Trở lại đà tăng giá

25/08/2020 - 08:47

Khi làn sóng Covid-19 thứ hai bùng phát trở lại, một số mặt hàng nông, thủy sản cũng bắt đầu giảm giá. Thế nhưng, chỉ trong một thời gian ngắn, tất cả đã và đang trở lại đà tăng giá đúng như dự báo và sự kỳ vọng của nhà nông.

Sự trở lại đầu tiên đáng ghi nhận đó là sự phục hồi của giá tôm nước lợ ở tất cả các kích cỡ, kể từ tuần thứ hai của tháng 8 đến nay. Việc giá tôm tăng trở lại dù đã được dự đoán từ trước, nhưng vẫn làm nức lòng người nuôi tôm, giúp họ có thêm động lực đầu tư cho vụ nuôi từ nay đến cuối năm. Đặc biệt, giá tôm cỡ lớn sau thời gian giảm giá hiện đang tăng khá mạnh. Chỉ trong khoảng 10 ngày trở lại đây, giá tôm thẻ loại 15 - 25 con/kg đã tăng hơn 10.000 đồng/kg, tôm loại 30 - 35 con/kg tăng 5.000 đồng/kg và loại 40 - 50 con/kg tăng 2.000 đồng/kg. Sự tác động của giá tôm đến nghề nuôi cũng giúp giải tỏa phần nào áp lực về khả năng thiếu tôm nguyên liệu của các nhà máy chế biến trong những tháng cao điểm cuối năm và thậm chí kéo dài sang tận những tháng đầu năm 2021.

Cây lúa, con tôm tăng giá mạnh trở lại không chỉ là tin vui ...

Người nuôi tôm phấn khởi bởi hiện tại, số diện tích đang còn tôm và diện tích chưa thả tôm của tỉnh hiện còn khá lớn, nên chỉ cần nuôi đạt năng suất người nuôi sẽ có mức lợi nhuận khá cao. Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản Sóc Trăng, tính đến ngày 14-8, toàn tỉnh thả nuôi gần 37.000ha, đạt 69,2% kế hoạch và bằng 80,3% so với cùng kỳ. Trong khi đó, diện tích thiệt hại đến thời điểm trên chỉ khoảng 2.400ha và diện tích thu hoạch gần 15.000ha. Như vậy, số diện tích đang có tôm toàn tỉnh hiện còn khoảng 20.000ha, cộng với số diện tích chưa thả khoảng 10.000ha, thì Sóc Trăng còn khoảng 30.000ha tôm nuôi được thu hoạch rơi vào thời điểm có giá cao nhất. Hay nói một cách khác, nếu mọi thứ diễn ra suôn sẻ, khả năng vụ tôm năm nay tiếp tục là vụ nuôi thành công đối với người nuôi tôm Sóc Trăng.

Khác với con tôm, dù được dự báo giá khó có khả năng tăng thêm, nhưng từ đầu tháng 8 đến nay, giá lúa tại Sóc Trăng và khu vực ĐBSCL liên tục tăng với mức tăng trung bình khoảng 500 đồng/kg (giá ngay tại ruộng sau thu hoạch – NV). Khoảng 100.000ha lúa Hè – Thu trong tỉnh đang bước vào giai đoạn thu hoạch với năng suất bình quân thời gian qua khoảng 5,8 tấn/ha đang được tiêu thụ rất thuận lợi và có giá bán cao. Hầu hết các giống lúa dòng OM đều có giá từ 5.400 – 5.800 đồng/kg và theo dự báo sẽ vượt ngưỡng 6.000 đồng/kg trong thời gian tới. Riêng giống lúa ST24 hiện đang được thu mua với giá 6.800 – 7.000 đồng/kg.

 ... mà còn là động lực giúp nhà nông sản xuất tốt hơn.  Ảnh: TÍCH CHU

Việc giá lúa tăng trở lại trong bối cảnh vụ Hè – Thu toàn vùng ĐBSCL trúng mùa thật sự là tin vui đối với người trồng lúa, nhưng nếu quan sát diễn biến thị trường xuất khẩu gạo sẽ thấy điều này không có gì là bất ngờ. Nếu như cuối tháng 6 sang tuần đầu tháng 7, giá gạo trắng xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn thấp hơn so với gạo cùng loại của Thái Lan thì từ giữa tháng 7 đến nay, giá gạo Việt Nam liên tục tăng và hiện đang cao hơn giá gạo của Thái Lan ở phân khúc gạo trắng 5% tấm. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, đỉnh giá gạo trắng 5% tấm của Việt Nam được ghi nhận lên đến gần 500 USD/tấn vào ngày 11-8, đến ngày 17-8  tuy có giảm nhẹ nhưng vẫn được giao dịch ở mức 488 - 492 USD/tấn, tức cao hơn gạo cùng loại của Thái Lan khoảng 7 USD/tấn, còn gạo 25% tấm cũng có giá 463 - 467 USD/tấn.

Không chỉ có giá cao ở hiện tại, giá gạo Việt Nam còn được dự báo sẽ tiếp tục ở mức giá tốt từ nay cho đến cuối năm 2020. Một trong những nguyên nhân theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo là do nhu cầu nhập khẩu gạo tại nhiều thị trường đang tăng lên, trong khi nguồn cung gạo trắng thế giới khá hạn hẹp, một phần do xuất khẩu gạo của Thái Lan có xu hướng giảm trong năm nay. Nếu xuất gạo của Việt Nam tiếp tục duy trì ở mức tốt thì gần như toàn bộ diện tích lúa Hè – Thu, kể cả vụ mùa và Thu – Đông của Sóc Trăng khi thu hoạch đều rơi vào những thời điểm có giá tốt nhất, mang đến thành công cao nhất cho năm lương thực 2020 này.

Khả năng tổng đàn heo của tỉnh sẽ phục hồi tốt từ nay đến cuối năm nhờ giá heo hơi duy trì ở mức cao. 

Không chỉ có con tôm, cây lúa mà một số loại cây trồng, vật nuôi khác cũng được dự báo sẽ tăng giá từ nay đến cuối năm. Đơn cử như giá heo hơi dù gần đây có giảm nhẹ nhưng vẫn còn ở mức 80.000 đồng/kg, nên người chăn nuôi đang mạnh dạn tái đàn. Ông Lâm Minh Hoàng – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Sóc Trăng cho biết, xu hướng tái đàn hiện đang tăng khá mạnh, kể cả heo thịt lẫn heo nái hậu bị ở các trang trại và hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Theo ước tính, đến cuối năm 2020, tổng đàn heo nái hậu bị của tỉnh sẽ từ bằng đến cao hơn so với thời điểm trước khi có dịch tả heo châu Phi.

Với một tỉnh mà kinh tế phụ thuộc vào nông nghiệp như Sóc Trăng thì việc tăng giá và tiêu thụ tốt các mặt hàng nông, thủy sản chủ lực là một tín hiệu vui, giúp ổn định cuộc sống và thu nhập đại bộ phận dân cư, góp phần thúc đẩy kinh tế của tỉnh tăng trưởng tốt hơn trong những tháng cuối năm.

Theo TÍCH CHU (Báo Sóc Trăng)