Triển khai Dự án MPTF Bến Tre

21/02/2022 - 10:13

Tên dự án: Phát triển chuỗi giá trị có tăng cường ứng dụng kỹ thuật số và có khả năng ứng phó chú trọng tới phụ nữ và thanh niên tại Việt Nam - tỉnh Bến Tre (Dự án MPTF Bến Tre)

Nhà tài trợ: Quỹ Quốc tế về phát triển nông nghiệp (IFAD) và Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO).

Chủ dự án: UBND tỉnh Bến Tre. Đơn vị quản lý dự án: Ban Quản lý dự án MPTF Bến Tre. Địa điểm thực hiện: Các huyện và TP. Bến Tre. Thời gian thực hiện dự án: từ năm 2021 - 2022

IFAD (International Fund for Agricultural Development - Quỹ Quốc tế về phát triển nông nghiệp) và UNIDO (United Nations Industrial Development Organization - Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc). Hai tổ chức tài trợ thuộc Liên hợp quốc (LHQ) hỗ trợ nguồn kinh phí không hoàn lại và hỗ trợ kỹ thuật để triển khai thực hiện dự án MPTF Bến Tre.

Với sứ mệnh thúc đẩy phát triển công nghiệp bền vững và bao trùm (ISID), UNIDO với ưu thế cạnh tranh là hợp tác với các cơ sở tư nhân và các cơ sở công nghiệp cũng như với các cơ quan Chính phủ.

Tuyển chọn, đóng gói bưởi da xanh xuất khẩu tại Cơ sở Hương Miền Tây.

Hơn 40 năm qua, UNIDO tích cực hỗ trợ nỗ lực của Việt Nam trở thành quốc gia công nghiệp hóa bền vững với tổng vốn ODA 200 triệu USD. Hiện nay, UNIDO đang thực hiện các dự án hướng tới nâng cao khả năng cạnh tranh kinh tế, tạo thịnh vượng chung và bảo vệ môi trường.

UNIDO đã xây dựng một khung chương trình ứng phó với đại dịch Covid-19 để hỗ trợ các nước thành viên sẵn sàng ứng phó, thích nghi, phục hồi và chuyển đổi nền kinh tế của mình một cách bền vững, có khả năng chống chịu theo hướng phát triển công nghiệp bền vững và bao trùm.

Hướng tiếp cận của UNIDO về phát triển chuỗi giá trị trong nông nghiệp là tăng cường khả năng tuân thủ các tiêu chuẩn liên quan đến thương mại, quy chuẩn kỹ thuật, thông số cho người mua cũng như nâng cao năng suất và vận hành của nông dân, các hợp tác xã và các bên liên quan thuộc khối tư.

Hơn 26 năm qua, Quỹ IFAD đã hỗ trợ Việt Nam 15 dự án với tổng vốn vay khoảng 550 triệu USD, hỗ trợ các dự án xóa đói giảm nghèo và phát triển nông nghiệp, nông thôn. Ngoài ra, IFAD còn đầu tư hỗ trợ không hoàn lại cho các dự án cấp quốc gia và cấp khu vực phục vụ các hoạt động nghiên cứu và giải pháp sáng tạo nhằm xóa đói giảm nghèo khu vực nông thôn mà phần lớn nhóm hưởng lợi là phụ nữ và hỗ trợ trực tiếp Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tại các tỉnh Dự án IFAD.

Đối với Bến Tre, IFAD đã tài trợ qua 3 giai đoạn với 3 dự án: Dự án “Phát triển kinh doanh với người nghèo nông thôn 2008 - 2014 (DBRP); Dự án “Thích ứng với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long tại tỉnh Bến Tre 2014 - 2020 (AMD)” và Dự án “Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu tại tỉnh Bến Tre 2022 - 2026 (CSAT)” góp sức cho hoạt động giảm nghèo, phát triển nông nghiệp, nông thôn và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung.

UBND tỉnh đã ký kết văn kiện dự án với Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) vào ngày 8-6-2021. Hiệp định tài chính với Quỹ Quốc tế về phát triển nông nghiệp (IFAD) vào ngày 14-6-2021. UBND tỉnh đã phê duyệt văn kiện dự án ngày 21-6-2021, thành lập Ban Quản lý dự án ngày 30-6-2021 và phê duyệt kế hoạch công tác và ngân sách, kế hoạch mua sắm đấu thầu Dự án MPTF tỉnh ngày 21-8-2021.

Dự án nhằm tạo ra một mô hình chuỗi giá trị trái cây tập trung vào phụ nữ, thanh niên, đổi mới và nâng cao ứng dụng kỹ thuật số, có thể được nhân rộng để “cùng nhau phục hồi tốt hơn” trên toàn bộ nền kinh tế nông thôn. Dự án đề ra các mục tiêu cụ thể: Tăng thu nhập và trao quyền xã hội cho phụ nữ, thanh niên ở khu vực nông thôn thuộc chuỗi giá trị nông nghiệp được chọn. Dự án triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung đầu tư phát triển chuỗi giá trị bưởi da xanh tại các huyện có diện tích bưởi da xanh khá lớn như: Giồng Trôm, Mỏ Cày Bắc, Châu Thành và TP. Bến Tre gắn với thực hiện các hoạt động nâng cao năng lực và hỗ trợ tiếp cận thị trường các sản phẩm tham gia chuỗi giá trị trái cây khác.

Nhóm hưởng lợi mục tiêu: Phụ nữ và thanh niên là nhóm được hưởng lợi chính của dự án. Nhóm hưởng lợi liên quan: Các tổ nhóm sản xuất, tổ hợp tác; hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ; nhóm tác nhân liên quan khác trong chuỗi giá trị.

Theo Báo Đồng Khởi