Vĩnh Long: Sản xuất công nghiệp nhiều khó khăn

06/04/2023 - 14:48

Trong những tháng đầu năm, ảnh hưởng tình hình chung kinh tế thế giới và trong nước, sản xuất của các doanh nghiệp (DN) trong tỉnh cũng gặp không ít khó khăn, tác động chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) giảm mạnh so cùng kỳ.

A A

Biểu đồ so sánh chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp và doanh thu tháng 3 và quý I giảm mạnh so cùng kỳ.

Biểu đồ so sánh chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp và doanh thu tháng 3 và quý I giảm mạnh so cùng kỳ.

Chỉ số IIP giảm hơn 15%

Theo Tổng cục Thống kê, trong quý I, kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, trong khi tình hình trong nước, đơn hàng sản xuất giảm, kim ngạch xuất khẩu giảm.

Trong bối cảnh chung đó, ngành công nghiệp của Vĩnh Long cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ. Đây là thách thức lớn đối với lĩnh vực sản xuất các sản phẩm xuất khẩu, nhất là sản xuất giày da, trang phục, giấy và sản phẩm từ giấy… IIP quý I của tỉnh giảm khoảng 15,29% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, ngành sản xuất trang phục, ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan là ngành chiếm tỷ trọng lớn của tỉnh giảm nhiều nhất, sản xuất không đạt được như kỳ vọng do lượng hàng tồn kho nhiều, nhu cầu thị trường nước ngoài thấp, dẫn đến sản phẩm tiêu thụ có dấu hiệu chững lại.

Theo Cục Thống kê, từ kết quả phân tích hoạt động sản xuất công nghiệp quý I cho thấy kinh tế của tỉnh Vĩnh Long đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: môi trường quốc tế đang kém thuận lợi, một số quốc gia có thể rơi vào suy thoái nhẹ, lạm phát gia tăng, giá các mặt hàng tăng cao khiến người tiêu dùng tiết kiệm chi tiêu, ưu tiên cho những hàng tiêu dùng thiết yếu nên nhiều mặt hàng bị thu hẹp thị trường xuất khẩu. Từ đó đã tác động trực tiếp làm sản xuất công nghiệp của tỉnh giảm sút.

Trong khi đó, đối với các DN trong các khu công nghiệp (KCN), quý I giá trị sản xuất công nghiệp chỉ đạt trên 3.396 tỷ đồng, giảm 18,06% so với cùng kỳ năm 2022; doanh thu 3 tháng đầu năm đạt trên 5.077 tỷ đồng, giảm 16,61% so với cùng kỳ.

Theo ông Nguyễn Thanh Sang- Phó Ban Quản lý Các KCN, nhìn chung, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN cơ bản ổn định.

Tuy nhiên còn một số DN do gặp khó khăn trong tiêu thụ hàng hóa hoặc chịu ảnh hưởng của thị trường xuất khẩu nên chỉ số tồn kho tăng cao so với cùng kỳ năm trước phải thu hẹp sản xuất do công ty thiếu đơn hàng.

“Trong quý, tình hình xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do ảnh hưởng lạm phát tăng cao ở các nước châu Âu, nhiều DN lớn bị cắt giảm đơn hàng đã ảnh hưởng đến sản lượng xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước.

Việc giảm giờ làm ở một số DN trong KCN xuất phát từ khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh”, ông Sang cho biết.

Kỳ vọng phát triển mạnh những tháng tới

Ngành may mặc dự báo sẽ có bước tăng trưởng khá vào những tháng tiếp theo. Ảnh minh họa

Ngành may mặc dự báo sẽ có bước tăng trưởng khá vào những tháng tiếp theo. Ảnh minh họa

Tuy số liệu về sản xuất công nghiệp có dấu hiệu giảm trong những tháng đầu năm, nhưng theo nhiều DN, những tháng tới tình hình sẽ ổn định hơn. Nhất là các DN thuộc các ngành hàng xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn.

Theo bà Lê Thị Hằng- Trưởng Phòng Hành chính- Nhân sự Công ty TNHH May mặc Leader (Việt Nam), tình hình sản xuất của các DN ngành dệt may nói chung, của công ty nói riêng những tháng sau Tết là khoảng thời gian “thấp điểm”, tức là lượng đặt hàng không nhiều, thậm chí còn tồn kho.

Tuy nhiên, tình hình này sẽ chuyển biến tích cực vào những tháng tới. “Từ giữa tháng 3, công ty đã có những đơn hàng liên tục và ổn định.

Tình hình sản xuất có thể nói rất tốt. Do đó ngành dệt may cũng sẽ góp phần tăng trưởng chung cho sản xuất công nghiệp trong những tháng tiếp theo của tỉnh”, bà Hằng chia sẻ.

Trong khi đó, theo bà Bùi Thị Cẩm Tú- Giám đốc Quản lý Hành chính nhân sự (Công ty TNHH Bo Hsing) quý I hàng năm là quý thấp điểm của ngành.

Do đó, chỉ số sản xuất công nghiệp ngành dệt may giảm là đều dễ hiểu. “Ngành may mặc sẽ có những bước tăng trưởng tốt trong những tháng sắp tới khi có đơn hàng và tình hình sản xuất ổn định”, bà Tú cho biết.

Theo ông Sang, trong những tháng tiếp theo, để hỗ trợ DN sản xuất, thu hút đầu tư, Ban Quản lý Các KCN sẽ phối hợp với sở, ngành, địa phương, các cơ quan có liên quan tổ chức xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước, duy trì cơ chế đối thoại thường xuyên với các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài, để xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc, nâng cao tính hấp dẫn của môi trường đầu tư, tạo hiệu ứng lan tỏa và tác động tích cực tới nhà đầu tư mới. Đồng thời tích cực hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

“Ban Quản lý Các KCN sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng rà soát, tổ chức nắm bắt tình hình nhu cầu tuyển dụng, cắt giảm sản xuất kinh doanh của các DN để có phương án tổ chức kết nối cung- cầu lao động, giới thiệu việc làm cho người lao động.

Nhất là trong các lĩnh vực đang có nhu cầu tuyển dụng để người lao động có cơ hội tìm việc làm mới, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của DN phục vụ sản xuất, kinh doanh”, ông Sang cho biết.

Theo Cục Thống kê, chỉ số tồn kho tháng 3 của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,77% so với tháng trước và tăng 40,48% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, nhiều ngành do gặp khó khăn trong tiêu thụ hàng hóa hoặc chịu ảnh hưởng của thị trường xuất khẩu nên chỉ số tồn kho tăng cao so với cùng kỳ như: sản xuất trang phục tồn kho gấp 3,6 lần; chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tồn kho gấp 3,34 lần; sản xuất đồ uống tồn kho gấp 2,04 lần; sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 64,09%; sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 42,5%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 21,05%; …

Theo Báo Vĩnh Long