Vĩnh Long: "Hiến kế" phát triển sản phẩm OCOP

04/01/2024 - 09:45

Chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các chủ thể tham gia, góp phần phát triển sản phẩm đặc trưng và kinh tế- xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Dũng- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT, hiện các chủ thể OCOP còn gặp khó khăn về công nghệ, vốn và đặc biệt là khó khăn về thị trường. Theo đó, cần tiếp tục quan tâm đầu tư, hỗ trợ cho các chủ thể OCOP, để các sản phẩm OCOP tiếp tục phát triển, vươn xa.

Là doanh nghiệp có 2 sản phẩm được đề xuất OCOP 5 sao, ông Nguyễn Minh Hậu- đại diện Công ty TNHH Sáu Ri (Long Hồ) cho biết, thành công của doanh nghiệp trong những năm qua không chỉ về doanh số mà còn là được tiếp cận công nghệ chế biến sản phẩm.

Cho biết doanh nghiệp chuyên về hàng lạnh, sản phẩm đã xuất khẩu đi nhiều quốc gia như Trung Quốc, Úc, Mỹ, Canada, Pháp, Nhật, Đức… với kim ngạch xuất khẩu 3 quý đầu năm 2023 khoảng 20 triệu USD, ông Nguyễn Minh Hậu nói, sản phẩm chế biến của doanh nghiệp xuất đi các thị trường đều có thương hiệu, dán logo công ty.

Chương trình OCOP góp phần phát triển sản phẩm đặc trưng và kinh tế- xã hội của địa phương.

Trước đây doanh nghiệp chỉ làm hàng tươi nhưng thường gặp cảnh được mùa mất giá, thời gian bảo quản không dài nên doanh nghiệp bắt đầu nghiên cứu công nghệ chế biến để tăng thời gian bảo quản, trữ hàng trong kho bán vào mùa nghịch…

Theo ông Nguyễn Minh Hậu, sầu riêng Ri6 vị ngọt đậm đà, thơm nhẹ, béo… là nét riêng phân biệt với các loại sầu riêng khác trên thị trường, tuy nhiên, cần có mã số vùng trồng sẽ tiếp cận thị trường tốt hơn và đặc biệt cần đầu tư công nghệ chế biến sâu.

Là HTX được chứng nhận hữu cơ theo 4 tiêu chuẩn của quốc tế là USDA (Mỹ), EU (châu Âu), JAS (Nhật Bản) và COR (Canada) và là HTX đầu tiên cả nước đạt được 4 tiêu chuẩn trên, ông Đoàn Văn Tài- Giám đốc HTX Sản xuất- Dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt (Vũng Liêm) cho biết, sản phẩm làm ra muốn đứng vững trên thị trường thì đòi hỏi chất lượng phải đặt lên hàng đầu, theo tiêu chuẩn nhất định.

Xác định rõ điều này nên “HTX luôn tiên phong trong sản xuất, làm chứng nhận đạt chuẩn để đáp ứng thị trường tiêu thụ”. Bước đầu gặp nhiều khó khăn, phải mày mò học hỏi, nghiên cứu…

Tuy nhiên, khi đã đạt chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế thì có rất nhiều lợi thế để gia tăng giá trị sản phẩm, tăng lợi nhuận. Ngoài gạo, hiện HTX còn có những sản phẩm giá trị gia tăng khác như: bột gạo dinh dưỡng, trà thảo dược, sữa chua…

Định hướng sắp tới sẽ phát triển sản phẩm bún gạo hữu cơ từ gạo. Ông Đoàn Văn Tài cho biết thêm, giá bán sản phẩm của HTX hiện khá tốt: gạo trắng 60.000 đ/kg, gạo lứt đỏ 70.000 đ/kg, gạo tím thảo dược 80.000 đ/kg; bột dinh dưỡng, bột gạo đỏ thì giá cao gấp đôi so với giá gạo nhưng “thị trường chấp nhận và tiêu thụ rất nhanh”.

Theo ông Đoàn Văn Tài, hướng tới HTX sẽ mở rộng diện tích được chứng nhận từ 30ha lên khoảng 200ha. Đồng thời, không chỉ dừng lại ở sản xuất hữu cơ có chứng nhận mà sẽ tiến tới sản xuất tuần hoàn, sản xuất sinh thái- nâng cao thêm bước nữa để có vị thế cao hơn.

Theo ông Đoàn Văn Tài: Cần nhạy bén kết hợp, tranh thủ các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước. Ví dụ như sản xuất nông nghiệp lúa gạo thì nội lực của HTX có thể xây dựng hoàn chỉnh quy trình sản xuất, nhưng về hạ tầng cơ sở để vận chuyển hàng hóa, quản lý nước để khống chế cỏ dại… thì phải từ các chính sách hỗ trợ.

Ông Lê Văn Dũng cho biết, toàn tỉnh hiện có 167 sản phẩm OCOP 3 sao và 4 sao (110 sản phẩm OCOP 3 sao, 57 sản phẩm OCOP 4 sao) của 101 chủ thể (26 HTX, 2 tổ hợp tác, 18 doanh nghiệp và 55 hộ sản xuất). Trong số 57 sản phẩm 4 sao thì có 4 sản phẩm trình Trung ương để xét công nhận sản phẩm 5 sao.

Đó là 2 sản phẩm sầu riêng của Công ty TNHH Sáu Ri là: sầu riêng tươi và sầu riêng sấy thăng hoa và 2 sản phẩm khoai lang sấy của Công ty TNHH Đông Phát Food (Bình Tân): khoai lang tím sấy và khoai lang vàng sấy. Nhìn chung, các chủ thể OCOP- ngoại trừ một số doanh nghiệp đã có chỗ đứng trên thị trường thì phần lớn là các doanh nghiệp khởi nghiệp, các HTX nên thị phần còn nhiều khó khăn.

Thời gian qua, Sở Nông nghiệp-PTNT, Sở Công Thương, Sở Văn hóa-TT-DL… đã hỗ trợ các chủ thể OCOP trong xúc tiến thương mại, trưng bày sản phẩm ở các sự kiện trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh, Sở Nông nghiệp- PTNT, Sở Công Thương có trang web quảng bá các sản phẩm OCOP...

Tăng cường hỗ trợ các sản phẩm OCOP xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường.

Tăng cường hỗ trợ các sản phẩm OCOP xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường.

Cùng với đó, từ khi có chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, các chủ thể OCOP được hỗ trợ, tư vấn về mẫu mã, bao bì, về câu chuyện sản phẩm, tem nhãn… Đến nay, tỉnh đã tổ chức được 7 điểm trưng bày sản phẩm OCOP.

Cũng theo ông Lê Văn Dũng, các doanh nghiệp của tỉnh cần phối hợp lập trang web mua bán sản phẩm OCOP, đồng thời, quan tâm đầu tư hỗ trợ cho các chủ thể OCOP tiếp tục phát triển sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Theo TUYẾT HIỀN (Báo Vĩnh Long)