Nhiều nông dân trồng mía nguyên liệu trên địa bàn tỉnh kiến nghị nhà máy đường xem xét lại giá thu mua mía cho phù hợp với giá thành sản xuất.
Niềm vui người bán mía chục
Qua ghi nhận của ngành nông nghiệp Hậu Giang, niên vụ mía 2019-2020, nông dân trên địa bàn tỉnh xuống giống được 5.908ha, tập trung ở huyện Phụng Hiệp, thành phố Ngã Bảy và thành phố Vị Thanh. Hiện tại, các rẫy mía của nông dân chủ yếu trong giai đoạn từ 7-8 tháng tuổi. Do đó, nhiều bà con trồng giống mía chín sớm ROC 16 ở huyện Phụng Hiệp và thành phố Ngã Bảy đã và đang tiến hành thu hoạch để bán mía chục (mía dùng làm nước giải khát) cho thương lái chở đi tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Tuy giá mía chục đang giảm từ 1.450 đồng/kg xuống còn 1.100 đồng/kg so với thời điểm cách nay khoảng nửa tháng, thế nhưng nhiều người bán mía chục vẫn cảm thấy phấn khởi vì có được nguồn lợi nhuận hấp dẫn.
Đang xem nhân công tập kết từng bó mía của gia đình để chuẩn bị giao cho thương lái, ông Nguyễn Văn Tốt, ở khu vực 6, phường Lái Hiếu, thành phố Ngã Bảy, phấn khởi thông tin: “Nhiều năm qua, vào thời điểm này là có không ít hộ trồng mía nơi đây bán mía chục cho thương lái. Năm nay, tuy thời tiết không mấy thuận lợi cho cây mía phát triển, nhất là tình trạng nắng nóng kéo dài nên năng suất mía có phần thấp so với cùng kỳ (đạt khoảng 12-13 tấn/công). Thế nhưng, bù lại là giá mía bán được đến 1.100 đồng/kg nên sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình tôi và nhiều hộ chuyên trồng và bán mía chục nơi đây vẫn kiếm được nguồn lợi nhuận từ 5-6 triệu đồng/công”.
Cùng niềm vui, ông Nguyễn Văn Phát, ở ấp Mỹ Phú, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, cho hay: “Do nhận tiền cọc từ trước với thương lái nên vụ này tôi bán mía chục được giá 1.300 đồng/kg. Theo thỏa thuận thì 2 ngày nữa, thương lái sẽ thu hoạch 2 công mía của gia đình. Tuy chưa cân mía, nhưng qua quan sát rẫy mía và với nhiều năm kinh nghiệm tôi đánh giá năng suất mía của gia đình năm nay đạt khoảng 13 tấn/công. Như vậy, khả năng tôi kiếm được nguồn lợi nhuận hơn 7 triệu đồng/công sau khi bán mía”.
Theo ý kiến của nhiều hộ chuyên trồng và bán mía chục để dùng làm nước giải khát thì việc canh tác theo hình thức này có nhiều mặt ưu điểm so với việc trồng và bán mía cho nhà máy đường. Thứ nhất, trong thời buổi thiếu nhân công thu hoạch mía và giá thuê ngày một tăng thì việc bán mía chục, người chủ rẫy mía không phải tốn tiền cho khoản này mà thương lái mua mía tự kiếm nhân công và trả tiền thuê. Thứ hai, nếu bán mía cho nhà máy đường thì cây mía phải đảm bảo đạt mốc thời gian sinh trưởng để mía được chín và phải kiểm tra chữ đường (CCS) nhằm quyết định giá bán. Trong khi bán mía chục thì nông dân không phải lo vấn đề trên mà chỉ cần chăm sóc cho cây mía được cao, đẹp để nhìn bắt mắt và mía đạt từ 7-8 tháng tuổi (đối với giống mía ROC 16) là có thể thu hoạch.
Bà Phạm Thị Mau, ở ấp Mỹ Thạnh, xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, chia sẻ: “Bán mía chục cho thương lái được giá bao nhiêu là còn bấy nhiêu, trong khi bán mía cho nhà máy đường thì phải chia bớt từ 20-30% mức giá cho khâu thuê nhân công thu hoạch. Vì vậy, người bán mía chục luôn đạt mức lợi nhuận cao, trong khi người bán mía nguyên liệu cho nhà máy đường trong nhiều năm gần đây luôn rơi vào tình cảnh huề vốn, thậm chí bị thua lỗ sau một năm gắn bó với cây mía. Vì vậy, tôi và nhiều bà con xứ này đã chuyển sang trồng để bán mía chục cho thương lái được nhiều vụ và năm nay cũng không ngoại lệ. Riêng gia đình tôi chuẩn bị thu hoạch 3 công mía để bán mía chục, với giá bán là 1.050 đồng/kg, năng suất khoảng 12 tấn/công thì đây là năm thứ 3 liên tiếp tôi có được niềm vui vì bán mía đạt nguồn lợi nhuận không dưới 6 triệu đồng/công”.
Chính việc thu được nguồn lợi nhuận khá hấp dẫn nên diện tích mía được nông dân thu hoạch sớm để bán mía chục hàng năm trên địa bàn tỉnh luôn đạt mức hơn 1.000ha. Riêng vụ sản xuất mía năm nay, hiện bà con đã bán mía chục được hơn 500ha và diện tích này sẽ tăng mạnh trong thời gian tới khi nông dân đang vào mùa đốn rộ mía chục tại nhiều cánh đồng mía.
Nỗi lo giá bao tiêu mía
Trái hẳn với tâm trạng phấn khởi của những hộ đang bán mía chục thì nhiều nông dân trồng và cung cấp nguồn mía nguyên liệu cho nhà máy đường trên địa bàn tỉnh lại tỏ ra khá lo lắng sau khi nhà máy đường duy nhất có khả năng thu mua mía cho nông dân Hậu Giang trong đợt thu hoạch sắp tới là Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) công bố mức giá bao tiêu mía theo hướng không mấy có lợi cho nông dân. Cụ thể, lãnh đạo Casuco cho biết đối với những hộ trồng mía đã nhận tiền hỗ trợ không hoàn vốn của Casuco là 2,5 triệu đồng/ha khi ký kết hợp đồng bao tiêu với đơn vị thì mức giá sàn bảo hiểm là 770 đồng/kg (giá mía cân tại ruộng); riêng những hộ không nhận số tiền hỗ trợ ban đầu như trên thì mức giá bao tiêu là 800 đồng/kg (giá mía cân tại ruộng).
Qua ghi nhận tại một số vùng còn trồng mía nhiều trên địa bàn xã Hiệp Hưng và Tân Phước Hưng của huyện Phụng Hiệp thì khi biết Casuco ban hành chính sách và đưa ra mức giá bao tiêu mía như trên cho niên vụ mía đang sản xuất thì người dân và ngành chức năng các địa phương đều cho rằng nông dân trồng mía sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn trong sản xuất.
Với vẻ mặt buồn bã, ông Nguyễn Văn Lương, hộ dân có 1ha mía ở ấp Mỹ Thạnh, xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, bộc bạch: “Khi nghe công bố mức giá bao tiêu từ nhà máy đường thì tôi không còn tâm trạng chăm sóc cho rẫy mía của gia đình mình nữa, vì biết rằng năm nay tiếp tục đối mặt với tình cảnh huề vốn là cao. Bởi từ đầu vụ tới giờ, mọi chi phí đầu tư cho cây mía đều tăng so với cùng kỳ, trong đó điển hình là giá thuê nhân công vô chân và đánh lá mía đã ở mức 20.000 đồng/giờ. Tới đây, còn tiền thuê nhân công thu hoạch mía không dưới 250.000 đồng/tấn mía. Riêng năm rồi, vào lúc cao điểm và cộng thêm nhân công ít, khó kiếm nên giá thuê có thời điểm tăng lên 300.000-400.000 đồng/tấn mía. Như vậy, chỉ tính riêng tiền thuê đốn và vận chuyển mía thì đã chiếm 50% giá mua của nhà máy đường, từ đó nhiều nông dân phải rơi vào tình cảnh thua lỗ, nợ nần”.
Tiếp lời ông Lương, ông Phạm Phi Hùng cũng có 1ha mía ở ấp Mỹ Thạnh, xã Tân Phước Hưng, cho hay: “Dù phải gánh nhiều khoản chi phí nhưng giá thu mua mía của nhà máy đường trong nhiều năm gần đây luôn thấp hơn giá bán mía chục và ở mức xấp xỉ với giá thành sản xuất mà người trồng mía đã bỏ ra nên sau khi bán mía thì nông dân trồng mía nguyên liệu không có được nguồn lợi nhuận như hộ bán mía chục. Trước tình cảnh mà người trồng mía phải gánh nhiều khoản chi phí tăng trong vụ mía đang sản xuất, bà con kiến nghị nhà máy đường cần tham khảo ý kiến nông dân về giá thành sản xuất mía trong vụ này để xem xét lại giá thu mua cho hợp lý, nhằm giúp người trồng mía có được nguồn lợi nhuận sau một năm dài tạo ra cây mía nguyên liệu phục vụ cho nhà máy sản xuất”.
Theo HỮU PHƯỚC (Báo Hậu Giang)