Vĩnh Long: Bình ổn thị trường sau Tết

11/02/2022 - 11:50

Sau Tết Nguyên đán, hoạt động giao thương hàng hóa tại các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi đã nhộn nhịp trở lại. Lượng hàng hóa khá dồi dào, giá cả tương đối ổn định, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Sức mua tăng nhẹ

Theo ghi nhận của phóng viên, tại nhiều chợ sức mua sau Tết tăng nhẹ hơn so với mấy ngày Tết. Theo đó, giá cả một số mặt hàng cũng đã “quay đầu” giảm nhẹ hơn so với trước và trong Tết. 

Tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, nguồn cung hàng hóa thiết yếu luôn được bảo đảm, giá hàng hóa không có biến động bất thường giúp người dân an tâm mua sắm.

Một số tiểu thương kinh doanh mặt hàng nông sản tại chợ Vĩnh Long cho biết: lượng rau, củ, quả về chợ khá dồi dào, giá cả tương đối ổn định. Riêng mặt hàng nhập về từ Đà Lạt giá có tăng từ 5.000- 10.000 đ/kg, tùy loại, như súp lơ xanh Đà Lạt 60.000- 70.000 đ/kg, ớt chuông Đà Lạt 100.000- 110.000 đ/kg,…

Thị trường nông sản bình ổn sau Tết. Ảnh: KHÁNH DUY

Chị Lê Ngọc Bảo- tiểu thương chợ Vĩnh Long, cho hay: Sau Tết giá các mặt hàng nông sản trở nên ổn định hơn, một số loại giảm nhẹ, tuy nhiên một số mặt hàng Đà Lạt như súp lơ xanh hay ớt chuông Đà Lạt có tăng nhẹ do phí vận chuyển tăng.

Trong khi các mặt hàng thủy hải sản giá cả tương đối ổn định so với thời điểm trong Tết thì hiện tại giá thịt heo có giảm 5.000- 15.000 đ/kg.

Cụ thể, thịt đùi 95.000- 100.000 đ/kg, thịt nạc 110.000- 115.000 đ/kg, sườn bẹ 160.000- 170.000 đ/kg,… Tuy giảm nhưng giá thịt heo vẫn còn ở mức cao. Một số tiểu thương bán thịt heo cho hay, sức mua cũng đã giảm nhiều so với tuần trước.

Chị Trương Thị Nhứt- bán thịt heo tại chợ Vĩnh Long, cho biết: Hiện giá thịt heo đã giảm hơn mấy ngày trước. Nguồn cung thịt heo nhiều, nhưng sức mua giảm, không hút hàng như Tết mấy năm trước.

Bên cạnh đó, nhiều tiểu thương cho hay, các mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu như: mì gói, gạo, đường, dầu ăn, nước tương, nước mắm,… nguồn cung cũng phong phú, dồi dào, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Riêng mặt hàng bánh mứt nhờ tiểu thương cân đối lượng hàng hóa nhập về bán tết nên số lượng gần như đã bán hết, không có tình trạng tiểu thương ôm hàng nhiều.

Chị Nguyễn Ngọc Loan- tiểu thương chợ thị trấn Cái Nhum (Mang Thít), chia sẻ: “Tết rồi tôi không dám nhập hàng nhiều, nhất là các loại bánh mứt nên tôi lấy hàng vừa phải, nhờ vậy mà bán hết hàng, giá cũng không tăng. Tôi cũng chú trọng lấy sản phẩm có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng, bởi nhận thức, thị hiếu người tiêu dùng ngày càng nâng cao, bán hàng chất lượng mới giữ được uy tín lâu dài”.

Phó Trưởng Ban quản lý chợ Vĩnh Long Lê Thanh Thống, cho biết: Ban quản lý chợ cũng đã phối hợp với ngành chức năng có liên quan tăng cường kiểm tra chất lượng hàng hóa, cũng như giá cả hàng hóa, kiểm tra các hàng hóa quá hạn hoặc các hàng hóa ngắn hạn như: bánh mứt, lạp xưởng và các loại thực phẩm khác nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, giúp người dân an tâm mua sắm.

Hàng hóa tại chợ phong phú, đa dạng, nguồn cung dồi dào.

Bình ổn thị trường

Để bình ổn thị trường trong dịp Tết Nguyên đán 2022, Sở Công thương đã triển khai đến UBND các huyện, thị xã, thành phố, các doanh nghiệp tham gia bình ổn và các đơn vị có liên quan để tổ chức thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu.

Qua đó nhằm đảm bảo cân đối cung cầu đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân, đặc biệt là chuẩn bị tốt nguồn hàng tiêu dùng thiết yếu, nguồn thực phẩm sạch đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đáp ứng nhu cầu tăng cao vào các dịp lễ, tết,… góp phần hạn chế tốc độ tăng giá, thúc đẩy sản xuất- kinh doanh phát triển, kích cầu tiêu dùng.

Theo Sở Công thương, qua đợt kiểm tra trước Tết, tình hình an toàn thực phẩm cơ bản được đảm bảo, phần lớn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phục vụ tết đều có ý thức chấp hành những quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, quan tâm đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, đổi mới, cải tiến máy móc thiết bị nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất thực phẩm,...

Theo đánh giá của ông Nguyễn Trung Kiên- Phó Giám đốc Sở Công thương, nhìn chung, tình hình cung cầu hàng hóa trước, trong và sau Tết Nguyên đán năm 2022 đảm bảo cung ứng cho nhu cầu tiêu dùng.

Giá cả hàng hóa tương đối ổn định, sức mua của người dân những ngày trước Tết không nhiều, những ngày cận Tết sức mua có tăng cao hơn so với các ngày thường nhưng không tăng so với cùng kỳ Tết năm trước.

Lượng hàng hóa vẫn đáp ứng đủ cho nhu cầu của người dân do các doanh nghiệp đã chủ động chuẩn bị nguồn hàng phục vụ tết từ trước nên mặc dù nhu cầu mua sắm của người dân có tăng nhưng nguồn cung hàng hóa vẫn đảm bảo, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.

“Hàng hóa sản xuất trong nước chiếm thị phần đáng kể trên thị trường tỉnh, mẫu mã đa dạng, phong phú đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Bánh kẹo sản xuất trong nước đã chiếm ưu thế về số lượng và chất lượng trên thị trường bánh kẹo. Các mặt hàng lương thực, thực phẩm như: gạo, nếp, rau, củ, quả, thịt heo, gia cầm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.

Sau Tết hàng hóa trên địa bàn tỉnh vẫn đầy đủ đáp ứng nhu cầu của người dân, giá một số mặt hàng rau củ có giảm nhẹ so với những ngày cận Tết, các chợ truyền thống, các siêu thị, cửa hàng tiện lợi đã hoạt động trở lại đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa cho người dân”- ông Kiên cho biết.

Theo Sở Công thương, những ngày cận Tết, đặc biệt vào các ngày 27- 28 Tết, giá cả một số mặt hàng có tăng do nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, như: dưa hấu tăng 5.000 đ/kg; thịt heo tăng 10.000- 20.000 đ/kg; khổ qua tăng 10.000- 15.000 đ/kg; kẹo mứt tăng 10.000- 20.000 đ/kg; bia, nước ngọt tăng từ 5.000- 10.000 đ/thùng,… Thời điểm sau Tết, giá cả các mặt hàng này đã ổn định trở lại.

Riêng mặt hàng thịt heo năm nay tương đối ổn định. Tổng đàn heo trong tỉnh đáp ứng đủ nhu cầu người dân trước, trong và sau Tết. Từ giữa tháng 1/2022 giá heo hơi có chiều hướng tăng nhẹ so với đầu tháng, do những ngày cận Tết người dân bán lượng heo nhiều và sức tiêu thụ thịt heo tại các chợ cũng tăng hơn.

Theo Báo Vĩnh Long