Xây dựng thương hiệu cho “tung lò mò”

14/08/2020 - 08:51

 - Trong tiếng Chăm, “tung” là “ruột”, còn “lò mò” là “thịt”, món tung lò mò đơn giản là thịt bò dồn vô ruột bò, hay còn gọi là lạp xưởng bò. Từ món ăn truyền thống lâu đời của người Chăm, tung lò mò đang được xây dựng thương hiệu đặc sản An Giang để trở thành món ăn phổ biến với nhiều người.

Từ món ăn “treo đầu bếp”…

Ấp Phũm Soài (xã Châu Phong, TX. Tân Châu), nơi có đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số Chăm sinh sống, từ lâu đã nổi tiếng với nghề dệt thổ cẩm và món ăn đặc sản từ bò như: cơm bò nướng, lạp xưởng bò… Nếu như cơm bò nướng phải ăn tại chỗ, lúc còn nóng mới ngon thì lạp xưởng bò có thể mang đi xa, bảo quản được một thời gian và chế biến bất cứ lúc nào tùy thích.

Trước đây, những người thích ăn tung lò mò (lạp xưởng bò) khi đến xã Châu Phong thường mua của các hộ sản xuất nhỏ lẻ mang về dùng. Tuy nhiên, sản phẩm không có bao bì, nhãn mác, không có hạn sử dụng nên người tiêu dùng chưa thật sự an tâm. Đặc thù của tung lò mò là có vị chua, nếu không bảo quản đúng cách rất dễ hư hỏng.

Xuất phát từ thực tế này, năm 2013, anh Hứa Hoàng Vũ (tên tiếng Chăm là Salếch) đã mạnh dạn thành lập cơ sở sản xuất - kinh doanh lạp xưởng bò ANAS (cơ sở ANAS) với quyết tâm xây dựng thương hiệu cho đặc sản tung lò mò.

“Món ăn này đã có lịch sử hình thành hàng trăm năm. Trước đây, vào dịp Tết truyền thống, những hộ khá giả trong làng Chăm thường làm thịt nguyên con bò rồi chia cho người nghèo ăn cùng. Có những gia đình ăn không kịp, sợ thịt hư nên đã băm thịt nhỏ ra, tẩm ướp thêm gia vị rồi dồn trở vô ruột bò, đem treo đầu bếp để ăn dần. Nhiều người thấy món tung lò mò ngon, thú vị nên đã học cách làm, nhân rộng thành món ăn truyền thống của người Chăm” - anh Vũ thông tin.

Sản phẩm lạp xưởng bò ANAS

Chủ cơ sở ANAS cho biết thêm, để có sản phẩm tung lò mò ngon chuẩn vị truyền thống, nguyên liệu phải là thịt bò tươi, thường dùng thịt đùi hoặc thịt bò nạc lóc từ xương là ngon nhất.

Sau khi khử mùi bò bằng rượu và gừng, công nhân rửa sạch thịt và để khô, sau đó xắt mỏng, trộn cùng mỡ sa, mỡ chài và gia vị theo cách truyền thống. Ruột bò được lộn bề trái, cạo, rửa nước muối thật sạch rồi lộn lại, phơi hơi se, sau đó nhồi thịt bò đã ướp đem phơi hoặc sấy cho đến khi nào căng tròn. Sản phẩm được hút chân không nên có thời gian bảo quản đến 6 tháng trong ngăn đông, đảm bảo các điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm.

“Được sự hỗ trợ, ủng hộ của các cơ quan, ban, ngành, chính quyền địa phương và cộng đồng người Chăm nơi đây, cơ sở đã đầu tư hơn 300 triệu đồng trang bị máy móc, thiết bị hiện đại, sản xuất sản phẩm đa dạng, đầu tư vào bao bì, nhãn mác bắt mắt để đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng” - anh Vũ nhấn mạnh.

Niềm tự hào của người Chăm

Không chỉ quyết tâm xây dựng thương hiệu đặc sản tung lò mò, phát triển thị trường để đưa sản phẩm vươn xa, cơ sở ANAS còn góp phần tạo việc làm, thu nhập ổn định cho phụ nữ Chăm trong vùng với mức lương hơn 4 triệu đồng/tháng. Cơ sở ANAS trở thành niềm tự hào của cộng đồng Chăm Islam tỉnh An Giang khi đã chuẩn hóa đặc sản truyền thống theo yêu cầu hiện đại. Càng tự hào hơn khi vào cuối năm 2017, sản phẩm lạp xưởng bò ANAS đã được đánh giá cao tại Hội chợ tiêu dùng tổ chức tại Malaysia.

Đây là 1 trong 9 sản phẩm được cấp chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh An Giang năm 2018, đồng thời là 1 trong 3 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực phía Nam (cà phê hòa tan Newcafe, lạp xưởng bò ANAS, bánh kẹp Tiến Anh).

Anh Hứa Hoàng Vũ giới thiệu sản phẩm lạp xưởng bò ANAS

Khi Chương trình mỗi xã 1 sản phẩm (OCOP) được triển khai mạnh mẽ trên địa bàn An Giang, lạp xưởng bò ANAS là một  trong những sản phẩm đầu tiên được UBND tỉnh cấp chứng nhận sản phẩm OCOP tỉnh An Giang. “Dù sản xuất bằng máy móc hiện đại, tuân thủ tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng cơ sở đảm bảo phải giữ được hương vị đặc trưng, truyền thống cho đặc sản của người Chăm. Khi được cấp chứng nhận OCOP cấp tỉnh và gắn logo OCOP lên bao bì, nhãn mác, sản phẩm lạp xưởng bò ANAS càng khẳng định thương hiệu, uy tín với người tiêu dùng gần xa” - chủ cơ sở ANAS Hứa Hoàng Vũ khẳng định.

Anh Vũ cho biết, từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, tình hình tiêu thụ sản phẩm lạp xưởng bò ANAS gặp những khó khăn nhất định, sản lượng giảm hơn so cùng kỳ 2019. Do vậy, bên cạnh phân phối qua các kênh truyền thống, các cửa hàng, nhà phân phối trong và ngoài tỉnh, cơ sở ANAS còn tích cực quảng bá tại các sự kiện kết nối giao thương, bán hàng qua các trang thương mại điện tử phổ biến như: Tiki, Shopee, gian hàng sản phẩm OCOP Việt Nam…

Theo đồng bào dân tộc thiểu số Chăm, món tung lò mò ngon nhất là cắt từng khoanh nhỏ để lên vỉ nướng trên bếp than hoặc cho vào lò nướng. Khi đó, lớp ruột bò bên ngoài căng cứng và rịn ra một lớp mỡ bóng và ướt, tạo nên mùi thơm ngất ngây kích thích vị giác. Người dùng cũng có thể cắt tung lò mò ra rồi hấp cách thủy, ăn nóng với nước tương để cảm nhận đầy đủ hương vị truyền thống.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN