Thuỷ sản tiếp tục là ngành kinh tế mũi nhọn

01/07/2025 - 09:55

Với vị trí địa lý đặc thù là vùng đất cực Nam của Tổ quốc, Cà Mau sở hữu bờ biển dài, nhiều cửa sông lớn thông ra biển, mở ra tiềm năng to lớn cho nghề khai thác, nuôi trồng và chế biến thuỷ sản xuất khẩu. Ðặc biệt, sau hợp nhất giữa 2 tỉnh Cà Mau - Bạc Liêu sẽ tạo không gian phát triển kinh tế thuỷ sản rộng lớn.

Từ lâu, tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu nổi bật như hai "ông lớn" trong ngành nuôi, chế biến thuỷ sản, với những thế mạnh riêng biệt, đóng góp to lớn vào kim ngạch xuất khẩu, sự phát triển kinh tế của khu vực và cả nước.

Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, cho biết: "Tỉnh Cà Mau có diện tích nuôi trồng lớn nhất nước, lên đến hơn 280.000 ha, vị trí địa lý đặc thù, nằm giáp biển, với hệ thống kênh rạch chằng chịt và vùng rừng ngập mặn phong phú, tạo điều kiện lý tưởng cho sự phát triển của các mô hình nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh, quảng canh cải tiến và quảng canh kết hợp. Ðặc biệt, mô hình nuôi tôm sinh thái, tôm - lúa, tôm - rừng ngày càng được nhân rộng về diện tích. Cách làm này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân mà còn góp phần bảo vệ môi trường, duy trì hệ sinh thái rừng ngập mặn vốn là "lá phổi xanh" của khu vực. Tôm nuôi theo các tiêu chuẩn này thường có chất lượng vượt trội, được thị trường quốc tế ưa chuộng, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm. Ngoài ra, Cà Mau còn phát triển mạnh các đối tượng nuôi khác như: cua, cá bống mú, sò huyết, đa dạng hoá sản phẩm thuỷ sản của tỉnh".

Mô hình nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa đang được nhiều nông dân quan tâm.

Mô hình nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa đang được nhiều nông dân quan tâm.

Theo báo cáo từ Sở Nông nghiệp và Môi trường, tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thuỷ sản năm 2024 đạt 647 ngàn tấn, trong đó có 252 ngàn tấn tôm; kim ngạch xuất khẩu đạt gần 1,2 tỷ USD. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2025, tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thuỷ sản ước đạt 338.290 tấn, tăng 3,7% so với cùng kỳ, trong đó có 131.427 tấn tôm, tăng 3,9% so với cùng kỳ.

Thu hoạch tôm càng xanh.

Thu hoạch tôm càng xanh.

Theo ông Châu Công Bằng: "Ngành chế biến thuỷ sản xuất khẩu tại Cà Mau đạt được những bước tiến vượt bậc, với nhiều doanh nghiệp lớn, công nghệ hiện đại, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe. Hiện nay, tỉnh có 41 nhà máy chế biến thuỷ sản quy mô lớn, áp dụng công nghệ hiện đại, đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế nghiêm ngặt như: HACCP, BRC, ASC, GlobalGAP. Các sản phẩm tôm, cua, cá đông lạnh và chế biến sâu của Cà Mau đã có mặt tại nhiều thị trường khó tính như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và nhiều quốc gia khác. Kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản trong 6 tháng đầu năm 2025 ước đạt 551,8 triệu USD, bằng 59,6% so với kế hoạch, tăng 20,8% so với cùng kỳ. Sự tăng trưởng này không chỉ đến từ việc mở rộng thị trường mà còn từ việc liên tục cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và đa dạng hoá chủng loại. Các doanh nghiệp chế biến cũng chú trọng việc tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng toàn cầu".

Cùng với nuôi trồng, nhiều nhà máy chế biến thuỷ sản xuất khẩu không ngừng đầu tư trang thiết bị hiện đại, tập trung chế biến sâu, tạo ra giá trị gia tăng.

Cùng với nuôi trồng, nhiều nhà máy chế biến thuỷ sản xuất khẩu không ngừng đầu tư trang thiết bị hiện đại, tập trung chế biến sâu, tạo ra giá trị gia tăng.

Nằm liền kề Cà Mau, Bạc Liêu cũng là "ông lớn" trong ngành thuỷ sản, với diện tích nuôi tôm trên 145.000 ha, đặc biệt nổi bật là mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trong nhà kính đang phát triển mạnh, năng suất và sản lượng không ngừng tăng. Các mô hình này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững trước biến đổi khí hậu.

Ðặc biệt, Bạc Liêu được xem là "cái nôi" của ngành sản xuất tôm giống công nghệ cao của cả nước. Với hàng trăm cơ sở sản xuất giống, tỉnh cung cấp nguồn giống chất lượng cao, sạch bệnh cho cả đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh khác. Việc ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ di truyền trong sản xuất tôm giống giúp nâng cao năng suất và khả năng chống chịu của tôm nuôi.

Nghề sản xuất tôm giống đang được các doanh nghiệp quan tâm đầu tư mở rộng cả quy mô và diện tích.

Nghề sản xuất tôm giống đang được các doanh nghiệp quan tâm đầu tư mở rộng cả quy mô và diện tích.

Ðể tiếp tục phát huy thế mạnh sau hợp nhất, tỉnh tập trung phát triển chuỗi giá trị từ nuôi đến chế biến và tiêu thụ, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, nâng cao chất lượng và uy tín sản phẩm. Việc ứng dụng khoa học - công nghệ vào quy trình sản xuất, từ con giống, thức ăn, quản lý dịch bệnh đến công nghệ chế biến sau thu hoạch, là yếu tố then chốt để tăng năng suất và hiệu quả kinh tế. Tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu và phát triển, tạo ra các sản phẩm mới, đáp ứng thị hiếu đa dạng của thị trường. Ðồng thời, việc liên kết chặt chẽ giữa Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp, giúp ngành thuỷ sản Cà Mau phát triển vững chắc, bền vững trong tương lai.

Với nền tảng vững chắc và định hướng phát triển rõ ràng, ngành nuôi và chế biến thuỷ sản sẽ tiếp tục là động lực chính đưa kinh tế Cà Mau mới vươn lên mạnh mẽ, khẳng định vị thế là một trong những trung tâm thuỷ sản hàng đầu của Việt Nam và khu vực./.

Theo Báo Cà Mau