“4 không”, “2 phải” để phòng, chống tội phạm công nghệ cao

06/05/2024 - 15:37

Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh khuyến cáo người dân cần thực hiện “4 không”, “2 phải”.

Người dân cần trực tiếp đến cơ quan công an để cài đặt tài khoản định danh điện tử VNeID mức độ 2, không làm theo hướng dẫn của người lạ.

Phòng này thông tin, thời gian gần đây, nhiều đối tượng giả danh công an gọi điện thoại hướng dẫn người dân cài đặt tài khoản định danh điện tử VNeID mức độ 2 thông qua đường link do chúng cung cấp, sau khi thực hiện theo thì mất toàn bộ tiền trong tài khoản ngân hàng; hay giả cán bộ công an, tòa án, viện kiểm sát điện thoại nói có liên quan một số vụ án, sau đó chúng yêu cầu người dân mở tài khoản ngân hàng, cung cấp thông tin, rồi chiếm đoạt tài sản.

Ngày 25-3, chị L., ngụ khu vực 1, phường III, thành phố Vị Thanh, đến Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, trình báo, bị kẻ gian điện thoại tự xưng là công an để hướng dẫn cài đặt tài khoản định danh điện tử VNeID mức độ 2. Không chút nghi ngờ, chị làm theo các hướng dẫn.

Sau đó, chúng nói cần trao đổi qua zalo, hướng dẫn chị cài đặt ứng dụng theo đường link mà chúng cung cấp và gọi video trực tiếp để yêu cầu chị quay khuôn mặt và thẻ căn cước cho thấy rõ.

Hoàn tất, đối tượng yêu cầu chị L. trả phí. Nghĩ số tiền không đáng là bao nên chị chuyển tiền bằng tài khoản ngân hàng trên điện thoại của mình. Lát sau, chị phát hiện số tiền còn lại trong tài khoản của mình hơn 100 triệu đồng chuyển vào tài khoản lạ.

Hay trước đó ngày 20-3, ông L., ngụ khu vực 1, phường I, thành phố Vị Thanh, đến công an trình báo trong tâm trạng hốt hoảng về việc bị nhiều đối tượng giả danh cán bộ công an gọi điện thông báo ông có liên quan đến hoạt động phạm tội và yêu cầu ông mở tài khoản ngân hàng, rồi chuyển vào đó một khoản tiền để niêm phong phục vụ điều tra. Do thiếu cảnh giác, ông đã chuyển vào tài khoản trên vài trăm triệu đồng.

Các đối tượng tiếp tục yêu cầu ông L. cung cấp mã OTP mà ngân hàng gửi về điện thoại của ông. Sau khi gửi mã cho các đối tượng, ông L. nhận được thông báo vài trăm triệu đồng trong tài khoản đã chuyển sang một tài khoản khác.

Theo thượng tá Nguyễn Phi Khanh, Phó trưởng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, lợi dụng một bộ phận người dân nắm chưa đầy đủ thông tin liên quan đến cài đặt tài khoản định danh điện tử VneID mức độ 2 nên bọn xấu gọi điện thoại yêu cầu phải sớm hoàn thiện, gửi đường link qua ứng dụng trò chuyện trên mạng xã hội, sau đó dẫn dụ người dân truy cập vào để cài đặt phần mềm VNeID giả mạo có giao diện giống với ứng dụng VNeID thật.

Sau khi cài đặt tài khoản định danh điện tử VNeID giả, bọn lừa đảo sẽ kiểm soát được ứng dụng tài khoản ngân hàng và thực hiện lệnh chuyển tiền trên điện thoại của bị hại và chiếm đoạt ngay.

Còn về giả danh công an, tòa án, viện kiểm sát, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng là lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin, thiếu thông tin và kỹ năng nhận diện lừa đảo của bị hại; cùng với đó nỗi sợ hãi khi bị đe dọa dẫn đến bị hại làm theo yêu cầu của các đối tượng.

Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao khuyến cáo, người dân cần thực hiện “4 không”, đó là không sợ (không mất bình tĩnh khi nhận được điện thoại, tin nhắn từ người lạ), không tham (không tham tài sản, quà, phần thưởng không rõ nguồn gốc nhưng nhận được một cách dễ dàng, những lời mời chào “việc nhẹ - lương cao”), không kết bạn với người lạ (khi có người lạ liên lạc hoặc mời kết bạn thì không kết bạn, không bắt chuyện, không tham gia), không chuyển tiền (khi nhận được yêu cầu của người lạ hoặc chưa xác định đúng là người thân, người quen của mình thì không chuyển tiền).

Đồng thời, thực hiện “2 phải”, đó là phải bảo mật thông tin (hình ảnh, thông tin thẻ căn cước công dân; thông tin tài khoản ngân hàng; thông tin tài khoản mạng xã hội), phải tố giác ngay (khi nhận được các cuộc gọi, tin nhắn nghi ngờ là giả mạo, lừa đảo hoặc không có cơ sở khẳng định thông tin là đúng sự thật thì phải báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để được hướng dẫn xử lý).

“Không có bất cứ cơ quan chức năng nào làm việc qua điện thoại, chỉ liên lạc qua điện thoại khi cán bộ và người dân đã tiếp xúc và trao đổi số điện thoại với nhau. Tất cả quảng cáo lấy lại tiền bị lừa đảo trên mạng là giả mạo. Không có việc nhẹ lương cao, lợi nhuận nhanh… tất cả chỉ là thủ đoạn của tội phạm mạng nhằm vào tính tò mò, lòng tham, thiếu hiểu biết của nhiều người, với mục đích cuối cùng là thu thập thông tin và chiếm đoạt tài sản”, đại tá Phan Thanh Minh, Trưởng phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, cho biết thêm.

Theo NHẬT TÂN (Báo Hậu Giang)