Vĩnh Long: Hiệu quả từ mô hình quản lý sức khỏe cây trồng

01/07/2024 - 09:13

Theo ngành chức năng, việc áp dụng canh tác lúa theo mô hình quản lý sức khỏe cây trồng (IPHM) đã chứng minh được nhiều hiệu quả so với đối chứng sản xuất lúa theo tập quán. IPHM sẽ là cơ sở quan trọng để nông dân hướng đến sản xuất nông nghiệp sinh thái, bền vững, thích ứng trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Mô hình đem lại hiệu quả kinh tế, giảm phát thải, bảo vệ môi trường và sức khỏe nông dân.

Giảm phát thải, tăng hiệu quả kinh tế

Theo ngành nông nghiệp, thời gian qua, một số địa phương vẫn còn tập trung chủ yếu vào mục tiêu kinh tế, an ninh lương thực, chưa chú trọng vấn đề giảm phát thải.

Bên cạnh đó, nhận thức của nông dân còn hạn chế, còn sạ với mật độ dày, sử dụng lượng phân nhiều, đồng thời, quản lý nguồn phát thải chưa tối ưu, còn tình trạng đốt rơm, gây ô nhiễm và phát thải…

Theo đó, Chi cục Trồng trọt và BVTV (Sở Nông nghiệp-PTNT) đã phối hợp triển khai IPHM hướng đến canh tác chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp. Mô hình được thực hiện với diện tích 24ha, trong 3 tháng tại Ấp 8, xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình với quy mô 30 hộ nông dân.

Sử dụng giống xác nhận OM18, OM 5451 với mật độ sạ trung bình là 129,9 kg/ha. Trong mô hình áp dụng biện pháp IPHM như: sử dụng giống tốt, giảm mật độ gieo sạ, các biện pháp canh tác, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, quản lý dịch hại theo IPM,...

Kết quả cho thấy, ruộng mô hình tiết kiệm được chi phí giống, phân bón, thuốc BVTV hơn so với ruộng ngoài mô hình.

Tổng chi phí sản xuất của ruộng mô hình thấp hơn 1.598.000 đ/ha; lợi nhuận ước đạt cao hơn 1.598.000 đ/ha; giá thành sản xuất của ruộng mô hình (3.482 đ/kg) thấp hơn 266 đ/kg so với ruộng ngoài mô hình (3.748 đ/kg).

Điều này cho thấy ruộng trong mô hình đầu tư hợp lý hơn, sử dụng vật tư đầu vào hiệu quả hơn, tiết kiệm chi phí giống, phân bón, thuốc BVTV và công lao động nên lợi nhuận thu được cao hơn.

Có 10 công lúa tham gia mô hình, chú Trần Văn Hiểu (Ấp 8, xã Mỹ Lộc) cho hay: “Trước đây tôi sạ dày, 15 kg/công.

Sau khi tham gia mô hình, tôi sạ thưa, 10 kg/công, tôi rải phân cân đối hơn, đồng thời trước đây tôi phun thuốc 4 lần/vụ, rải phân 4 lần/vụ thì hiện nay chỉ phun 3 lần và rải phân 3 lần, nhờ đó giảm được chi phí giống, chi phí phân bón, thuốc BVTV mà lúa vẫn phát triển tốt, đẻ nhánh khỏe, tỷ lệ chồi tốt hơn, cây hấp thụ đủ dinh dưỡng nên phát triển chiều cao cũng tốt hơn.

Đồng thời, nhờ giảm lượng phân đạm nên lúa cũng ít bị sâu cuốn lá nhỏ, nhện tấn công. Vụ lúa Hè Thu này, tôi ước tính đạt năng suất 700 kg/công, với mức giá từ 7.500-7.700 đ/kg với giống OM18 thì sau khi trừ chi phí còn lợi nhuận khoảng 4 triệu đồng/công, cao hơn với vụ Hè Thu năm trước từ 2-3 triệu đồng/công, do vụ trước tốn nhiều công, sạ dày, phân bón, chi phí nhiều hơn”.

Chú Nguyễn Văn Phước (Ấp 8, xã Mỹ Lộc) cũng cho hay: Sau khi tham gia mô hình đã giúp nông dân nhận diện đúng các đối tượng dịch hại, thiên địch trên ruộng lúa, nhận biết được nhu cầu dinh dưỡng của cây lúa qua từng giai đoạn, từ đó xác định đúng thời điểm bón phân và lượng phân bón, sức khỏe đất…

Song song đó, nông dân cũng biết được tác hại của việc sạ dày làm tăng chi phí, gây khó khăn trong quản lý dịch hại nhưng năng suất chỉ bằng hoặc thấp hơn sạ thưa. Do đó, nông dân mạnh dạn giảm mật độ gieo sạ.

Đặc biệt, nông dân thấy được lợi ích của việc sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng, thời gian cách ly thuốc BVTV, nâng cao ý thức trong việc thu gom vỏ bao bì thuốc BVTV để đúng nơi quy định, góp phần bảo vệ môi trường, giảm phát thải và quan trọng hơn hết là bảo vệ sức khỏe cho bản thân và người tiêu dùng.

Tiếp tục tuyên truyền, nhân rộng mô hình

Theo ngành chức năng, do nhu cầu thị trường về chất lượng sản phẩm lúa gạo ngày càng cao nên việc áp dụng quy trình IPHM là rất cần thiết nhằm góp phần bảo vệ sản xuất, kiểm soát mức độ suy thoái đất, sức khỏe con người, động vật và môi trường, hoàn toàn phù hợp với những định hướng, mục tiêu lớn mà ngành nông nghiệp đang hướng tới: phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh.

Tham quan mô hình, ông Trần Văn Bé Bảy- Giám đốc HTX Nông nghiệp Hồi Tường (huyện Trà Ôn) cho biết: “Tôi nhận thấy mô hình này không chỉ giảm chi phí, tăng lợi nhuận, mà còn giảm được phát thải trong sản xuất, bảo vệ môi trường.

Đây là yếu tố quan trọng trong sản xuất lúa hiện nay. Mô hình này có thể áp dụng để nhân rộng sản xuất, hướng đến thực hiện Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp mà HTX đang tham gia. Do đó, thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục tuyên truyền cho bà con nông dân áp dụng quy trình IPHM”.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thanh- Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và BVTV (Sở Nông nghiệp-PTNT): Trong các nội dung để thực hiện Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao phát thải thấp của Chính phủ thì vấn đề canh tác bền vững là một trong những nội dung quan trọng.

Trong đó, liên quan đến công tác quản lý giống, sử dụng giống xác nhận, giảm lượng giống. Hiện mô hình này là làm được việc sạ 10 kg/công, sử dụng giống xác nhận 0M18, quản lý nước, thực hiện tưới khô nước xen kẽ để giảm khí phát thải, giảm khí mê tan, đồng thời trong quá trình canh tác tăng cường sử dụng hàm lượng chất hữu cơ, giảm phân đạm, từ đó, góp phần giảm chi phí đầu tư, giảm phát thải.

Thời gian tới, chi cục sẽ tiếp tục phối hợp các đơn vị có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền nông dân canh tác bền vững trên cây lúa bằng nhiều giải pháp như áp dụng theo IPHM, 1 phải 5 giảm, hoặc tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt để thông qua những tiêu chuẩn đó nông dân sản xuất canh tác theo hướng bền vững.

Đồng thời, triển khai duy trì, nhân rộng mô hình trong thời gian tới. Song song đó, kiến nghị các địa phương hỗ trợ người dân liên kết tiêu thụ sản phẩm, tránh tình trạng được mùa mất giá.

Ông Nguyễn Ngọc Thanh- Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và BVTV cho biết: IPHM là hệ thống quản lý cây trồng mà các biện pháp tác động dựa trên nền tảng môi trường cụ thể về: đất, nước, thời tiết, sinh vật gây hại, sinh vật có ích nhằm giảm tác động gây bất lợi cho cây trồng, nâng cao giá trị sản phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái và đa dạng sinh học. Mục tiêu của mô hình nhằm giảm thiểu mối nguy hại do lạm dụng hóa chất nhất là thuốc BVTV đối với sức khỏe cộng đồng, môi trường, an toàn thực phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh việc ứng dụng IPM-IPHM trên các loại cây trồng nhằm nâng cao sức khỏe đất, cây trồng, giảm chi phí sản xuất góp phần tăng thu nhập cho người nông dân; nhằm từng bước thực hiện chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong giai đoạn từ nay đến cuối năm 2030 và tầm nhìn 2050.

Theo THẢO LY (Báo Vĩnh Long)