Ngày xưa, ở các vùng quê xa xôi Vĩnh Châu, Châu Thành của Sóc Trăng, trái bầu còn được dùng làm bánh, vừa thay đổi khẩu vị vừa giúp cho các món ăn làm từ bầu thêm phong phú hơn. Bánh bầu có 2 loại, ngọt và mặn, được chế biến từ các nguyên liệu chủ yếu gồm trái bầu non, bột gạo, tôm (tép), nước cốt dừa, hành lá, bột cà-ri…
Đối với loại bánh bầu ngọt, cách làm khá đơn giản, bầu trái gọt vỏ, bàu lấy sợi bỏ ruột khoảng 500g. Tiếp theo, bột pha với nước cốt dừa, nêm ít muối, đường, bột nêm. Sau đó, trộn đều phần bột này với bầu đã bàu sợi và cho hỗn hợp vào xửng đã thoa một ít dầu. Bánh được cách thủy khoảng 30 phút, sau 10 phút mở nắp ra xả bớt hơi nước, rồi mới tiếp tục hấp tiếp. Khi bánh gần chín, bỏ thêm hành lá vào trên mặt để trang trí. Bánh bầu ngọt được dùng với nước cốt dừa.
Còn bánh bầu mặn, chúng ta cũng chế biến như bánh bầu ngọt nhưng không cho đường vào, bánh hấp đến khi gần chín thì cho phần nhân và hành lá lên phía trên mặt bánh. Để làm nhân bánh, tôm băm nhỏ xào sơ nêm nước mắm, đường, ít bột cà-ri cho có màu vàng, bắt mắt. Nước chấm cho bánh bầu mặn không chỉ có nước cốt dừa mà còn có ít nước mắm chua ngọt để tăng thêm vị ngon và giảm độ béo của bánh.
Món bánh bầu là món bánh dân gian ít người biết đến, do thất truyền từ lâu. Nhân dịp Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ 2018, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch đã vận động nghệ nhân Huỳnh Ngọc Lan sưu tầm và chế biến món bánh bầu dự thi. Kết quả, đạt huy chương vàng. Về Sóc Trăng du khách có thể thưởng thức món bánh này tại cơ sở bánh Kem Ngọc Lan, 137 Ngô Gia Tự, phường 6, TP. Sóc Trăng./.
Theo TÂN TRANG (Du lịch Sóc Trăng)