Vĩnh Long: Cảnh báo nguy cơ sạt lở, sụp lún bờ sông

02/07/2024 - 14:43

Thời tiết trong tỉnh đang vào mùa mưa. Theo ngành chuyên môn, trong giai đoạn này, đồng hành cùng giông, lốc xoáy, mưa lớn, thì sạt lở (SL), sụp lún bờ sông, rạch thường xảy ra nhất. Đây là 2 thiên tai đáng lo ngại và là vấn nạn về môi trường trong nhiều năm nay không những đối với Vĩnh Long mà còn ở nhiều nơi trong vùng ĐBSCL mỗi khi mùa mưa, lũ đến.

Những vùng có nguy cơ bị sạt lở

SL, sụp lún đất ở ĐBSCL nói chung và ở tỉnh ta nói riêng, tuy ít gây thiệt hại về nhân mạng nhưng loại thiên tai này đã tàn phá nhiều đất đai, công trình, nhà cửa ven sông.

Theo các chuyên gia của Viện Khoa học thủy lợi Miền Mam, SL bờ sông xảy ra khi khối đất trên bờ sông bị mất cân bằng, mất ổn định bị trượt theo phương ngang ra phía lòng sông. Bờ sông bị mất cân bằng, mất ổn định do sóng, do dòng chảy làm xói bờ, xói lòng sông hoặc do con người đào tạo vực sâu gần bờ, chất vật nặng sát bờ sông. Còn sụp lún đất thì bờ sông bị sụp xuống theo phương thẳng đứng.

Tình trạng bờ sông thường bị SL vào đầu mùa mưa là vì đất bờ sông ở tỉnh ta thường là đất cát pha sét bở rời, đất thịt pha cát, khi bị thấm nước mưa trở nên mềm yếu, tính dính kết thấp, áp lực lỗ rỗng tăng lên, dễ bị bở rời và trọng lượng đất bờ càng nặng hơn do ngấm nước mưa.

Các đoạn bờ sông có nguy cơ bị sạt lở nguy hiểm cần được gia cố để phòng, tránh rủi ro, thiệt hại trong mùa mưa.

Khi triều xuống thấp (nước ròng), áp lực thấm của nước ngầm do nước mưa ngấm vào đất càng đẩy đất bờ ra sông, khi đó áp lực đẩy nổi của sông hướng vào bờ không còn do triều xuống thấp. Lực giữ đất bờ nhỏ hơn lực đẩy đất bờ ra sông nên bờ sông bị SL. Hiện tượng SL nhanh hơn là lúc triều xuống thấp (nước ròng thấp).

Số liệu thống kê của Chi cục Thủy lợi, hiện toàn tỉnh có 160 điểm có tốc độ SL trên 2 m/năm với tổng chiều dài gần 10km, phần lớn nằm ở các tuyến sông, kinh, rạch lớn: tại những nơi sông, rạch uốn cong, bờ sông có hướng dòng chảy chảy thẳng vào bờ; ở những vàm sông, những khu vực bến bãi và dòng kinh, rạch có nhiều tàu ghe qua lại; những bờ sông có gió mùa Tây Nam và gió Đông Bắc thổi gần như vuông góc với bờ sông gây sóng to vỗ bờ mà không có cây cối hay công trình che chắn bên ngoài…

Trong đó, có 8 khu vực đã bị SL nặng và có tiềm ẩn nguy cơ bị SL cao, khả năng bị SL mạnh với tổng chiều dài 27.176m, gồm: khu vực bờ tả sông Cổ Chiên (đoạn từ đầu cù lao Minh thuộc ấp An Long, xã An Bình đến phà Đình Khao thuộc xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ) và khu vực cồn Thanh Long thuộc xã Quới Thiện, huyện Vũng Liêm; trên sông Hậu có khu vực thượng và hạ du vàm kênh Hai Quý, khu vực quanh cồn Sừng (TX Bình Minh), khu vực chợ xã Tích Thiện (huyện Trà Ôn); các tuyến kinh Xáng (xã Lục Sĩ Thành, huyện Trà Ôn), sông Cái Cao (xã Phú Đức, huyện Long Hồ), sông Măng Thít (đoạn từ phà Chánh An đến cầu Măng Thít thuộc huyện Vũng Liêm, Mang Thít)… cũng có nguy cơ bị SL mạnh.

Riêng đối khu vực bờ tả sông Cổ Chiên, vào tháng 4/2024, Sở Nông nghiệp-PTNT đã phối hợp với Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam hoàn thành đánh giá ổn định bờ sông này, đoạn từ rạch Cái Cá đến rạch Bà Bóng dài 12km thuộc xã Hòa Ninh, An Bình (huyện Long Hồ), Phường 1, 2, 5 (TP Vĩnh Long).

Qua đo đạc địa hình, địa chất thủy văn, dòng chảy, Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam cảnh báo có 3 đoạn bờ sông thuộc 2 phía bờ sông Cổ Chiên tiềm ẩn nguy cơ bị SL cao. Trong đó, phía bờ tả thuộc cù lao Minh có 2 đoạn dài 750m thuộc xã Hòa Ninh, lòng sông xuất hiện lạch sâu nằm sát bờ có cao trình từ -28m đến -35m; phía bờ hữu thuộc Phường 1, Phường 5 dài gần 1km có lạch sâu nằm phía giáp bờ có cao trình -35m đến -38m.

Đề phòng sạt lở, sụp lún bờ sông

Từ nhiều năm qua, SL bờ sông là nỗi lo của hộ dân ở ven sông và bất an của chính quyền địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên, vấn đề khó hiện nay là công tác dự báo thường xuyên về loại thiên tai này ở Vĩnh Long hay ở vùng ĐBSCL chưa thực hiện được như dự báo các loại thiên tai khác, như: bão, áp thấp nhiệt đới, xâm nhập mặn, triều cường, lũ. Vì vậy, người dân trở tay không kịp, chỉ tự nhận biết hoặc được thông báo trước vài ngày dựa trên một vài dấu hiệu quen thuộc của SL.

Tuy nhiên, thông qua các đề tài, công trình nghiên cứu khoa học, dự án ứng dụng các đề tài, công trình nghiên cứu về SL và phòng, chống SL bờ sông ở vùng ĐBSCL, ở Vĩnh Long, các cơ quan chuyên môn có thể đưa ra xu thế diễn biến lòng dẫn, hỗ trợ dự báo xói lở và đề xuất các giải pháp chỉnh trị cho nhiều khu vực xói lở trọng điểm trên các tuyến sông lớn trong vùng.

Từ đó kiến nghị chính quyền sở tại cần thông báo, cảnh báo cho người dân biết để di dời, hạn chế các hoạt động sản xuất, xây dựng, gia tải, chất tải ở các khu vực có nguy cơ bị SL.

Để phòng, tránh loại thiên tai này hiệu quả, trước mắt cần khẩn trương thực hiện công tác tuyên truyền, thông tin về tác hại của thiên tai SL, sụp lún bờ sông; các công trình, nhà cửa nằm sát bờ sông, rạch phải được kiểm tra và xử lý ổn định.

Người và tài sản ở các công trình, nhà cửa có dấu hiệu bị SL cần được di dời ngay đến nơi an toàn. Những hộ có điều kiện cần phá những căn nhà kiên cố hiện còn ở cạnh bờ sông mà không có người ở để giảm tải nặng bờ sông, để tránh nguy cơ SL.

Sạt lở, sụp lún bờ sông tàn phá nhiều nhà ở, công trình ven sông. Trong ảnh: Vụ sạt lở bờ sông Cái Cao ở xã Phú Đức, huyện Long Hồ vào ngày 9/6/2023.

Sạt lở, sụp lún bờ sông tàn phá nhiều nhà ở, công trình ven sông. Trong ảnh: Vụ sạt lở bờ sông Cái Cao ở xã Phú Đức, huyện Long Hồ vào ngày 9/6/2023.

Việc cảnh báo khu vực SL nguy hiểm cần được tiến hành để hạn chế hoặc dừng hẳn các hoạt động xung quanh khu vực này. Những cây lâu năm mọc gần mé sông nên được đốn hạ để tránh bị gió mạnh gây đổ ngã kéo theo SL bờ sông (trường hợp này đã xảy ra nhiều nơi trước đây vào đầu mùa mưa). Sự xuất hiện những vết nứt đất bờ chạy song song với bờ sông là dấu hiệu bờ sông sắp bị SL.

Khi xảy ra SL, sau khi công tác cứu hộ, cứu nạn (ưu tiên cứu người) được tiến hành khẩn cấp, các hoạt động trên bờ sông trong khu vực SL phải dừng lại và tránh xa.

Không nên xử lý gia cố bờ sông ngay sau khi SL vì càng gây chấn động, làm rung động thì đất bờ càng lở, cứ để cho bờ sông lở tự nhiên đến khi bờ sông ổn định hết lở mới có thể tiến hành các hoạt động gia cố bờ; không để vật có tải trọng nặng trên bờ tại nơi bị lở, phải di dời vật này cách bờ tối thiểu 50m. Bên cạnh, cần tạo rãnh thoát nước mặt trên bờ ở nơi SL để nước mưa không đọng lại làm tăng tải trọng đất bờ, làm đất bờ thêm SL.

Theo TRUNG CHÁNH (Báo Vĩnh Long)