Từ bụi gừng, cây sả quê hương…
Từ trăn trở “củ gừng tươi được sử dụng phổ biến nhưng lá gừng, thân gừng, củ gừng già, gừng vụn, bã gừng thì chưa trong khi giá trị y học, giá kinh tế của cây gừng chưa được khai thác triệt để”, nhóm Võ Phan Gia Hùng (ở Mang Thít, đang công tác tại Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP Hồ Chí Minh) cho ra đời Dự án “Nhang thơm, nhang đuổi muỗi từ phế phẩm gừng, tinh dầu gừng”.
Nhóm mong muốn dự án giúp nâng cao giá trị nông sản; phát triển thêm nhiều sản phẩm an toàn cho cộng đồng; góp phần giảm số ca mắc sốt xuất huyết, tử vong do muỗi vằn; góp phần bảo vệ môi trường.
Tạo ra các sản phẩm giá trị dinh dưỡng cao từ phụ phẩm nông sản.
Là một trong số các dự án vào chung kết, “Chuỗi giá trị sản phẩm từ cây sả” của anh Nguyễn Hoài An (Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Sản xuất Đại Phát, ở huyện Trà Ôn) cho biết, với mong muốn nâng cao giá trị cây sả, mang lại lợi ích và an toàn cho người sử dụng, công ty đã trồng thử nghiệm và cho ra đời nhiều sản phẩm từ cây sả trên chính mảnh đất quê hương.
Cụ thể, công ty đã trồng thử nghiệm trên diện tích 20ha tại các xã thuộc huyện Bình Tân. Hiện đang cung cấp cho khách hàng sả cây, sả đùi, sả bào, sả khô. “Đối với sản phẩm tinh dầu sả và gia vị từ thân, lá sả hiện công ty đang trong quá trình thử nghiệm, thương mại hóa sản phẩm”- anh An nói.
Khởi nghiệp để khai thác thế mạnh, nâng cao giá trị nông sản.
Nhận thấy mít được trồng phổ biến ở ĐBSCL nhưng tại các nhà máy chế biến, một số các phụ phẩm từ quả mít như hạt mít bị loại bỏ với lượng lớn dẫn đến làm giảm giá trị sử dụng và lợi ích của quả mít cũng như tốn chi phí để xử lý cho việc xử lý môi trường và rác thải.
Nhóm của Trần Duy Khang (công tác tại Trường ĐH Nam Cần Thơ) nghiên cứu phát triển ý tưởng “Chuỗi sản phẩm từ phụ phẩm hạt mít”, bao gồm 3 sản phẩm: Bột hạt mít DNC, bánh quy hạt mít DNC và sữa đậu nành hạt mít DNC.
Nhóm nghiên cứu khắc phục được các nhược điểm trên về thời gian trữ hạt mít và “mong muốn tạo ra các sản phẩm thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, mới lạ và giải quyết được nguồn phụ phẩm từ trái mít”.
Theo BTC, số lượng dự thi năm nay tăng gấp đôi so năm rồi với 90 bài (45 ý tưởng; 45 dự án). Chiếm đa số là dự án ở lĩnh vực nông nghiệp (còn lại là thương mại, dịch vụ, du lịch, công nghệ…). Thành phần dự thi đa dạng gồm: doanh nghiệp, thanh niên nông thôn, thanh niên đô thị, sinh viên…
Theo ban giám khảo, nhiều ý tưởng, dự án có tính mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ, khả năng thương mại hóa cao và đáp ứng tiêu chí cộng đồng. Với 14 dự án, ý tưởng được chọn vào chung kết, BTC đã chọn ra các dự án, ý tưởng xuất sắc để trao giải.
Lan tỏa khởi nghiệp
Là giám khảo cuộc thi KN tỉnh nhiều năm qua, ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT, nhận định, nông nghiệp là một trong những lĩnh vực đóng góp nhiều ý tưởng, dự án cho cuộc thi thời gian qua.
Góp thêm sản phẩm an toàn cho sức khỏe, bảo vệ môi trường.
Riêng năm nay, nhiều ý tưởng, dự án tập trung vào việc đẩy mạnh sản xuất theo công nghệ cao, ứng dụng sản xuất hữu cơ… phù hợp định hướng chung hiện nay là kêu gọi các dự án tận dụng phụ phẩm nông nghiệp để nâng cao giá trị; chế biến nông sản để giải quyết đầu ra, đặc biệt chú ý chuỗi an toàn vệ sinh thực phẩm, sản xuất theo hướng nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ.
Ông Nguyễn Khắc Nhu cho biết, các ý tưởng, dự án này năm nay rất chất lượng. Trong khi hầu hết các dự án thì đã thương mại hóa sản phẩm, tiếp cận thị trường, thì cũng có những ý tưởng đã hình thành sản phẩm hàng hóa. Theo ông Nhu, cuộc thi KN năm nay có nhiều điểm mới.
Cụ thể, sau khi chọn ra các dự án, ý tưởng vào vòng chung kết, BTC đã phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ tỉnh tổ chức gặp gỡ. Qua đó, các doanh nghiệp, doanh nhân đã có những chia sẻ, trao đổi, nhằm hun đúc tinh thần để thí sinh tự tin tham gia cuộc thi; mạnh dạn triển khai ý tưởng, dự án.
Đặc biệt, hầu hết các dự án, ý tưởng vào chung kết là của doanh nghiệp hoặc đang sở hữu sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Với những ưu điểm như vậy, cho thấy lực lượng người KN, lực lượng doanh nhân trẻ có tâm huyết, khát vọng, mong muốn làm giàu cho bản thân, cho gia đình, góp sức cho cộng đồng và góp phần xây dựng quê hương.
Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT, những năm gần đây, chất lượng dự án, ý tưởng dự thi có nhiều khởi sắc, gắn với thực tế hơn; tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển sản xuất- kinh doanh. Qua cuộc thi, những ý tưởng, dự án hay được tiếp tục hỗ trợ để phát triển kinh tế gia đình, mở doanh nghiệp, thành lập công ty… đóng góp vào sự phát triển nông nghiệp của tỉnh.