Các mặt hàng công nghệ thực phẩm được người dân ưu tiên lựa chọn dự trữ trong mùa mưa bão. Ảnh: T.Q
CHỦ ĐỘNG CÁC PHƯƠNG ÁN
Ngay từ đầu năm, Sở Công thương đã chủ động phối hợp với các địa phương, DN khảo sát nhu cầu tiêu dùng, xác định những địa bàn có nguy cơ thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai để xây dựng phương án cung ứng hàng hóa kịp thời, hiệu quả. Trên cơ sở đó, Sở phối hợp với các sở, ban, ngành và các địa phương tích cực chỉ đạo các DN, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện tốt việc dự trữ đúng theo danh mục, đảm bảo chất lượng, số lượng, chủng loại và bố trí sẵn sàng nhân lực, phương tiện vận chuyển hàng hóa luân chuyển khi có sự cố thiên tai xảy ra. Mặt khác, Sở cũng đã ký kết Chương trình hợp tác bình ổn thị trường, kết nối cung - cầu hàng hóa với Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh, TP. Cần Thơ và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long hỗ trợ nhau khi thị trường có biến động trong mùa mưa bão. Hiện nay, hàng hóa dự trữ phòng chống thiên tai đã được các DN sản xuất, phân phối, cung ứng chuẩn bị đầy đủ theo kế hoạch. Một số mặt hàng chủ lực được các đơn vị dự trữ với số lượng lớn như: 110.880 thùng mì, 283 tấn gạo, gần 6.400 tấn lương khô… Đối với mặt hàng vật liệu xây dựng đã dự trữ 12.240 tấm tôn, 9.180 tấm lợp bằng vật liệu khác, 83,3 tấn dây thép… Riêng mặt hàng xăng dầu, Sở chỉ đạo các DN đầu mối, thương nhân phân phối và cửa hàng bán lẻ chủ động bám sát nguồn hàng, dự trữ tại chỗ và cung ứng hàng hóa theo hợp đồng đã ký kết, đảm bảo đủ chất lượng, số lượng, chủng loại và đúng kế hoạch, không để gián đoạn nguồn cung dự trữ. Ngoài ra, còn có các hàng hóa khác quy đổi ra tiền là hơn 63 tỷ đồng.
DOANH NGHIỆP CHUNG TAY
Đến thời điểm này, về cơ bản, hầu hết các DN, nhà phân phối đều tổ chức rất tốt việc dự trữ và phân phối hàng hóa cũng như chủ động kiểm soát giá cả trong mùa mưa bão. Là đơn vị kinh doanh tổng hợp cả lương thực, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu nên chuỗi cửa hàng Bách hóa xanh luôn chủ động làm việc với các đối tác để có nguồn hàng hóa dự trữ phong phú, đa dạng và đảm bảo chất lượng. Ngoài việc dự trữ hàng hóa tại kho, đơn vị còn có phương án huy động sự hỗ trợ hàng hóa từ các kho trong cùng hệ thống, đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của người dân cũng như các cấp, ngành chức năng yêu cầu.
“Để chuẩn bị ứng phó trước, trong và sau mùa mưa bão, chi nhánh đã dự trữ khoảng 520.000 lít xăng, 395.000 lít dầu diezen... Ngoài ra, đơn vị còn yêu cầu các cửa hàng trực thuộc chấp hành nghiêm việc bán đúng giá niêm yết. Trường hợp xảy ra sự cố về lưới điện, các cửa hàng đều có máy phát điện dự phòng, đảm bảo cho công tác bán hàng được liên tục, không để xảy ra tình trạng mất ổn định thị trường xăng, dầu trong mùa mưa bão”, ông Mai Hoài Thanh - Giám đốc Chi nhánh Xăng dầu Bạc Liêu, chia sẻ.
Bên cạnh nhiệm vụ chuẩn bị nguồn hàng hóa dự trữ, Sở Công thương cũng yêu cầu các DN, nhà phân phối tăng cường quản lý về mặt giá cả; các cửa hàng, đại lý chấp hành việc bán hàng hóa đúng giá quy định, tránh tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá. Thường xuyên đôn đốc các DN rà soát, xây dựng phương án đảm bảo an toàn, phòng chống ngập hệ thống kho chứa hàng hóa... Với mạng lưới gồm 63 chợ, 7 siêu thị, 6 trung tâm thương mại, cùng hệ thống cửa hàng bán buôn, bán lẻ phát triển rộng khắp phủ kín vùng sâu, vùng xa đã giúp cho việc cung cấp hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân ngày càng thuận lợi. Việc xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa hàng năm đã giúp tỉnh chủ động nguồn hàng hóa thiết yếu, góp phần ổn định thị trường, không gây ra xáo trộn làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa khi có thiên tai xảy ra.
Theo MINH LUÂN (Báo Bạc Liêu)