
Ông Lê Hoàn Nhân, du khách từ Cần Thơ tới chợ Tịnh Biên nói” Em “phái “chỗ này quá”.
Dấu ấn chợ Tịnh Biên
“Dạ, sức mua không tốt lắm”, một người bán hàng khoảng 17-18 tuổi, có nụ cười thân thiện, nhỏ nhẹ, lễ phép, trả lời câu hỏi của khách.
Chợ Tịnh Biên có khoảng 210 hộ kinh doanh, với trên 540 ki-ốt. Người ta nói 6 tháng đầu năm 2024, thị xã đón hơn 2 triệu lượt khách đến tham quan, mua sắm, doanh thu đạt trên 204 tỉ đồng. Riêng Hội chợ thương mại quốc tế Tịnh Biên - An Giang 2024, doanh số hơn 10 tỉ đồng, thu hút hơn 170.000 lượt khách, nhiều hơn cả dân số Tịnh Biên.
Rời chợ Tịnh Biên đầy ắp hàng hóa, khoan hãy nói hàng nội - hàng ngoại, rõ ràng có sự tề tựu, tập trung, phong phú, đa dạng; người bán cởi mở, thân thiện, “săng sái” dù sức mua không tốt lắm. Hàng ngoại chiếm số lượng lớn, nhưng hàng nội cũng khá nhiều. Ðặc biệt là hàng địa phương. Ðó là cấu trúc 3 chân kiên cố hóa khu chợ được hình thành từ đầu thế kỷ 19.
Tịnh Biên - đầu tiên là khúc nghê thường sau là lục yêu - gắn với thời kỳ Vua Ang Chan II hiến tặng 3 vùng Chân Sum, Mật Luật và Lợi Kha Bát cho nhà Nguyễn thông qua Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại. Nhà Nguyễn chỉ nhận đất Chân Sum và Mật Luật, rồi chia Chân Sum thành Hà Âm và Hà Dương thuộc phủ Tĩnh Biên (Tịnh Biên), thuộc trấn Hà Tiên. Ðịa danh Tịnh Biên xuất hiện kể từ năm 1832, khi vua Minh Mạng chia ngũ trấn thành lục tỉnh, phủ Tĩnh Biên thuộc tỉnh Hà Tiên.
Năm Thiệu Trị thứ 2 (1842), phủ Tĩnh Biên cùng huyện Hà Dương của Hà Tiên sáp nhập vào tỉnh Hà Tiên. Năm Tự Ðức thứ 3 (1850), phủ Tĩnh Biên bị giải thể, cho nhập 2 huyện Hà Âm và Hà Dương vào phủ Tuy Biên. “Người xưa cũng tách - nhập lắm thế à?” - nhiều du khách Du khách phương xa thích thú khi nghe chuyện xưa tích cũ. Họ cũng thích chuyện nay khi ở đây hàng ngoại giá rẻ. Dân bên kia biên giới cách Phnom Pênh cả trăm cây số thích cả khu chợ vì họ có thể mua hàng từ Việt Nam, thứ gì cũng có. Dấu ấn đặc trưng của chợ vùng biên là vậy, nội - ngoại có đủ.
Điểm đón du khách “Tân Châu Long” của ông Lê Văn Tho.
Khu hàng mắm ở chợ sáng đèn là trụ đỡ của khu chợ này. Tiểu thương ở đây có cái hay là bạn không mua gì của họ nhưng cần tìm thứ gì tức khắc họ sẽ chỉ đường tới lô sạp cần tìm, rất vui vẻ, rất thân thiện. Một tiểu thương nói rằng khu kinh tế cửa khẩu Tịnh Biên từng sôi động khi có cửa hàng miễn thuế trong khu phi thuế quan. Thực lòng mà nói, lúc đó chợ truyền thống Tịnh Biên bị lu mờ so siêu thị được mua hàng miễn thuế. Vậy mà, khi cửa hàng miễn thuế đóng cửa, tiểu thương lại không thấy vui vì “hiệu ứng ánh sáng vùng biên” cho một cuộc chơi mới đã vội tắt.
Tỉnh An Giang đề xuất phát triển Trung tâm Logistics cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, mức đầu tư 239 tỉ đồng để thu hút đầu tư vào khu kinh tế cửa khẩu, thúc đẩy tăng trưởng. Thuật toán được tính đến, trong đó kiên trì bảo vệ đề án trình UNESCO để Lễ hội Bà Chúa Xứ được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể của loài người bên cạnh nỗ lực biến sinh cảnh tự nhiên và nhân tạo thành thỏi nam châm cuốn doanh nhân và cư dân hai bên biên giới thành điểm nhấn sống động trong khu kinh tế biên mậu.
“Chúng tôi mong muốn có cuộc hội thảo chuyên đề kinh tế biên mậu, không chỉ riêng An Giang mà sẽ là câu chuyện của các địa phương có chung đường biên giới Việt Nam - Campuchia ở Tây Nam Bộ”, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng nói như vậy tại Diễn đàn Mekong Connect 2024.
Cửa ngõ Tân Châu
Nắng lên, hóng làn gió nhẹ thổi từ sông Tiền. Lia một vòng pano, từ Tân Châu nhìn sang Hồng Ngự - hiện lên bức tranh với phố thị mọc lên, nhộn nhịp bên triền sông; tàu thuyền qua lại tuyến đường thủy kết nối với vương quốc Campuchia.
Sự kết nối đang chi tiết hơn, Hồng Ngự được đầu tư, nâng cấp mở rộng tuyến đường tỉnh 841 kết nối trung tâm TP Hồng Ngự với Khu Kinh tế cửa khẩu quốc tế Thường Phước; Bến phà Hồng Ngự - Tân Châu được mở rộng, nâng cấp; dự án cầu Cái Vừng, Bến phà Mương Lớn, Bến phà Long Khánh B qua phường An Thạnh và Bến phà Mương Miễu qua Tân Châu (tỉnh An Giang)… được kêu gọi đầu tư.
Mãn nhãn nhìn từ cà phê BOKE Coffee, chuỗi café - nước giải khát bờ kè từ Châu Ðốc tới Tân Châu - ra ngoài sông mênh mông, ông Lê Văn Tho, tuổi thất thập cổ lai hi, chủ nhân Tân Châu Long, một điểm tham quan sản phẩm dệt chiếu và chế tác hàng mỹ nghệ từ uzu, cói lát, cỏ bàng… nói tuổi xế chiều thấy vui khi nhìn những du khách từ khắp nơi đến quê hương mình, vào làng dệt, đi chợ mua sắm. Ðặc biệt, những du khách nước ngoài - hầu hết là người cao tuổi tìm kiếm dấu ấn văn hóa tương đồng, khác biệt và “wow” trước những sáng tạo bất ngờ trong cách khai thác tài nguyên từ cây cỏ, hoa trái để có tơ lụa đặc sắc như lãnh Mỹ A, những chiếc chiếu, túi xách, bộ trang trí bàn ăn tinh tế, sắc sảo từ uzu, cói lát.
Mênh mông sông Tiền.
Thị xã Tân Châu đã chuyển dịch cơ cấu kinh tế - mạnh thương mại - dịch vụ (chiếm 60,74% trong cơ cấu kinh tế). Chợ Tân Châu có tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ăn uống, lưu trú trên địa bàn ước đạt trên 7.800 tỉ đồng. Doanh số bán lẻ hàng hóa và tiêu dùng xã hội ở thị xã Tân Châu tăng bình quân hằng năm 11,42%”, thu nhập bình quân đầu người (hộ gia đình) năm 2023 đạt trên 68 triệu đồng/ người/năm. Năm 2021, riêng chợ Tân Châu đã đóng góp ngân sách trên 3,1 tỉ đồng.
Năm 2022, UBND thị xã Tân Châu đề ra nhiều mục tiêu: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn đạt trên 11.000 tỉ đồng; thu nhập bình quân đầu người trên 65 triệu đồng/năm; tổng thu ngân sách nhà nước từ kinh tế địa bàn đạt gần 600 tỉ đồng…
Ngoài đầu chợ là tiệm kim hoàn - vàng chóe trong nắng trưa - ai nấy tự hiểu mua bán bây giờ khó hơn xưa rất nhiều vì đâu đâu cũng có chợ, trung tâm thương mại, kênh phân phối hiện đại… một mạng lưới căng mỏng hết cỡ che phủ thị trường. “Không có gì khác biệt rất khó bán”, các tiểu thương nói. Cô hàng mắm sạp Tư Du - một người bạn ở Châu Phong căn dặn vô chợ tìm đúng nơi này để mua mắm cá mè vinh chao với cơm rượu và đường thốt nốt - sự khác biệt này được duy trì suốt 3 thế hệ.
Ðối diện sạp Tư Du nổi tiếng mắm chao cá mè vinh là sạp bán khô “Chấm - Trinh”. Ðôi vợ chồng trẻ này vừa sinh thêm thằng út đang ngon giấc trên tay mẹ. Trinh loay hoay với sạp khô mắm cười nói “Mua bán ở chợ đa đoan vậy mà”.
Nhiều con cá sửu muối ốp nổi tiếng từ Nam Vang nặng 5-7kg, những con khô cá tra phồng vàng ươm từ Biển hồ và những loại khô thịt trắng được chế biến theo khẩu vị người Việt. Ðó là những món mà Chấm giúp vợ vừa nghe điện thoại vừa lo gởi hàng theo chành mỗi ngày. Người mua tại chỗ thường là du khách, hàng mua online - gởi chành bù đắp mới ổn. Mua bán online kiểu gì thì giao nhận vẫn là quan trọng nhất. Rất may, Tân Châu có nhà xe giao hàng lên tới miền Ðông, Chấm nói.
Còn cô hàng bán gạo Rum Duol, Khakanhây, gạo Sóc xen gạo hồng ngọc, móng chim, nếp Thái, nàng hoa, huyết rồng “ta”, huyết rồng Thái… mua 1kg cũng được, nhiều kiểu cả nhà ăn một tháng cũng có shipper giao tới nơi; ở xa thì gởi chành. Ðó là góc khác biệt so hồi xưa.
Cửa khẩu Vĩnh Xương được định danh là cửa khẩu quốc tế đường sông vào năm 1995, chính thức là cửa khẩu quốc tế hợp nhất từ cửa khẩu đường sông và đường bộ năm 2023. Từ đây theo đường sông kết nối với Kaorm Samnor của Vương quốc Campuchia. Năm 2010, kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu này khoảng 500 triệu USD. Sau đại dịch, kim ngạch xuất nhập khẩu gần 700 triệu USD.
Tỉnh An Giang có đường biên giới dài gần 100km, tiếp giáp 2 tỉnh Kandal và Takeo, của Vương quốc Campuchia; trong đó có 2 cửa khẩu quốc tế là Tịnh Biên và Vĩnh Xương; 2 cửa khẩu chính là Khánh Bình, Vĩnh Hội Ðông và 1 cửa khẩu phụ Bắc Ðai.
Năm 2024, khoảng 9,1 triệu lượt khách du lịch, tổng doanh thu từ hoạt động du lịch của An Giang khoảng 10.250 tỉ đồng, tăng 73,73% so với cùng kỳ. Theo đề án, sáp nhập tỉnh Kiên Giang và tỉnh An Giang thành tỉnh mới với diện tích tự nhiên 9.888,9km2, quy mô dân số 3.679.200 người. An Giang - Kiên Giang, Ðồng Tháp - Tiền Giang, Tây Ninh - Long An, khi sáp nhập tỉnh mới sẽ mở rộng không gian kinh tế biên mậu từ miền Tây tới miền Ðông.
Ngành công nghiệp không khói của An Giang - Kiên Giang với nhiều ưu thế chưa từng có - dư địa của sáng tạo không biên giới từ đồng bằng, sơn cước, hải đảo - đang mở ra dù vẫn còn cái gút thách thức thuật toán và lời phàn nàn khi nói về việc đặt trạm thu phí vào khu du lịch quốc gia núi Sam.
Ðịnh hướng mới sẽ là khúc nhạc hay, dân biên giới tin là vậy.
Theo Báo Cần Thơ