Nông dân Hậu Giang thu hoạch lúa.
Trong phát biểu ghi hình gửi hội thảo, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan cho rằng nhiều năm nay, ngành lúa gạo chạy theo tư duy sản xuất, lấy sản lượng làm mục tiêu và làm mọi cách để tăng sản lượng nhưng vẫn không giúp tăng thu nhập, thậm chí là ngược lại.
Dẫn hình ảnh "Think rice - Think Thailand" tại một hội chợ ở Thái Lan, ông Hoan nói, người Thái đã tiếp cận tư duy khác đối với ngành hàng lúa gạo trong khi chúng ta đang tiếp cận ở tư duy sản lượng. "Tôi nói lại một lần nữa là chúng ta phải chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, đó là chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Ông cũng nhắc lại lời một lão nông ở Đồng Tháp nhắn gửi trước khi ông nhận nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, là "Nếu lúa có giá, thì nông dân chúng tôi sẵn sàng ra ngoài đồng để giăng mùng, để ngủ giữ lúa cho Chính phủ, để làm an ninh lương thực. Còn nếu lúa không có giá, thu nhập của người trồng lúa không sống nổi thì chúng tôi sẽ bỏ ruộng, lúc đó mới là vấn đề đối với an ninh lương thực".
Theo ông Hoan, nông nghiệp ĐBSCL không phải một loại nông sản để buôn chuyến, mà đã trở thành một chuỗi ngành hàng kinh tế. Bởi vì đến lúc, sản lượng sẽ nhỏ lại, diện tích sẽ giảm nhưng phải tăng về chất và về giá trị.
"Mục tiêu của chúng ta nằm ở chỗ đó. Chúng ta phải tổ chức lại một hệ sinh thái ngành hàng, có sự tham gia đầy đủ từ các nhà khoa học, các viện, các trường, các hợp tác xã tới người nông dân rồi chính quyền địa phương vào cuộc. Đó là một chuỗi để nâng hình ảnh của ngành lúa gạo lên, nâng thương hiệu của lúa gạo ĐBSCL lên, nâng cái chuỗi giá trị lên. Tôi tin rằng chúng ta làm được", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Ông Lê Quốc Phong, Bí thư Tỉnh ủy Tỉnh Đồng Tháp, cho rằng với vị thế của một vùng đất nông nghiệp, vựa lúa lớn nhất nước, ĐBSCL kỳ vọng chờ đón nhiều chính sách, giải pháp để bứt phá, phát triển. Dẫn Báo cáo Kinh tế thường niên vùng ĐBSCL mới được công bố, ông Lê Quốc Phong cho biết, điểm sáng nhất năm 2021 là nông nghiệp ĐBSCL vẫn tăng trưởng 3,4%; xuất khẩu nông sản, thủy sản đóng vai trò then chốt trong việc duy trì thặng dư thương mại của Việt Nam.
Tuy vậy, theo Bí thư tỉnh Đồng Tháp, thu nhập của nông dân trồng lúa chưa ổn định và vẫn còn thấp so với các loại nông sản khác. Những bất ổn liên quan nguyên liệu đầu vào, chi phí tăng, thị trường không ổn định, giá bán thấp tiếp tục đe dọa đến thu nhập của nông dân.
Về giải pháp, ông Lê Quốc Phong đề cập đến báo cáo "Hướng tới chuyển đổi Nông nghiệp Xanh ở Việt Nam: Chuyển sang mô hình lúa gạo carbon thấp" của Ngân hàng Thế giới công bố hôm 24-9-2022. Theo đó, việc chuyển sang cách trồng lúa giảm phát thải là giải pháp tiềm năng để tối ưu hóa việc sử dụng giống, phân bón, thuốc trừ sâu, giúp giảm chi phí đầu vào từ 20 - 30% và tăng sản lượng từ 5-10. Qua đó lợi nhuận ròng tăng khoảng 25%, đạt mục tiêu cắt giảm 30% sản lượng khí mê-tan vào năm 2030, tăng khả năng cạnh tranh của gạo xuất khẩu.
Theo ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, giá thành sản xuất lúa ở Cần Thơ bình quân mỗi vụ từ 3.500 - 4.100 đồng/kg. Giá vật tư đang tăng cao nên lợi nhuận trồng lúa của nông dân giảm mạnh. Cần Thơ có 136 -140 mô hình cánh đồng lớn, tổng diện tích gần 35.000 ha và gần 25.000 hộ tham gia, trong đó 40% diện tích được bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường từ 50 - 150 đồng/kg.
Phụ phẩm lúa gạo như rơm rạ, tấm, cám… ở Cần Thơ hàng năm có khoảng 1,3 triệu tấn nhưng mới có 40% diện tích được thu gom trồng nấm rơm, chăn nuôi, làm phân bón hữu cơ. Mỗi năm, bà con thu nhập thêm từ nguồn bán rơm được gần 1 triệu đồng/ha. Theo ông Hiển, nhìn chung tình hình trồng lúa ở Cần Thơ có tăng trưởng nhưng chưa ổn định bền vững, thu nhập người trồng lúa chưa cao do nhiều yếu tố chủ quan, đặc biệt biến đổi khí hậu, giá vật tư xăng dầu tăng cao, nông dân không tha thiết với ruộng lúa.
"Cần chuyển đổi vùng trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây, vật nuôi khác; thúc đẩy tích tụ ruộng đất, tăng quy mô cho chủ thể sản xuất để tạo điều kiện cơ giới hóa, sản xuất hàng hóa lớn, áp dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số để tăng năng suất lao động", ông Dương Tấn Hiển đề xuất.
GS.TS Võ Tòng Xuân, chuyên gia kinh tế nông nghiệp, cho rằng từ năm 1989 đến nay, nông dân trồng lúa đã giúp cho Việt Nam vào vị trí top 3 quốc gia xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới. Thế nhưng người trồng lúa vẫn chưa làm giàu được do chạy theo sản lượng bằng việc sử dụng quá nhiều hóa chất, giá thành cao, chất lượng thấp, vừa phí phạm nước tưới. Cây lúa nước ta phải sống chung với biến đổi khí hậu, vừa làm nhiệm vụ chính trị bảo đảm an ninh lương thực vừa làm nhiệm vụ kinh tế cho xã hội. Trong khi đó, một số ít nông dân đã làm giàu nhờ chuyển sang sản xuất cây con khác không phải cây lúa.
Giải pháp, theo GS Võ Tòng Xuân, Nhà nước cần quy hoạch lại ba vùng sản xuất lúa theo hướng phù hợp và bền vững ờ ĐBSCL. Ở vùng đất phù sa cổ xen lẫn đất phèn sâu, quanh năm có nước ngọt, không có nước mặn xâm nhập, hệ thống thủy lợi đã được trang bị đầy đủ thì có thể áp dụng kỹ thuật canh tác an toàn thực phẩm chất lượng cao, chủ yếu sử dụng giống lúa ngắn ngày năng suất cao, hạt dài, trung bình, hoặc tròn tùy theo nhu cầu của khách hàng. Với vùng trũng, phù sa có phèn, hàng năm bị ngập lũ trong mùa mưa và thủy triều, khô hạn trong mùa nắng đang sản xuất 3 vụ lúa/năm trong các vùng đê bao ngăn lũ có đầy đủ hệ thống thủy lợi, thì hướng tới sẽ giảm diện tích lúa. Còn với vùng ven biển thì đây là vùng sản xuất bền vững nhất. Phải quy hoạch để trồng lúa chất lượng cao xen nuôi tôm càng xanh trong mùa mưa và nuôi thủy sản nước lợ, nước mặn trong mùa nắng.
Còn theo TS Võ Hùng Dũng, nguyên Giám đốc VCCI Cần Thơ, không thể trông chờ tăng giá lúa vì Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo, tùy tiện nâng giá bán sẽ ảnh hưởng tới cạnh tranh. Có thể cải thiện bằng nhiều giải pháp, trong đó, cần giúp người nông dân được định giá tài sản cao hơn. Dẫn bài học những nơi có tốc độ phát triển kinh tế mạnh ở ĐBSCL như Long An, An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Cần Thơ, ông Dũng nói: "Một khi có thể thu hút đầu tư, chuyển đổi mục đích đất trồng lúa và kết hợp chuỗi ngành hàng lớn thì tài sản của người dân có thể tăng lên".
Thu hút đầu tư như thế nào, theo ông Dũng, phải làm từ cả bên ngoài và bên trong. Với nguồn lực đầu tư từ bên ngoài, cần cải thiện hạ tầng giao thông, logistics; nguồn lực từ bên trong cần nhất là thay đổi cơ chế từ đất đai để khuyến khích người nông dân tiếp tục trồng lúa, có thể làm giàu từ cây lúa. Thế nhưng hiện nay, tỉ lệ đất phi nông nghiệp quá thấp khiến đất làm khu công nghiệp rất đắt, chi phí đền bù giải tỏa cao, cản trở thu hút vốn đầu tư bên ngoài. Trong khi đó, giá trị đất nông nghiệp thấp, nông dân lại không có tài sản thế chấp ngân hàng nên càng thiếu cơ hội đầu tư.
TS Võ Hùng Dũng góp ý: "Gần bốn triệu nông hộ trong vùng hiện thiếu nguồn lực; qua mỗi chu kỳ, giá trị đất nông nghiệp của họ lại hao mòn dần, tài sản lại tiếp tục xuống thấp hơn. Nếu có thể sửa đổi thể chế, đặc biệt là Luật Đất đai về tỷ lệ chuyển đổi đất nông nghiệp thì sẽ có hàng triệu hộ dân có thêm tiền, thêm vốn để đầu tư. Giá đất nông nghiệp tăng là cơ hội tăng giá trị tài sản, tăng thu nhập cho người nông dân, cũng là cơ hội tái cấu trúc ngành kinh tế nông nghiệp vùng ĐBSCL".
Theo Báo Cần Thơ