Ðể kinh tế rừng tạo đột phá

16/01/2023 - 11:02

Cà Mau có tiềm năng, thế mạnh về phát triển lâm nghiệp và có sức cạnh tranh lớn về kinh tế rừng. Tuy nhiên, sản xuất lâm nghiệp, đời sống người dân ở lâm phần vẫn còn không ít khó khăn, tồn tại và thách thức, cần thêm động lực đầu tư của doanh nghiệp để kinh tế rừng đột phá.

A A

Tỉnh có diện tích rừng được quy hoạch lên đến trên 140.000 ha, trong đó, có hơn 94.380 ha rừng tập trung. Ðây là cơ sở để có thể khẳng định kinh tế lâm nghiệp là thế mạnh, tiềm năng mang về giá trị kinh tế cao cho người dân trên địa bàn tỉnh. Rừng được xem là một trong những lĩnh vực quan trọng không chỉ đối với việc bảo vệ môi trường, cân bằng hệ sinh thái, bảo đảm an ninh quốc phòng… mà đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Tiềm năng, lợi thế là vậy, nhưng giá trị thực chất từ rừng mang lại cho kinh tế toàn tỉnh, cho người dân trong lâm phần thời gian qua còn rất khiêm tốn. Trong tổng giá trị hơn 14.243 tỷ đồng mà ngành nông nghiệp đạt được trong năm 2022 thì giá trị trên lĩnh vực lâm nghiệp chỉ khoảng 1.295 tỷ đồng (giá trị lâm sản đạt trên 287 tỷ đồng). Trong khi đó, nếu so sánh với cả nước thì năm 2022 được xem là năm khó khăn nhất của ngành gỗ trong 15 năm qua nhưng vẫn đạt con số 17,1 tỷ USD (trong tổng kim ngạch xuất khẩu 53,22 tỷ USD ở lĩnh vực nông nghiệp). Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp 3,36%, thì trong đó lĩnh vực lâm nghiệp tăng cao nhất với 6,13%, nông nghiệp tăng 2,88%, thuỷ sản tăng 4,43%.

Cây tràm từ rừng vùng U Minh hiện nay chủ yếu bán để làm cừ phục vụ xây dựng.

Từ những con số trên có thể thấy, lâm nghiệp là lĩnh vực mang lại giá trị xuất khẩu cao nhất cả nước chứ không phải là thuỷ sản. Ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh, đánh giá, qua rà soát, lâm nghiệp đang là lĩnh vực còn rất nhiều khó khăn, tồn tại, vướng mắc. Sự tăng trưởng và phát triển của ngành lâm nghiệp cả nước chủ yếu dựa vào công nghiệp chế biến, thậm chí nhiều công ty nhập khẩu gỗ để chế biến, xuất khẩu, tạo ra giá trị gia tăng. Ðối với Cà Mau, theo quy hoạch toàn tỉnh có đến hơn 140.000 ha rừng, nhưng thời gian qua chủ yếu là hầm than, làm cừ phục vụ xây dựng. Do đó, giá thành sản phẩm gỗ thấp, thậm chí có thời điểm không bán được, nhất là khu vực rừng đước, đời sống người dân trong lâm phần còn nhiều khó khăn.

Những năm gần đây, đời sống người dân trong lâm phần đã được cải thiện đáng kể, nhất là khu vực rừng tràm. Tuy vậy, lâm phần vẫn là nơi mà người dân còn rất nhiều khó khăn so với các khu vực khác. Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Ngân, ấp Mai Hoa, xã Tam Giang Ðông, huyện Năm Căn, chia sẻ, cách đây hơn 1 năm gia đình được phép khai thác 1 ha rừng trồng 15 năm tuổi. Do thời điểm khai thác, giá cây rừng giảm thấp nên sau khi trừ tất cả chi phí chỉ thu về gần 90 triệu đồng. Như vậy, tính ra 1 ha rừng mỗi năm chỉ mang về khoảng 6 triệu đồng, con số này là quá thấp so với các loại cây trồng, vật nuôi khác. Ðiều này khiến đời sống người dân nơi đây còn khó khăn dù nắm trong tay vài héc-ta đất. “Người dân ở đây chủ yếu dựa vào con tôm, con cua dưới tán rừng, chứ không kỳ vọng quá nhiều vào cây rừng”, ông Ngân bộc bạch.

Cây rừng chưa mang về giá trị và thu nhập cao cho người dân nên tình trạng người dân lén lút chặt tỉa rừng để phục vụ nuôi trồng thuỷ sản vẫn còn diễn ra. Trong năm 2022, các đơn vị chức năng đã phát hiện 90 vụ vi phạm liên quan đến các quy định trong công tác quản lý và bảo vệ rừng, vận chuyển lâm sản trái phép…

Chi trả dịch vụ môi trường rừng là chính sách đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, cải thiện đời sống người dân trong lâm phần. Thời gian qua trong cả nước, chính sách này đang phát huy hiệu quả khi trong năm 2022 thu trên 3.600 tỷ đồng. Ông Ðỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, nhận định, năm 2023 dự báo sẽ còn nhiều khó khăn cho ngành gỗ. Do đó, bên cạnh các giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh thì ngành gỗ sẽ tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, nâng cao năng suất lao động, đẩy mạnh chuyển đổi số để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất theo hướng cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính xuống gần bằng 0 nhất có thể (net zero).

Theo định hướng đến năm 2030, ngành lâm nghiệp tập trung phát triển mạnh mô hình chuỗi lâm nghiệp, để khắc phục tình trạng mất cân đối về cơ cấu giữa biên độ rừng trồng và chế biến sâu, tức trồng rừng đi đôi với chế biến sâu. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, ông Lập nhận định, cần đẩy mạnh cổ phần hoá các công ty lâm nghiệp, đẩy mạnh kêu gọi đầu tư, nhất là các doanh nghiệp lớn, đầu tư từ nước ngoài vào phát triển rừng. Chỉ có hình thành được chuỗi lâm nghiệp mới có tính chất bền vững và hình thành được thị trường Hyro Cacbon trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tạo lợi thế cạnh tranh, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng rừng. Giai đoạn từ nay đến năm 2025 đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất rừng bình quân 5%/năm; giá trị gia tăng bình quân đạt 4%/năm; năng suất rừng trồng đạt bình quân 30 m3/ha/năm; diện tích rừng trồng sản xuất được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt khoảng 10.000 ha… Ðó là những mục tiêu mà ngành lâm nghiệp tỉnh Cà Mau đã đặt ra.

Thiếu nhà máy chế biến nên rừng trồng của tỉnh chủ yếu bán gỗ, chưa có sản phẩm chế biến sâu có giá trị cao.

Ðể đạt được những mục tiêu này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử đã chỉ đạo, các cơ quan, đơn vị có liên quan quyết liệt triển khai hoàn thành việc sắp xếp hai công ty lâm nghiệp, hiện nay Cà Mau là tỉnh đang đi sau nhất trong thực hiện nhiệm vụ này. Ðồng thời, nghiên cứu việc thí điểm thu đất, giao đất và cả giao khoán đất cho dân trong quá trình thực hiện sắp xếp. Ðặc biệt, quan tâm đầu tư phát triển việc chế biến trên lĩnh vực lâm nghiệp thông qua thu hút đầu tư phát triển doanh nghiệp trên lĩnh vực lâm nghiệp để tăng giá trị rừng, nâng cao thu nhập của người dân trong lâm phần.

Tập trung quản lý chặt chẽ, bảo vệ và sử dụng bền vững rừng tự nhiên hiện có; đẩy mạnh tái sinh tự nhiên, nâng cao chất lượng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, nhất là những khu vực nhạy cảm về môi trường. Áp dụng cơ giới và biện pháp kỹ thuật tiên tiến, trồng rừng tập trung thâm canh gỗ lớn để nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng, tạo vùng nguyên liệu tập trung chất lượng cao phục vụ phát triển ngành chế biến sâu và nâng cao hiệu quả sử dụng đất lâm nghiệp. Phát triển du lịch sinh thái và kinh tế dưới tán rừng...

Ðó là những quyết sách mà tỉnh đã đưa ra để phát triển lĩnh vực lâm nghiệp trong thời gian tới nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển rừng bền vững, cũng như nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng rừng; góp phần phòng, chống thiên tai, biến đổi khí hậu.

Trong kế hoạch thực hiện “Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, trên lĩnh vực lâm nghiệp, tỉnh xác định chuyển đổi từ trồng rừng quảng canh sang trồng rừng thâm canh gỗ lớn với diện tích 25.000 ha khu vực U Minh Hạ. Ðối với khu vực rừng ngập mặn, tập trung phát triển mô hình rừng tôm bền vững theo hướng chứng nhận tôm sinh thái (hữu cơ) tiêu chuẩn quốc tế, với diện tích 38.000 ha. Ðẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái ở các vườn quốc gia.

Theo NGUYỄN PHÚ (Báo Cà Mau)