Vĩnh Long: Phát triển hạ tầng thương mại nông thôn

17/05/2024 - 15:22

Thời gian qua, các cấp, ngành của tỉnh quan tâm đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại khu vực nông thôn, phục vụ nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, góp phần nâng cao đời sống của người dân và thúc đẩy kinh tế- xã hội địa phương.

A A

Tạo thuận lợi trong mua bán 
 
Theo Sở Công Thương, đến hết năm 2023, tỉnh có 115 chợ (1 chợ hạng I, 17 chợ hạng II, 97 chợ hạng III và chợ tạm), 2 trung tâm thương mại; 5 siêu thị (2 siêu thị tổng hợp, 3 siêu thị chuyên doanh) và 44 cửa hàng tiện lợi (34 cửa hàng Bách hóa xanh, 8 cửa hàng Winmart, 1 cửa hàng Coop Food, 1 cửa hàng Hoa Sao).
 
Từ năm 2021-2023, tỉnh xây dựng mới, nâng cấp sửa chữa 63 chợ với tổng nguồn vốn đầu tư gần 49 tỷ đồng (từ nguồn thu của chợ; vốn đối ứng của doanh nghiệp; vốn ngân sách của huyện, tỉnh). 
 
Bên cạnh việc quan tâm đầu tư cải tạo, nâng cấp, đổi mới hình thức quản lý đối với các chợ truyền thống, nhiều địa phương cũng tạo điều kiện cho chuỗi đại lý phân phối, các cửa hàng bán lẻ phát triển rộng khắp như siêu thị Điện máy xanh, cửa hàng Thế giới di động… đáp ứng nhu cầu mua sắm đa dạng của người dân, tạo nên diện mạo mới về thương mại khu vực nông thôn, góp phần mở rộng thị trường cho sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm đặc trưng của các địa phương, giúp nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.
 
Trong quý I, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội tại huyện Vũng Liêm ước đạt gần 1.600 tỷ đồng, tăng 10,38% so với cùng kỳ năm trước. Xác định thương mại- dịch vụ (TM-DV) là một trong những điểm tựa thúc đẩy kinh tế- xã hội địa phương, ông Tạ Văn Rỗi- Phó Chủ tịch UBND TT Vũng Liêm cho biết: Hiện thị trấn có 1.341 hộ kinh doanh cá thể, 28 cơ sở tiểu thủ công nghiệp, 4 HTX, một số công ty, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh tạo việc làm cho hơn 5.000 lao động địa phương, thu nhập bình quân đầu người đạt 60,5 triệu đồng/năm (thống kê năm 2023).


 
Thời gian qua, UBND thị trấn đã huy động các nguồn lực đầu tư sửa chữa, nâng cấp chợ; làm mới và mở rộng các tuyến đường giao thông nội ô như: tuyến đường Phong Thới, đường Nguyễn Thị Hồng, đường Rạch Trúc… góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển dịch vụ, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân. 
 
Từng bước xây dựng văn minh thương mại
 
Theo ông Tạ Văn Rỗi: “Mặc dù kết cấu hạ tầng thương mại tại địa phương được cải thiện đáng kể, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế như: một số hạng mục tại chợ đã xuống cấp; các hình thức kinh doanh TM-DV còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, chưa theo quy hoạch; trao đổi hàng hóa của người dân còn qua nhiều khâu trung gian, làm tăng chi phí sản xuất, giảm sức cạnh tranh trên thị trường. Nhằm phát triển TM-DV theo hướng văn minh, hiện đại, thời gian tới, UBND thị trấn tiếp tục thực hiện các mục tiêu hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển TM-DV. Đồng thời, phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hành vi buôn lậu, gian lận thương mại; phối hợp bố trí, sắp xếp tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở kinh doanh phát triển phù hợp với quy hoạch, từng bước nâng chất lượng TM-DV. Cạnh đó, thị trấn tiếp tục khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch, thu hút đầu tư, góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững”.
 
Kinh doanh tạp hóa hơn 20 năm, chị Bùi Thị Yến Chi (Khóm 1, TT Vũng Liêm), chia sẻ: “Buôn bán trên tuyến đường nội ô khang trang, sạch đẹp nên tôi tự nhận thấy mình cũng cần chung tay giữ gìn vệ sinh, không lấn chiếm vỉa hè. Đồng thời, chấp hành tốt quy định về nguồn gốc hàng hóa, niêm yết giá, tạo thuận lợi cho khách đến mua hàng”.
 
Chợ Vũng Liêm có 386 tiểu thương đang kinh doanh đa dạng ngành hàng. Theo ông Nguyễn Anh Tuấn- Phó Giám đốc HTX Chợ Vũng Liêm: “Tiểu thương chấp hành tốt nội quy chợ, đảm bảo chất lượng hàng hóa, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, nhìn chung các tiểu thương ngày càng quan tâm đến việc sắp xếp hàng hóa ngăn nắp, thân thiện trong giao tiếp để “giữ chân” khách hàng. Cạnh đó, HTX đầu tư hệ thống PCCC với 2 máy bơm, ống dẫn nước ở trung tâm chợ và khu vực bán cá; ký hợp đồng thu gom rác thải hàng ngày để đảm bảo vệ sinh”.
 
Ông Nguyễn Văn Chiến- Phó Trưởng Phòng Kinh tế- Hạ tầng huyện Vũng Liêm cho biết, thời gian tới, huyện tiếp tục cải tạo chợ Vũng Liêm, hoàn thành thi công và đưa vào sử dụng chợ Tân An Luông, triển khai xây dựng chợ an toàn thực phẩm chợ Hiếu Phụng.
 
Triển khai thi công xây dựng công trình sửa chữa hệ thống PCCC, hệ thống chống sét tại các chợ và bến xe trên địa bàn. Tiếp tục mời gọi đầu tư chợ Quới An, Trung Ngãi, Trung tâm Thương mại huyện Vũng Liêm (xã Trung Thành) và Trung tâm Thương mại Vũng Liêm (TT Vũng Liêm) phù hợp với định hướng phát triển kinh tế- xã hội địa phương.

Theo Phòng Kinh tế- Hạ tầng huyện Trà Ôn, trong quý I, huyện có tổng số cơ sở hoạt động lĩnh vực TM-DV là 6.152 cơ sở; trong đó có 3.533 cơ sở lĩnh vực thương mại; 2.619 cơ sở lưu trú, ăn uống và dịch vụ khác. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt trên 1.300 tỷ đồng, tăng 6,45% so cùng kỳ năm trước. Từ năm 2021-2023, huyện đã đầu tư nâng cấp 6/9 chợ với tổng kinh phí trên 5,3 tỷ đồng (chợ TT Trà Ôn, chợ Trà Côn, chợ Vĩnh Xuân, chợ Hựu Thành, chợ Hòa Bình, chợ Thới Hòa). Hầu hết các chợ đều có nội quy, phương án bố trí, sắp xếp mặt bằng, mức thu phí, thành lập đội trật tự, tổ vệ sinh, PCCC... cơ bản đáp ứng được nhu cầu mua bán trao đổi hàng hóa và tiêu dùng của người dân.

Theo THẢO TIÊN (Báo Vĩnh Long)