Vĩnh Long: Nỗ lực phục hồi kinh tế

05/05/2023 - 09:37

Bằng nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể phục hồi kinh tế được triển khai quyết liệt, đồng bộ, thời gian qua, kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát đạt được nhiều kết quả tích cực.

A A

Nhiều kết quả tích cực

Theo đó, UBND tỉnh, các cấp, các ngành đã tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt, thường xuyên các nhiệm vụ giải pháp về phát triển kinh tế- xã hội theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ.

Bên cạnh đó là sự đồng thuận, quyết tâm của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp (DN), tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh những tháng đầu năm được duy trì ổn định, tiếp tục phục hồi và đạt những kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực.

Các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để phục hồi kinh tế được triển khai kịp thời góp phần làm giảm bớt khó khăn, hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của DN.

Trong quý I, thu ngân sách vượt tiến độ dự toán được giao và tăng khá so với cùng kỳ, trong đó thu nội địa đạt 1.730,91 tỷ đồng, đạt 31,96% dự toán và tăng 34,14%.

Ngành du lịch có dấu hiệu phục hồi tích cực.

Sản xuất nông nghiệp được tổ chức hiệu quả, cơ cấu cây trồng chuyển dịch đúng hướng, sản lượng cây ăn trái, chăn nuôi, thủy sản tăng so với cùng kỳ. Thương mại, dịch vụ tăng khá; các hoạt động bán buôn, bán lẻ tiếp tục phục hồi nhanh.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 16.140 tỷ đồng và tăng 13,74% so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt là du lịch phục hồi tích cực, tổng lượt khách đến tỉnh đạt 413.135 lượt (tăng 262% so với cùng kỳ); doanh thu đạt trên 206 tỷ đồng (tăng 259% so với cùng kỳ).

Trong khi đó, theo Cục Thống kê, trong quý I, toàn tỉnh đã phát triển được 84 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký trên 315 tỷ đồng.

Số vốn bình quân một doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt 3,8 tỷ đồng. Bên cạnh đó, đã cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động cho 91 chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh…

Tiếp tục thực hiện các giải pháp trọng điểm

Tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp phục hồi tốt.

Tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp phục hồi tốt.

Theo UBND tỉnh, tuy đã đạt nhiều kết quả, song vẫn tồn tại nhiều khó khăn, các cân đối lớn của nền kinh tế chưa thực sự ổn định vững chắc; chỉ số giá tiêu dùng tăng so với cùng kỳ, giá cả nguyên vật liệu đầu vào vẫn còn ở mức cao ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, DN; tỷ lệ nợ xấu tăng cao (tỷ lệ nợ xấu chiếm 2,6 %/tổng dư nợ).

Hoạt động sản xuất công nghiệp, xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế thế giới đang suy giảm; chỉ số sản xuất công nghiệp, tổng kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước…

Theo ông Nguyễn Tường Nam- Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Vĩnh Long, hiện nay, sau giai đoạn phục hồi ngắn thì tình hình kinh tế Vĩnh Long đang đối mặt với những thử thách lớn.

Thị trường thế giới ảnh hưởng đến đơn hàng của các DN FDI, kinh tế tư nhân tuy không suy giảm nghiêm trọng nhưng có xu hướng giảm do khó khăn về chi phí tăng cao, dư địa tăng trưởng không nhiều, nguồn lực dự phòng không còn lớn… dần bào mòn sức khỏe của DN.

“Để vượt qua khó khăn ngoài chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế, giảm chi phí cho DN cần có chính sách kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh đầu tư công, khai thác kết hợp chuỗi hàng hóa dịch vụ.

Tùy đặc thù DN sẽ có cách lựa chọn vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay như cơ cấu lại thị trường, cách thức phân phối, thiết kế lại sản phẩm dịch vụ phù hợp, tiết kiệm chi phí, liên kết các nguồn lực bên ngoài…

Ngoài ra, DN cũng cần đánh giá những cơ hội mới, chuẩn hóa lại hệ thống quản trị và các nguồn nội lực, đặt vai trò mình trong môi trường hội nhập sâu rộng, định hướng chiến lược thích ứng phát triển bền vững lâu dài”- ông Nguyễn Tường Nam cho biết.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời, thời gian tới tỉnh sẽ tập trung các giải pháp trọng tâm. Trong đó, tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của DN, tiếp cận các khoản vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với DN.

Đồng thời triển khai các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư vào tỉnh; tăng cường các hoạt động kết nối sản xuất, phân phối, tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm công nghiệp. Đổi mới công tác đối thoại, tiếp xúc DN; giải quyết kịp thời, hiệu quả từng khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư, DN…

Ông Lữ Quang Ngời- Chủ tịch UBND tỉnh: Để việc thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với định hướng phát triển và tình hình mới, tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 01/2023/NQ-HĐND ngày 23/3/2023 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định chính sách hỗ trợ đầu tư của tỉnh; ban hành danh mục các dự án ưu tiên mời gọi đầu tư; xây dựng quy trình lựa chọn nhà đầu tư theo Luật Đầu tư năm 2020; đã phê duyệt và triển khai các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành chủ yếu. Đồng thời, tỉnh đang tập trung hoàn chỉnh Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021- 2030 để phê duyệt và triển khai, tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi trong thu hút đầu tư vào tỉnh.

Theo KHÁNH DUY (Báo Vĩnh Long)