Giải tỏa áp lực
Hiện nay, các loại cá chợ như: cá lóc, cá trê, cá rô, cá điêu hồng được các thương lái thu mua với số lượng lớn để xuất sang thị trường Campuchia. Động thái này đã góp phần giải tỏa áp lực cho thị trường nội địa trong tình hình hiện nay. Bởi, khi cá tra nguyên liệu (phục vụ xuất khẩu) rớt xuống dưới giá thành sản xuất, để “gỡ lỗ”, nhiều ngư dân nuôi cá tra (không có hợp đồng tiêu thụ) mang cá ra chợ làng, chợ xã, chợ đầu mối để bán. Lượng cá tra đưa ra chợ mỗi ngày quá lớn gây nên tình trạng dư thừa, “cung cầu bất nhất”. “Trong 2 tuần gần đây, thương lái Campuchia đặt hàng tăng lên gấp đôi so với trước. Vào đầu tháng 5, bình quân mỗi ngày tôi xuất sang Campuchia 20 tấn cá các loại, nay họ đặt hàng 40 tấn/ngày, trong đó mặt hàng cá lóc được tiêu thụ rất mạnh, điều này góp phần giải tỏa áp lực cho thị trường cá nội địa. Áp lực ở đây là áp lực về sản lượng, giá cả, đầu mối mua hàng. Giải tỏa được áp lực này, ngư dân yên tâm sản xuất. Mỗi kg cá lóc, cá trê, ngư dân lãi ít nhất 4.000 - 5.000 đồng/kg, so với trước, mức lời này rất tốt” - bà Trần Lệ Vân (thương lái xuất khẩu cá vào thị trường Campuchia) thông tin.
Cá trê xuất vào thị trường Campuchia với nhiều kích cỡ khác nhau
Để có được lượng cá 40 tấn/ngày xuất sang thị trường Campuchia, đáp ứng yêu cầu của khách hàng, bà Vân đã tổ chức một mạng lưới thu mua tại thị trường nội địa. Mạng lưới này không chỉ có ở An Giang mà phủ khắp các địa phương như: Đồng Tháp, TP. Cần Thơ, Trà Vinh, Hậu Giang… miễn nơi nào có nuôi các loài cá xuất được vào thị trường Campuchia, nơi đó sẽ hình thành mạng lưới thương lái. Mạng lưới này, ngoài việc giúp ngư dân tiêu thụ cá sau mỗi vụ nuôi còn giải quyết việc làm cho hàng ngàn người trở về từ các tỉnh như: Bình Dương, Đồng Nai…
Nắm bắt cơ hội
30 năm trước, đất nước Campuchia được xem là “mỏ cá” ở Đông Dương, vì nơi đây có Biển Hồ. Biển Hồ có diện tích 2.700km2, là hệ thống kết hợp giữa hồ và sông, có tầm quan trọng trong điều tiết nước, phục vụ phát triển sản xuất và nuôi trồng thủy sản. Đây được xem là hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á, được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 1997. Mùa khô, mặt nước hồ rút xuống, độ sâu của nước còn khoảng 1m. Mùa mưa, nước từ sông Mekong đổ vào, mức nước hồ có năm dâng lên 8m. Đây là điều kiện lý tưởng cho các loại cá nước ngọt sinh sản, phát triển. Nghề khai thác thủy sản nơi đây đã nuôi sống 3 triệu ngư dân, cung cấp 75% lượng thủy sản nước ngọt cho người tiêu dùng đất nước Chùa Tháp.
Các xe chuyên dùng chờ nhận cá để mang ra cửa khẩu xuất sang Campuchia
Thời gian qua, do việc đánh bắt, khai thác quá mức nên lượng thủy sản trong hồ “cạn dần”, từ đó lượng cá nước ngọt khai thác tại đây không đủ cung cấp cho thị trường nội địa. Doanh nhân Campuchia nhanh chóng tìm nguồn cá nuôi khác từ Việt Nam để thay thế. Lúc này, tại An Giang, ngư dân nhiều địa phương nghiên cứu, tìm hiểu thị hiếu của người tiêu dùng Campuchia, nhanh chóng tổ chức nuôi cá để đáp ứng yêu cầu. Tiên phong cho phong trào này là người dân ở xã Vĩnh Thạnh Trung, thị trấn Cái Dầu (Châu Phú), xã Hòa Lạc, Phú Bình (Phú Tân) với mô hình nuôi cá lóc xuất khẩu. Về sau, các địa phương khác như: xã Mỹ Hòa Hưng, phường Mỹ Thạnh (TP. Long Xuyên); xã Vĩnh Hanh, Vĩnh Bình (Châu Thành) đã tổ chức nuôi cá rô, lươn để xuất vào thị trường này. “Ngư dân trong tỉnh rất nhạy bén, nắm bắt tình hình kịp thời, từ đó đã có nhiều hộ giàu lên từ nghề nuôi cá để cung cấp cho thị trường Campuchia. Đây là thị trường có tiềm năng rất lớn, bởi dân số Campuchia hiện nay là 16 triệu người. Nuôi cá để xuất sang thị trường này, góp phần giải quyết cho nhiều người có việc làm ổn định. Tuy nhiên, thị trường này hiện nay đặt ra yêu cầu kiểm soát về dư lượng kháng sinh, vì vậy ngư dân cần lưu ý điều này nếu muốn xuất khẩu cá sang thị trường Campuchia” - ông Trần Văn Lực (thương lái cá thị trường Campuchia) lưu ý.
Lượng cá xuất vào thị trường Campuchia tăng mạnh giúp ngư dân thu được lợi nhuận đáng kể, thị trường nội địa giảm bớt áp lực tiêu thụ, thương lái nắm bắt cơ hội để làm giàu. Tuy nhiên về lâu dài, cần có chiến lược trong phát triển thị trường này, bởi lượng cá vào Campuchia hiện nay không chỉ từ Việt Nam, mà còn có cả Thái Lan và các quốc gia khác, vì vậy chất lượng, giá bán, phương thức thanh toán và sản lượng (vừa đủ đáp ứng) là những vấn đề quan trọng, ngư dân lẫn thương lái cần chú ý.
“Bệnh dịch tả heo Châu Phi đã có tác động rất lớn đến tâm lý của người tiêu dùng. Khi Trung Quốc, Việt Nam công bố dịch, ngay lập tức, tại thị trường Campuchia, thịt heo tại các chợ tiêu thụ chậm lại. Người dân đất nước Chùa Tháp sử dụng các loại cá nuôi ở Việt Nam để thay thế. Đây cũng là thời điểm cá trong thiên nhiên ôm trứng nên Chính phủ Campuchia hạn chế cho người dân khai thác, từ đó mà lượng cá nuôi của ngư dân An Giang được tiêu thụ mạnh ở thị trường này” - bà Trần Lệ Vân (thương lái xuất khẩu cá vào thị trường Campuchia) phân tích. |
Bài, ảnh: MINH HIỂN