Vĩnh Long: Các giải pháp nâng chất lượng nguồn nhân lực

17/05/2022 - 10:24

Cơ sở đào tạo, doanh nghiệp tuyển dụng, đơn vị xuất khẩu lao động khi bàn về kết nối giáo dục nghề nghiệp- việc làm đã đưa nhiều giải pháp góp phần đa dạng hoạt động đào tạo, hỗ trợ việc làm, hợp tác nâng chất lượng nguồn nhân lực.

A A

Bà Nguyễn Thị Mỹ Linh- Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Vĩnh Long- cho biết năm học 2021- 2022, trường có 51 lớp đào tạo 8 ngành trình độ CĐ và 14 ngành trình độ trung cấp, với 1.178 sinh viên, học sinh.

Nêu giải pháp về đào tạo nghề và tạo việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp, bà Mỹ Linh chia sẻ cần lồng ghép đào tạo kỹ năng mềm cho người học trong quá trình đào tạo ngành nghề. Kế đến, điều chỉnh chương trình chi tiết một số môn học trong chương trình đào tạo gắn kết giữa nhà trường với doanh nghiệp, hướng tăng cường thời gian cho người học được tham gia sản xuất, thực hành, thực tập, rèn nghề tại doanh nghiệp...

Cùng với ký kết hợp tác toàn diện về đào tạo và tuyển dụng với doanh nghiệp, nhà trường phối hợp triển khai chương trình thực tập sinh nước ngoài, lao động nước ngoài cho người học; tổ chức tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên nhằm định hướng việc làm, nghề nghiệp, tạo động lực cho người học.

Xuất khẩu lao động là một trong các giải pháp góp phần nâng chất lượng nguồn nhân lực.

Trung tâm Đào tạo thường xuyên- Trường ĐH Xây dựng Miền Tây cũng nhấn mạnh việc tăng cường liên kết hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp. Ở đó, doanh nghiệp có thể đặt hàng và nhà trường sẽ cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

Theo ông Trương Công Hào- Giám đốc Trung tâm Đào tạo thường xuyên- đơn vị thiết lập bộ phận chuyên trách về hướng nghiệp liên kết, hợp tác với doanh nghiệp, qua đó nắm bắt kịp thời các yêu cầu và đặc biệt chú trọng vai trò phản biện của doanh nghiệp. Từ những điểm này, trường đưa ra dự báo đúng xu hướng ngành nghề đào tạo và việc làm sau tốt nghiệp của sinh viên trường, tạo ra sự cân đối giữa đào tạo của nhà trường và sử dụng lao động của doanh nghiệp.

Xuất khẩu lao động cũng là một trong các giải pháp góp phần nâng chất lượng nguồn nhân lực. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thủy- Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Phát triển nhân lực Miền Tây (Mitaco)- định hướng quan trọng của đơn vị là tăng cường phối hợp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để nâng cao năng lực đào tạo nghề nghiệp, ngoại ngữ, các kỹ năng cần thiết cho người lao động khi đăng ký tham gia xuất khẩu lao động.

Theo bà Thanh Thủy, để tạo nguồn xuất khẩu lao động lâu dài và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Mitaco có kế hoạch đào tạo tiếng Nhật kết hợp đào tạo nghề cho học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT theo chính sách phân luồng giáo dục gắn với xuất khẩu lao động và việc làm trong nước. Đồng thời, công ty còn tư vấn ngành nghề cho người lao động, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và chế độ làm việc ở nước ngoài theo quy định hiện hành.

Sinh viên, học sinh trải nghiệm tại ngày Hội Việc làm- Giáo dục nghề nghiệp tỉnh năm 2022. Ảnh: TL

Sinh viên, học sinh trải nghiệm tại ngày Hội Việc làm- Giáo dục nghề nghiệp tỉnh năm 2022. Ảnh: TL

Bà Lưu Linh- Giám đốc Nhân sự Công ty CP Vinpearl chi nhánh Kiên Giang- cho biết quá trình tuyển dụng và sử dụng nhân lực, công ty đề cao thái độ tích cực, tinh thần trách nhiệm và sự nỗ lực trong công việc. Thời gian qua, công ty đã có sự gắn kết, hợp tác chặt chẽ với các trường nghề, CĐ, ĐH trên toàn quốc. Vinpearl là đầu ra và đã đón nhận khoảng 80% số lượng sinh viên thực tập và được ký hợp đồng chính thức sau khi ra trường tại các địa phương Kiên Giang, Cần Thơ, Đà Nẵng, Nha Trang và khu vực phía Bắc.

Bà Lưu Linh thông tin, hiện Vinpearl đang có nhu cầu tuyển dụng từ 1.500- 2.500 cán bộ nhân viên và khoảng 15.000 nhân viên trong 10 năm tới. Tại hội thảo chương trình kết nối giáo dục nghề nghiệp- việc làm tỉnh Vĩnh Long, đại diện Vinpearl mong muốn được giao lưu, kết nối và đồng hợp tác với các cơ quan ban ngành, các trường nghề, CĐ, ĐH tại Vĩnh Long và các tỉnh thành để bồi đắp nguồn nhân sự có tay nghề và tay nghề cao tại các địa phương.

Theo Báo Vĩnh Long