Ông Dương Hoàng Trung với hơn 40 năm làm bánh dân gian DUY TÂN
Ông Trung kể, từ năm 1970, ông đã thường phụ mẹ làm bánh dân gian, dần dần đam mê rồi quyết tâm theo nghề. Đến khi lấy vợ là bà Trương Thị Chiều (năm nay 63 tuổi) có cùng sở thích, năng khiếu nên hai vợ chồng cùng nhau giữ nghề cho đến nay.
Chia sẻ bí quyết làm bánh tằm se ngũ sắc, ông Trung cho biết trước tiên khâu chọn nguyên liệu rất quan trọng. Nhất định phải chọn gạo lúa mùa (loại lúa 1 năm chỉ làm 1 vụ) để khi xay thành bột có độ xốp, không nhão, vị ngọt tự nhiên. Khác với nhiều người thường sử dụng các thiết bị, máy móc hiện đại để đơn giản hóa công đoạn làm bánh, vợ chồng ông Trung vẫn giữ cách làm thủ công, truyền thống.
Với bánh tằm, thay vì sử dụng máy ép, ông se từng sợi bánh; bánh con sùng thì tạo hình bằng khuôn gỗ… Sau đó, đem hấp khoảng 30 phút để ra thành phẩm. “Đó mới là làm bánh đúng chất dân gian, người thợ đặt hết tấm lòng vào từng sợi bánh. Trong từng miếng bánh có sự tinh tế, cái tâm và lòng kiên nhẫn của người làm bánh”, ông Trung chia sẻ.
Món ăn quen thuộc của người miền Tây
Về kỹ thuật làm bánh, ông Trung chỉ sử dụng gạo nguyên chất, không pha thêm bột mì tinh bởi sẽ làm mất độ ngọt và bị cứng. Bột không được để cách đêm và trước khi hấp đem ngâm khoảng 1 tiếng rưỡi. Nước cốt dừa phải dùng trái dừa màu da bò (da vàng, vỏ ngoài không khô). Đây là một trong những điểm nhấn tạo nên nét đặc biệt trong món bánh của vợ chồng ông.
Những chiếc bánh của ông được làm theo kiểu ngày xưa, sử dụng cỏ cây, hoa lá để tạo màu sắc và hương vị chứ không dùng phẩm màu, phụ gia… Đó là màu trắng của bột gạo, xanh đậm từ nước rau bồ ngót, màu tím của lá cẩm, màu vàng đậm của trái gấc, màu xanh lợt từ lá dứa… Ngoài bánh tằm là món chủ lực, ông Trung còn làm bánh con sùng ngũ sắc cùng các loại bánh dân gian khác như: bánh ít chằn, bánh bèo, bánh chuối, bánh lá… đậm đà hồn quê.
Theo DUY TÂN (Thanh Niên)