Khu vực đê bao bị sạt lở. Ảnh: TTXVN phát
Theo người dân địa phương, vào trưa cùng ngày, đoạn đê bao khoảng 40m đã bị sạt lở. Nước sông Cổ Chiên tràn vào bên trong theo đoạn sạt lở này làm ngập các vườn cây ăn trái và nhà người dân. Hiện nay, vị trí sạt lở đang có dấu hiệu mở rộng và khó gia cố, các hộ dân phải di dời đồ đạc lên bờ đê ở cách xa khu vực sạt lở để đảm bảo an toàn.
Nhà người dân bị ngập nước. Ảnh: TTXVN phát
Ông Phan Thanh Minh, Trưởng ấp Phước Lý Nhì, xã Quới Thiện cho biết, khu vực đê bao tại cồn Thanh Long từng bị sạt lở nghiêm trọng vào năm 2016. Chính quyền địa phương và người dân đã nhiều lần gia cố. Tuy nhiên, khu vực này tiếp tục sạt lở nhiều lần, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của người dân.
Trước nguy cơ bị sạt lở, một số hộ dân đã di dời đến nơi ở mới, chỉ giữ lại vườn cây ăn trái. Hiện nay, 8 hộ dân còn đang sinh sống trên cồn. Trong ngày 20/4, do đê bao sạt lở, nước tràn vào ngập các vườn và nhà, các hộ này đã di chuyển lên bờ đê ở tạm, chờ chính quyền địa phương đến khảo sát, xem xét hướng hỗ trợ gia cố.
Khu vực đê bao bị sạt lở. Ảnh: TTXVN phát
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Vũng Liêm, do đây là khu vực xung yếu, thường xuyên xảy ra sạt lở, rất khó khắc phục. Trước mắt, ngành chuyên môn sẽ phối hợp với chính quyền địa phương vận dụng phương châm “4 tại chỗ” di dời người dân và tài sản đến nơi an toàn. Cơ quan chức năng sẽ phối hợp với chính quyền địa phương giám sát vị trí sạt lở, nghiên cứu phương án gia cố, khắc phục vị trí sạt lở để hạn chế ảnh hưởng đời sống và thiệt hại vườn cây ăn trái của người dân.
Theo LÊ THÚY HẰNG (TTXVN)