Ông Huỳnh Tất Đạt phát biểu tại điểm cầu tỉnh Đồng Tháp
Với tên gọi hướng tới tương lai tốt đẹp hơn: phát triển chuỗi giá trị có tăng cường ứng dụng kỹ thuật số và có khả năng ứng phó, chú trọng tới phụ nữ và thanh niên Việt Nam, DA hướng tới tạo ra mô hình đột phá lấy trọng tâm là nữ giới và thanh niên, giúp phát triển chuỗi giá trị trái cây thông qua công nghệ số.
DA có tổng mức đầu tư hơn 11 tỷ đồng, trong đó có 9 tỷ đồng từ vốn tài trợ không hoàn lại của IFAD và UNIDO, thực hiện tại 6 địa phương gồm: các huyện Cao Lãnh, Thanh Bình, Tháp Mười, Lấp Vò, TP Cao Lãnh và TP Sa Đéc (triển khai từ nay đến tháng 5/2022).
Mục tiêu DA tại Đồng Tháp là xây dựng một chuỗi giá trị ngành hàng xoài với 80% nhóm hộ dân và doanh nghiệp tham gia có sử dụng các nền tảng ứng dụng số để quản lý sản xuất và tiếp cận thị trường bền vững với các sản phẩm xoài tươi và 22 sản phẩm chế biến từ xoài; đảm bảo 1.000 hộ được hưởng lợi trực tiếp hoặc gián tiếp từ DA.
Tại hội thảo, các đại biểu đều thống nhất với việc triển khai DA, đồng thời yêu cầu các ngành liên quan có sự tuyên truyền, phổ biến về ý nghĩa, tầm quan trọng của DA để người dân mạnh dạn tham gia, góp phần nâng cao thu nhập, bảo đảm theo mục tiêu của DA...
Ông Huỳnh Tất Đạt yêu cầu các xã vùng dự án phối hợp tổ chức triển khai, thực hiện các nội dung, hoạt động theo kế hoạch của DA, nhất là việc tham gia chọn các hợp tác xã, vận động các thành viên, hội viên cùng tham gia. Ông Đạt cũng kiến nghị chuyên gia của IFAD và UNIDO tiếp tục nghiên cứu, hỗ trợ Đồng Tháp xây dựng, nhân rộng chuỗi giá trị đối với các sản phẩm khác của tỉnh vào nền tảng DA trong tương lai.
Theo Báo Đồng Tháp