấp gừng, chiên nước mắm hoặc nướng sa tế, nướng mọi. Tùy theo loại thức uống, thực khách có thể chọn những món có khẩu vị phù hợp.
Trong các món ăn từ cá, nơi đây nổi tiếng với lẩu cá ngát ngon - rẻ. Mỗi ký cá ngát có giá tầm khoảng 200 ngàn đồng đã có thể nấu một nồi lẩu phục vụ từ 4 đến 5 người ăn. Bên cạnh đó là lẩu cá bớp cũng hấp dẫn không kém. Loại cá này được một người dân du nhập từ ngoài tỉnh về nuôi tại địa phương nên có thể đảm bảo cung cấp cá tươi cho các điểm du lịch.
Bên cạnh ba khía rang me là đặc sản truyền thống của địa phương, nay, chù ụ rang me cùng với đậu phộng và rau râm là món trải nghiệm mới, giúp thỏa mãn sự tò mò, thú vị cho du khách. Bởi nếu ai có nghe câu: “Ở nhà có con chằm bằm nay mua thêm con chù ụ” mà chưa biết về con vật này thì nay có thể về biển Cồn Bửng để biết thêm và có thể thưởng thức các món ăn mới lạ hấp dẫn từ nó. Chù ụ thoạt nhìn tương tự ba khía nhưng có kích cỡ lớn hơn. Giá chù ụ hiện nay cao hơn ba khía, từ 80 - 100 ngàn đồng/kg.
Phong phú ẩm thực biển mùa Nam
Cũng theo ông Võ Tấn Bình, đang bước vào mùa Nam, nơi đây có nhiều loại thủy hải sản phong phú, hấp dẫn hơn như ghẹ, cá nục một nắng, cá đuối, cá mực bạch tuộc… Ghẹ được ngư dân đánh bắt gần bờ bằng lưới, đục. Do đó, các quán đều có nhiều ghẹ tươi phục vụ du khách. Ghẹ được chế biến nhiều món như ghẹ luộc, ghẹ rang me, ghẹ rang muối ớt… Đây cũng là món ăn khoái khẩu của hàng ngàn khách du lịch về đây trong thời gian qua. Mực bạch tuộc có giá dao động trên dưới 80 ngàn đồng/kg, được sử dụng nguyên con để làm món nhúng giấm. Cá đuối được dùng nướng, nấu lẩu, xào nghệ… cũng cho thực khách có nhiều trải nghiệm ẩm thực thú vị.
Ảnh: Cẩm Trúc
Nhắc đến đặc sản ở đây sẽ không thể quên con nghêu. Thời điểm này đang bước vào mùa nghêu. Giá hiện nay khoảng 35 ngàn đồng/kg. Quả thật, còn gì ấn tượng bằng được ăn đúng nghêu của hợp tác xã nơi đây để rồi cứ nhớ mãi và có thể mua về làm quà cho gia đình và người thân. Nghêu cũng được chế biến nhiều món nhưng món phổ biến được khách ưa thích nhất là nghêu hấp gừng, hấp sả.
Đặc biệt, trong một năm gần đây, du khách càng khoái khẩu hơn với các món ăn chế biến từ con ngao, do có đặc điểm to, giòn, ngọt. Ngao có giá 100 ngàn đồng/kg nhưng du khách đều ưa thích và muốn tìm mua về làm quà.
Thạnh Phú còn nổi tiếng với con cua có chất lượng được đánh giá cao. Cua Thạnh Phú nổi tiếng với cua gạch, cua i và cua cái so. Cua gạch được xếp hạng ngon nhất, khách du lịch có thể mua nguyên con tươi sống về với giá 350 - 400 ngàn đồng/kg, cua loại nhì, ba là cua I và cua cái so có giá từ 250 - 300 ngàn đồng/kg. Nếu mua tại quán để chế biến, thưởng thức tại chỗ có giá chênh lệch cao hơn khoảng 100 ngàn đồng/kg.
Ngoài ra, trong mùa Nam, du khách còn có thể thưởng thức nhiều thức ăn phong phú như cá khoai, cá lăng, cá lù đù, cá đục, cá trích. Gỏi cá trích được xem là món ăn khá đẳng cấp tại đây, một đĩa gỏi cá trích có giá tầm 300 ngàn đồng.
Bên cạnh những loại thủy hải sản sạch, đặc sản trái cây nơi đây cũng được phát triển theo hướng nông nghiệp an toàn. Cây ăn quả chủ lực trên vùng đất biển hiện nay là xoài tứ quý. Sản phẩm này đang được xây dựng thương hiệu và tìm kiếm thị trường xuất khẩu. Giá xoài hiện từ 15 - 20 ngàn đồng/kg. Khách du lịch có thể mua về làm quà. Xoài có thể ăn sống với mắm ruốc, muối ớt, hoặc trộn mắm ba khía, gỏi cá, gỏi khô. Củ sắn non, dưa hấu… được dùng làm món la-sét cho các thực đơn, theo kiểu “mùa nào thì la-sét món nấy”. Về biển Cồn Bửng, khách sẽ ấn tượng qua các món ăn, thức uống được chế biến rau sâm, đặc biệt là lẩu cá ăn với rau sâm. Rau sâm được trồng xen trong vườn xoài, hiện có giá 20 - 30 ngàn đồng/kg. Đây là một trong những cây trồng giúp người dân thoát nghèo của vùng đất biển nắng cháy này.
“Hiện khu du lịch có 13 điểm kinh doanh phục vụ du lịch. Các quán thực hiện đúng quy định về niêm yết giá, bán theo giá niêm yết. Riêng hoạt động kinh doanh, mua bán nhỏ dưới bãi biển cũng được lực lượng xã tổ chức sắp xếp trật tự theo mặt hàng, đảm bảo vẻ mỹ quan” - ông Võ Tấn Bình cho hay.
Theo CẨM TRÚC (Báo Đồng Khởi)