Vĩnh Long: Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp

23/06/2022 - 14:07

UBND tỉnh vừa tổ chức hội nghị phân tích đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021. Trong hội nghị, có khá nhiều vấn đề đặt ra và việc thực hiện cải thiện PCI trong năm 2022 và những năm tiếp theo cần được thực hiện nghiêm chỉnh, đồng bộ các giải pháp.

A A

PCI giảm

Theo kết quả công bố của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), PCI năm 2021 của tỉnh Vĩnh Long là 65,43 điểm, đứng thứ 23 của cả nước, giảm 17 bậc so với năm 2020 và thuộc nhóm điều hành khá. Trong khu vực ĐBSCL, Vĩnh Long giảm 3 bậc và xếp hạng 6 sau các tỉnh Đồng Tháp, Cần Thơ, Long An, An Giang và Bến Tre.

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Khắc Nhu cho biết, kết quả khảo sát điều tra cho thấy cộng đồng doanh nghiệp (DN) cảm nhận, đánh giá về chất lượng điều hành kinh tế và môi trường kinh doanh của tỉnh vẫn còn một số mặt chưa tốt, thể hiện ở các lĩnh vực có chỉ số thành phần giảm điểm số hoặc thứ hạng.

PCI giảm thứ hạng do nhiều nguyên nhân khách quan, nhất là ảnh hưởng rất lớn từ dịch COVID-19 (ảnh minh họa).

Trong 10 chỉ số thành phần, tỉnh có 4 chỉ số tăng hạng là chính sách hỗ trợ DN, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự, gia nhập thị trường, cạnh tranh bình đẳng. Đối với 6 chỉ số giảm điểm số và hạng gồm tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, tính năng động của chính quyền tỉnh và đào tạo lao động.

Ngoài ra, các chỉ số giảm thứ hạng nhiều như tính năng động của chính quyền tỉnh giảm 40 bậc (từ hạng 15 xuống hạng 55), đào tạo lao động giảm 34 bậc (từ hạng 26 xuống hạng 60), tính minh bạch giảm 14 bậc (từ hạng 20 xuống hạng 34).

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, nguyên nhân khách quan là các DN bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch COVID-19, các quy định nghiêm ngặt và các chính sách hạn chế dịch bệnh khiến nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh bị cản trở, đình trệ. Mặt khác, việc thay đổi về cơ cấu tính điểm và bổ sung các chỉ tiêu thành phần trong bộ chỉ số PCI năm 2021 ít nhiều cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến PCI của tỉnh.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Khắc Nhu, nguyên nhân chủ quan là do trong việc thực hiện quyết tâm cải thiện PCI của tỉnh nhưng thiếu kiểm tra, sơ kết, tổng kết để đánh giá kết quả thực hiện. “Một số đơn vị chưa có kế hoạch cụ thể trong việc thực hiện chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh hoặc xây dựng kế hoạch thực hiện còn chung chung và chưa được lãnh đạo đơn vị quan tâm, sâu sát”- ông Nguyễn Khắc Nhu chia sẻ.

Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp

Theo bà Võ Thị Thu Hương- Phó Giám đốc VCCI Cần Thơ, tỉnh Vĩnh Long cần nỗ lực nhiều hơn để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN: Tăng cường tính minh bạch, nâng cao chất lượng lao động, có những giải pháp thiết thực nhằm hỗ trợ DN giảm chi phí thời gian và chi phí không chính thức.

Trong thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục phát huy các chỉ số thành phần đạt điểm số tốt qua các năm, cũng như tập trung vào các chỉ số liên quan điều hành môi trường thực hiện chiến lược quốc gia. Ngoài ra, tỉnh chú ý thực hiện các chính sách liên quan hỗ trợ phục hồi kinh tế sau COVID-19, kiến nghị chính sách giảm lãi suất, chi phí có thể giảm tạm thời cho DN trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều biến động.

Chủ tịch UBND tỉnh Lữ Quang Ngời cho rằng, báo cáo PCI do VCCI công bố hàng năm được tỉnh đặc biệt quan tâm và xem đây là thước đo quan trọng nhằm đánh giá chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền, nỗ lực cải cách hành chính, mức độ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại địa phương.

Để cải thiện PCI mạnh mẽ hơn nữa, thời gian tới, tỉnh Vĩnh Long tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng ổn định, thông thoáng, thuận lợi, minh bạch, bình đẳng, hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng như các DN đang thực hiện đầu tư sản xuất kinh doanh trên địa bàn.

Việc cải thiện PCI thời gian tới cần thực hiện nghiêm chỉnh và đồng bộ các giải pháp (ảnh minh họa).

Việc cải thiện PCI thời gian tới cần thực hiện nghiêm chỉnh và đồng bộ các giải pháp (ảnh minh họa).

Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương tăng cường trách nhiệm, tính chủ động trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ và phát triển DN; xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước và đảm bảo sự nhất quán từ tỉnh đến cơ sở.

Bên cạnh đó, các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng minh bạch, thuận lợi để giảm chi phí thời gian cho DN; thực hiện nghiêm việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra, đảm bảo không chồng chéo, trùng lắp, không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, không tạo gánh nặng tâm lý đối với người dân và DN; xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, gây bức xúc với DN.

Ngoài ra, các trường ĐH, CĐ, cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tăng cường phối hợp với DN tuyển sinh đào tạo gắn với giải quyết việc làm cho lao động sau đào tạo; đẩy mạnh việc tổ chức đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của DN; phát huy các sàn giao dịch việc làm để phát triển thị trường lao động.

Cùng đó, các hiệp hội DN, các hội ngành nghề củng cố hoạt động, phát huy vai trò trong việc đại diện và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của DN; đồng thời, tham gia tư vấn, phản biện, đóng góp ý kiến với lãnh đạo tỉnh trong xây dựng cơ chế, chính sách liên quan đến DN, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh…

Ông Nguyễn Thành Thế- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, lưu ý cần tiếp tục phát huy những công việc đã làm được. Khắc phục những hạn chế, đặc biệt là các nguyên nhân chủ quan, nhằm đưa ra các giải pháp cần thiết để thực hiện tăng điểm, tăng hạng các nội dung PCI trong thời gian tới.

Theo Báo Vĩnh Long