Vĩnh Long: Ứng phó triều cường, mưa giông

29/09/2022 - 09:14

Theo dự báo trong thời gian tới, ảnh hưởng của bão, mưa giông kết hợp triều cường, mực nước tại các sông sẽ còn cao hơn. Do đó, thời điểm này các địa phương đang tiếp tục tập trung thực hiện các biện pháp ứng phó với triều cường, mưa giông.

A A

Nhiều biện pháp chủ động ứng phó triều cường và các loại hình thiên tai.

Nguy cơ ngập úng

Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, thời gian xuất hiện mực nước từ báo động 3 trở lên bắt đầu từ tháng 9, cao điểm vào tháng 10, tháng 11 có khả năng các cơn bão, áp thấp nhiệt đới dồn dập vào miền Trung gây mưa ở lưu vực sông Mekong kết hợp với triều cường gây ngập úng ở vùng ven sông, vùng trũng, dự báo mực nước cao nhất năm tại Mỹ Thuận đạt khoảng 2,1m, Cần Thơ đạt
khoảng 2,2m.

Để hạn chế thiệt hại, ảnh hưởng do triều cường, mưa giông, ngành chức năng lẫn chính quyền địa phương trong tỉnh luôn theo dõi diễn biến mưa, lũ, triều cường để thông tin đến các cấp chính quyền, người dân, nhất là vùng thấp, trũng ven sông và chủ đầu tư các công trình trên sông, ven sông, kinh rạch để chủ động phòng tránh.

Ông Tạ Văn Rỗi- Phó Chủ tịch UBND thị trấn Vũng Liêm (Vũng Liêm), cho biết: Địa phương cũng đã chỉ đạo lực lượng xung kích tăng cường công tác kiểm tra, gia cố, khắc phục những điểm xung yếu có nguy cơ ảnh hưởng do mưa bão, triều cường, hướng dẫn người dân sinh sống tại các khu vực xung yếu, ngoài đê, những nơi trũng thấp chủ động ứng phó khi triều cường dâng cao. Đồng thời, khuyến cáo người dân chủ động chằng chống nhà cửa để đảm bảo an toàn.

Ông Trần Chí Cường- Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hòa Phước nhận định: UBND xã đã kiện toàn BCĐ phòng chống thiên tai cấp xã, trong đó công an quân sự cấp xã là lực lượng chủ yếu đóng vai trò phản ứng nhanh nếu có trường hợp khẩn cấp, kịp thời hỗ trợ người dân di dời, gia cố cơ sở nuôi, giảm thiểu thiệt hại. Xã cũng tuyên truyền đến các hộ nuôi cá dạng công nghiệp gia cố bờ bao, đê bao để đảm bảo an toàn, đồng thời yêu cầu, tuyên truyền các chủ bè cá chằng chống lại bè cá, để ứng phó triều cường, mưa bão.

Trong khi đó tại xã Đồng Phú (Long Hồ)- có hơn 10km tiếp giáp sông, kinh lớn, ngay từ đầu mùa mưa, xã đã đề nghị UBND huyện Long Hồ hỗ trợ gia cố nhiều điểm sạt lở dài trên 80m, tổng kinh phí hơn 100 triệu đồng. Xã cũng đã và đang tiếp tục hỗ trợ vật tư để người dân gia cố các điểm xung yếu theo phương châm 4 tại chỗ.

Chú Nguyễn Văn Đệ (xã Đồng Phú- Long Hồ), cho hay: “Vào mùa mưa lũ là phải chủ động chuẩn bị ứng phó với nước ngập, mưa bão, để giảm thiệt hại về cây trái, tài sản. Chỗ nào nước lăm le là be bờ, đấp thêm cao hơn”.

Qua rà soát trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 41 tuyến bờ bao/đê bao, tổng chiều dài 134.000m, bảo vệ cho 8.957ha đất sản xuất nông nghiệp và dân sinh bị xuống cấp cần được đầu tư sửa chữa trong thời gian tới.

Chủ động ứng phó

Để ứng phó với lũ, triều cường năm 2022, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến khí tượng- thủy văn, tình hình ngập úng, thông tin đầy đủ, nhanh chóng, kịp thời đến các cấp, các ngành, các địa phương và người dân để chủ động ứng phó; tập trung duy tu, sửa chữa các công trình thủy lợi, nhất là các công trình đê bao, cống, đập, các công trình xuống cấp không đảm bảo chống lũ gây ngập úng khi mực nước vượt mức báo động 3.

Theo đó, trường hợp lũ lớn, triều cường vượt báo động 3 với mực nước tương đương đỉnh triều lịch sử năm 2019, cấp độ rủi ro thiên tai lũ, ngập lụt là cấp độ 2, dự báo phạm vi ảnh hưởng sẽ có 66 vùng kém an toàn với 22.570ha. Các biện pháp ứng phó đặt ra là: Theo dõi chặt chẽ, tăng cường công tác thông tin, truyền thông về diễn biến và dự báo lũ, triều cường thông qua hệ thống tin nhắn SMS và các phương tiện thông tin đại chúng đến tất cả các cấp chính quyền và cộng đồng dân cư vùng ảnh hưởng ngập lụt đều biết để kịp thời tổ chức ứng phó tốt. Đồng thời, thực hiện công bố thiên tai lũ, ngập lụt, mưa lớn (cấp độ 2) theo quy định của pháp luật để huy động các nguồn lực ứng phó, khắc phục hậu quả mưa, lũ, triều cường,…

Bên cạnh đó, vận hành hệ thống các công trình thủy lợi, cống giao thông hiện có và các công trình đã thực hiện hoàn thành trong kế hoạch đầu tư năm 2022; đóng các cống, bộng khi mực nước đến mức báo động 3, ưu tiên cho vùng còn diện tích lúa, rau màu trên đồng, khu trồng cây ăn trái, khu nuôi thủy sản và khu dân cư tập trung.

Mực nước tại các sông đang lên nhanh, cảnh báo ngập lụt.

Tổ chức chống tràn tại các tuyến đê bao, đường giao thông hạn chế thấp nhất ngập trong vùng đê bao và tại các tuyến đường ở các đô thị.

Trước tình hình thiên tai, mưa bão diễn biến khó lường, việc tập trung ứng phó với triều cường, các thiên tai kèm theo và đề ra phương án sẵn sàng ứng phó cụ thể, kịp thời với các tình huống thiên tai xảy ra sẽ góp phần bảo vệ sản xuất sinh hoạt của người dân, nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai xảy ra.

Theo nhận định của các cơ quan dự báo khí tượng thủy văn trong nước, trong tháng 10 và tháng 11, tại khu vực Nam Bộ sẽ xuất hiện 4 đợt triều ở mức cao, các đợt triều cường trong tháng 11 nếu trùng vào thời kỳ gió mùa Đông Bắc có cường độ mạnh tràn xuống phía Nam, khu vực trũng, thấp ở cửa sông ven biển, vùng ven biển chịu ảnh hưởng của thủy triều tại các tỉnh Nam Bộ sẽ có nguy cơ ngập, lụt.

Theo NGUYÊN KHANG (Báo Vĩnh Long)