Xuất khẩu trái cây đi Mỹ, tín hiệu vui cho nhà vườn miền Tây

05/05/2019 - 11:10

Đồng Tháp và Vĩnh Long vừa xuất khẩu hai lô xoài đầu tiên sang thị trường Mỹ, đây là tín hiệu vui cho các nhà vườn ở miền Tây. Xoài là loại trái cây thứ 6 xuất khẩu sang thị trường này, sau thanh long, chôm chôm, nhãn, vải, vú sữa...

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hoà, Viện Cây ăn quả miền Nam cho biết: “Việc xuất khẩu xoài sang Mỹ là rất tốt, hứa hẹn nhiều tiềm năng cho trái cây của Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng”. Tiến sĩ Nguyễn Văn Hoà phân tích, mỗi loại trái cây để xuất khẩu ra nước ngoài phải mất rất nhiều năm đàm phán. Trái xoài của Việt Nam cũng mất đến 10 năm, mới xuất khẩu được sang Mỹ.

Xoài bao trái ở TP Cao Lãnh, Đồng Tháp.

Hiện nay, trái cây của Việt Nam đã xuất khẩu đi nhiều nước Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều thị trường khó tính. “Chúng ta xuất khẩu trái cây đi các thị trường khó tính, đòi hỏi chất lượng cao nhưng giá cao nên nhà vườn, doanh nghiệp đều có lợi. Vì vậy, mình cần phải giữ chất lượng, thương hiệu”, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hoà nói.

Đồng Tháp có diện tích trồng xoài lớn nhất khu vực ĐBSCL, với khoảng 9.300 hécta, sản lượng mỗi năm gần 100.000 tấn. Hai giống xoài chủ lực đăng ký nhãn hiệu hàng hoá là xoài Cao Lãnh và xoài cát chu Cao Lãnh. Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp, xoài là cây trồng chủ lực của tỉnh trong chương trình tái cơ cấu nông nghiệp.

Việc trái xoài được xuất khẩu đi Mỹ là tin vui cho nhà vườn. Nhiều năm qua, tỉnh Đồng Tháp tập trung đầu tư nhiều nguồn lực cho ngành hàng xoài từ việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất như cải tạo giống, xử lý xoài rải vụ quanh năm, áp dụng kỹ thuật bao trái và xây dựng nhiều vùng xoài nguyên liệu được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP...

Tỉnh Đồng Tháp cũng đầu tư xây dựng nhiều điểm thực hành sản xuất xoài rải vụ theo hướng an toàn, áp dụng bao trái, tập huấn quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, ghi chép sổ sách, truy xuất nguồn gốc… Nhờ đó, chất lượng xoài không ngừng được nâng lên, thu nhập của người trồng xoài cũng đạt khá cao khoảng 250- 350 triệu đồng/hécta…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thanh Hùng cho biết: “Có thị trường đã khó, giữ thị trường càng khó khăn hơn nên người dân sản xuất xoài, đơn vị xuất khẩu phải đảm bảo cung cấp sản phẩm chất lượng, an toàn. Nông dân cần phải cùng nhau liên kết, từng bước xây dựng chuỗi ngành hàng xoài, tuân thủ yêu cầu thị trường”.

Theo ông Võ Việt Hưng, Giám đốc HTX xoài Mỹ Xương, đơn vị được các đối tác chọn sản xuất và cung ứng xoài xuất khẩu sang thị trường Mỹ, để đảm bảo lô xoài đạt chất lượng xuất khẩu, một năm trước các doanh nghiệp xuất khẩu, đối tác, chuyên gia, ngành nông nghiệp đã đến khảo sát mô hình trồng xoài theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP, hướng dẫn các phương pháp sản xuất nhằm đạt các tiêu chuẩn mà phía Mỹ đưa ra.

HTX xoài Mỹ Xương có khoảng 100 thành viên, sản xuất hơn 90 hécta xoài, sản lượng khoảng 1.000 tấn mỗi năm. HTX còn liên kết sản xuất khoảng 400 hécta xoài các loại, theo tiêu chuẩn GAP. Xoài của HTX Mỹ Xương cũng được xuất khẩu đi nhiều nước, như: Hàn Quốc, Nga, Nhật Bản, Australia…

Sau khi Đồng Tháp công bố xuất khẩu 8 tấn xoài đi Mỹ, tỉnh Vĩnh Long cũng công bố 1,5 tấn xoài đầu tiên được xuất khẩu sang Mỹ là của HTX xoài cát núm Trung Chánh và HTX xoài Quới An (huyện Vũng Liêm), được Công ty TNHH TM DV xuất nhập khẩu Vina T&T thu mua, đóng gói. Giá mua của công ty mua xoài của xã viên cao hơn 15% so với thị trường, đảm bảo nhà vườn luôn có lời.

“Đưa xoài vào thị trường khó tính là tín hiệu vui cho nông sản Vĩnh Long, song đòi hỏi người nông dân phải nâng cao ý thức sản xuất an toàn, uy tín, bền vững, lâu dài và thực hiện theo đúng các cam kết với doanh nghiệp về cách sản xuất, chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Từ đó tạo tiền đề để mở rộng xuất khẩu thêm nhiều mặt hàng nông sản khác”, lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long lưu ý.

Theo VĂN VĨNH (Công an nhân dân)