“Triết lý” của dân xóm thúng

06/07/2021 - 08:45

Theo gia đình từ Quảng Ngãi vào định cư ở Yên Hạ, quận Cái Răng, TP Cần Thơ năm 16 tuổi (1966), ba thế hệ trôi qua, gia tộc này giữ được ý nguyện đã sống ở đây thì phải làm cái gì coi cho được dù đó là xóm thúng...

A A

Ông Hai Hiến và Út Ngôn vẫn ẩn nhẫn làm những món hàng “handmade”. Ảnh: Ch.L

Cái xóm nhỏ ở Yên Hạ nơi ông Hai Hiến (Tô Hiến) túc tắc làm những món hàng từ mây tre, từng có biệt danh xóm thúng - chuyên làm dụng cụ đong lúa gạo cho chành, vựa - theo ký ức của những người trong xóm.

Bây giờ thì chỉ còn một mình ông giữ nghề. Ông Hai Hiến nói có khi người ta đặt làm cái rổ đựng bánh mì, cái sề bắt mâm phối cỗ, cái gàu tát nước hay cái sàng, cái vừng bắt tấm… hễ đặt cái gì thì ông làm cái nấy. Hỏi ra thì phần lớn là làm đồ trang trí, vật dụng mỹ nghệ từ mây tre.

Khác với hồi xưa, cả xóm tập trung đan thúng, sề, nia, sàng, mẹc… gắn với chành vựa lúa gạo ở Cái Răng. “Hồi đó, những đồng hương từ thôn Thủy Triều, xã Phổ Văn, huyện Ðức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, vào đây làm nghề và mua bán hàng đan đát rồi hình thành xóm thúng ở Yên Hạ” - ông Hai Hiến vẻ mặt tươi rói kể.

Thời đó không chỉ dân miền Trung mà bà con chung quanh thấy mình làm thì họ cũng học nghề làm theo. Cả xóm, 60-70 hộ làm nghề này, lập thành tổ hợp. Chiều chiều ai nấy trải đệm, người vót nan - kẻ đan, cười nói vui vẻ lắm.

Chung quanh là những chành gạo, đong lúa gạo theo lít, táo, giạ… Một táo là 20 lít, cái thúng giạ đong đúng 40 lít, tương đương khoảng 20-22kg lúa bây giờ… Người mần ruộng, dân lái lúa (sau này gọi là hàng xáo), chành vựa, nhà máy xay xát… cần gì, xóm thúng cung đủ hết, rồi từ từ bán lan sang tỉnh khác. Không chỉ ở Sa Ðéc, Vĩnh Long… và nhiều nơi khác cũng tìm tới.

“Nhờ hàng tốt, chuẩn mực, bền chắc nên thúng, táo từ xóm thúng trở thành dụng cụ đo lường thông dụng từ ngoài chợ vô trong quê” - ông Hai Hiến nói.

Vào thời đó, xóm thúng không có công cụ kỹ thuật gì ghê gớm lắm nhưng cái hay của dân xóm thúng là táo, thúng hay bất kỳ công cụ gì cần thiết để đo lường thì họ đều làm chính xác. 

Hồi mới định cư ở Yên Hạ, chỉ có 2-3 hộ sống ở đây. Nhờ nghề đan thúng mà thành ra cái xóm. Làng nghề từ Quảng Ngãi cung nguyên liệu, về sau nhu cầu tăng cao - để tối ưu hóa từng chuyến hàng - những nguyên liệu phải vót, đan sẵn gởi vô. Tàu thuyền đậu dưới sông, nhộn nhịp không kém gì bến nước của chành.

Ðến năm 1972, Hai Hiến lập gia đình, vợ chịu khó học nghề. Ông thấy “nương tử” cũng khéo tay. Cái xóm có thêm người giỏi nghề, nhưng ông phải nhập ngũ theo lệnh tổng động viên. Khi hòa bình lập lại, may mắn trở về nhà - xóm thúng vẫn nhộn nhịp. Hàng làm ra bao nhiêu, chành vựa và lái mua hết bấy nhiêu, thành ra ai cũng ăn nên làm ra. Năm 1978-1979, Nhà nước cho vay tiền, Tổ hợp vay 8 triệu đồng - thời đó lớn lắm. Hàng đan bằng tre vô cùng tiện lợi, nhà nào cũng cần xài. Có thời điểm gàu dai khan hiếm, tới mùa tát đìa, người ta đặt làm cả trăm, cả ngàn cái, làm không kịp…

Nhưng tới khi chành vựa teo tóp và kỷ nguyên đồ nhựa lan tràn, xóm thúng cạnh tranh trong thế yếu. Nghề này rất cực, lại ít tiền, đòi hỏi công phu nên mấy đứa con lớn có gia đình, làm nghề khác. Chỉ có vợ và cô con gái Út (Tô Thị Kiều Ngôn) cố gắng duy trì để an ủi ông Hai Hiến.

Khó nhất của nghề này là nguyên liệu phải mua từ miền Trung đem vô. Hồi trước mua 3 triệu thì bây giờ lên 6 triệu (10.000 sợi), đặt trước mấy tháng mới có hàng. Những làng nghề khác dùng dây gân, dây chì thay mây nhưng trong mắt ông làm vậy không đẹp, không chắc và không phải là hàng của Xóm thúng.

Ông Hai Hiến chỉ lưỡi dao đã khuyết sâu sau hàng chục năm vót nan, nói: “Bây giờ nhiều món thu nhỏ lại để trưng bày hoặc để du khách ở xa mang theo gọn gàng, vót nan kỹ hơn, nhiều công hơn, lâu hơn. Có người đặt làm nôi em bé, không kỹ thì không an toàn, không đẹp và đã không đẹp thì không giữ lâu làm gì”.

Làm kỳ công, sắc sảo thì có nhiều nơi đặt hàng mà khách nhiều thì tuổi đã cao, không còn sức để làm nữa. Kiếm người làm tiếp lại không vừa ý. Ðó là cái “rối” của ông Hai Hiến.

Ông nói: “Hồi xưa người ta nói “cùng nghề mới đan thúng, túng nghề đan nia”. Tôi lại nghĩ khác, nghề của mình thì mình cứ giữ. Có hôm chỉ làm mấy món bán được  200.000-300.000 đồng, vẫn vui!”.

Út Ngôn luôn là niềm hy vọng của ông. Cô có việc làm theo giờ hành chánh, chiều về lo cơm nước cho con cái xong thì ngồi đan những món được cha vót sẵn. “Ước ao lớn nhất là Út Ngôn giữ được nghề truyền thống” - ông Hai Hiến nói.

Hồi xưa, xóm thúng góp sức cho chành, cho nhu cầu nông nghiệp. Lâu nay, tự lực duy trì hoạt động và là dấu ấn hàng “handmade” của quận Cái Răng được nhiều nơi ưa chuộng. “Phải hiểu đó là món quà của người miền Trung đem vô Yên Hạ, vun đắp giá trị cho nơi mình đang chung sống” - ông Hai Hiến luôn dặn Út Ngôn.

Theo CHÂU LAN (Báo Cần Thơ)