Dù hiện tại không phải là mùa cao điểm sản xuất tàu hủ ky nhưng lò của chú Ðinh Công Hoàng (Ba Hoàng, ngụ ấp Mỹ Khánh 1, xã Mỹ Hòa) vẫn đỏ lửa hằng ngày. Thợ nấu đứng bếp liên tục để kịp cho ra lò những mẻ sản phẩm mới. Chú Ba Hoàng là một trong những hộ làm nghề lâu năm ở làng nghề này. Từ năm 2010, Hợp tác xã (HTX) Tàu hủ ky Mỹ Hòa được thành lập, chú Ba được giao nhiệm vụ Chủ nhiệm HTX cho đến nay.
Chị Ngọc Giàu vớt tàu hủ ky từ chảo nấu
Chú Ba Hoàng cho biết, HTX hiện có 38 xã viên, sản xuất tàu hủ ky với quy mô vừa và lớn. Riêng với lò của chú có quy mô đến 180 chảo, trung bình mỗi ngày sản xuất được 300kg-500kg tàu hủ ky. Những lò nhỏ hơn thì quy mô sản xuất từ hơn chục chảo đến vài chục chảo nấu. Nhờ có nghề này mà bà con lập nghiệp ngay trên quê hương và giúp giải quyết nguồn lực lao động nông thôn với các công đoạn như thợ nấu, vận chuyển, phơi...
Chúng tôi tìm đến ấp Mỹ Hưng 1, xã Mỹ Hòa, nơi có khá đông bà con làm tàu hủ ky nhưng với quy mô nhỏ hơn. Chị Nguyễn Ngọc Giàu cùng chồng đang đứng nấu 18 chảo tàu hủ ky. Chị Giàu cho biết nghề này “cha truyền con nối” và vợ chồng chị chọn lập nghiệp hơn 20 năm qua. Tàu hủ ky của vợ chồng chị Giàu làm không đủ bán, chủ yếu là thị trường ở tỉnh Trà Vinh. “Nghề này không nặng nhọc nhưng có công chuyện mần hoài, từ lúc gà chưa gáy. Ðược cái có thu nhập thường xuyên, lại ở nhà, có thời gian chăm sóc cho gia đình và trồng trọt kiếm thêm” - chị Giàu nói.
Tìm đến nhà chú Nguyễn Văn Hai, cha ruột chị Giàu, để nghe ông kể về nghề truyền thống. Chú Hai nói rằng, nghề này phải có mặt trên 100 năm ở Mỹ Hòa, chú cũng được “cha truyền con nối” nhưng nay tuổi đã cao nên không còn nấu nữa mà truyền lại cho các con. Chú Hai kể, hồi đó đi tới đâu hễ nghe nói quê hương Mỹ Hòa là bà con lại nhắc tới bưởi Năm Roi và tàu hủ ky. Riêng tàu hủ ky ở Mỹ Hòa đã nức tiếng từ xưa, ai cũng khen ngon. Theo chú Hai, nghề nấu tàu hủ ky tuy không khó làm nhưng phải nhẫn nại, chịu khó vì nếu lấy bình quân lò 18 chảo nấu, thì 1 ca nấu mất hơn 20 giờ mới xong. Ðó là chưa kể tới mùa cao điểm như ngày rằm lớn trong năm, Tết cổ truyền... thì công suất phải tăng thêm.
Chú Ðinh Công Hoàng cho biết: Nhờ có tiếng nên tàu hủ ky Mỹ Hòa tiêu thụ rất dễ dàng ở thị trường các tỉnh, thành ÐBSCL, nhiều nhất là Cần Thơ, Vĩnh Long, Trà Vinh. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là giá nguyên liệu đậu nành dùng để nấu tàu hủ ky tăng cao, khoảng 17.000 đồng/kg nên lợi nhuận thấp, dù hiện tại tàu hủ ky đã tăng giá khoảng 92.000 đồng/kg (giá bán tại lò). Thông thường cứ 90kg đậu nành nguyên liệu thu được 35kg-38kg tàu hủ ky các loại thành phẩm. “Nếu đợt nào nhập phải đậu nành nguyên liệu là đậu non, nấu không có váng để vớt tàu hủ ky nhiều thì rủi ro phá huề hoặc thậm chí lỗ là cao” - chú Ba Hoàng chia sẻ. Dù vậy, đa phần bà con nghĩ “lấy công làm lời” nên ai cũng tâm huyết giữ nghề truyền thống của quê hương.
Tàu hủ ky hay còn được gọi là phù trúc (trại âm từ tiếng Hán Việt) hoặc váng đậu, do sản phẩm này được làm từ việc vớt váng đậu nành trên chảo nấu. Cách làm tàu hủ ky cũng khá đơn giản: đậu nành ngâm nước, đãi vỏ sạch rồi xay lấy nước, đem đi nấu trên chảo lớn. Nấu đến một lúc váng đậu sẽ kết tụ trên bề mặt, người nấu sẽ vớt treo lên sào ngay phía trên chảo để phơi. Xu hướng ẩm thực chay ngày càng được ưa chuộng nên tàu hủ ky cũng vì thế “lên ngôi” do là món dễ ăn, có thể chế biến được nhiều món, từ canh, xào đến kho, cuốn... Ðặc biệt, tàu hủ ky còn được dùng nấu các món ăn mặn như cù lao, la-gu, cà-ri... Nhờ sự đa dạng ẩm thực của tàu hủ ky mà sản phẩm bán rất chạy.
Quang cảnh của một lò nấu tàu hủ ky rất đẹp, được các nghệ sĩ nhiếp ảnh rất yêu thích. Nhưng có thử đứng chảo nấu mới thấy, nhiệt độ nóng làm người nấu rất dễ mệt mỏi, mồ hôi đầm đìa nếu không quen. Vậy mà những người làm nghề lại thấy bình thường và thấy nhớ khi bếp lò thôi nhóm lửa.
Theo DUY KHÔI (Báo Cần Thơ)