
Đa dạng sản phẩm OCOP từ các địa phương được giới thiệu ra thị trường.
Bứt phá về số lượng, chất lượng
Triển khai từ năm 2018, đến cuối năm 2024, tỉnh có thêm 153 sản phẩm được chứng nhận OCOP đạt từ 3 sao trở lên; nâng tổng số sản phẩm OCOP toàn tỉnh lên 341 sản phẩm của 174 chủ thể. Trong đó, có nhiều sản phẩm đạt 4 và 5 sao (cấp quốc gia).
Trong hành trình nâng tầm giá trị sản phẩm nông nghiệp, tỉnh đã ghi dấu ấn với những sản phẩm OCOP đạt chuẩn 5 sao cấp quốc gia. Những sản phẩm này không chỉ thể hiện sự đổi mới trong sản xuất mà còn khẳng định vị thế của nông sản địa phương trên thị trường quốc tế. Công ty TNHH Sản xuất, kinh doanh tổng hợp Đông Á (TP. Bến Tre) đã thành công trong việc nâng tầm sản phẩm kẹo dừa truyền thống. 4 sản phẩm kẹo dừa mang thương hiệu “BẾN TRE”, gồm: kẹo dừa ca cao, kẹo dừa sầu riêng lá dứa, kẹo dừa gừng và kẹo dừa sầu riêng đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 5 sao. Sự kết hợp giữa hương vị truyền thống và công nghệ hiện đại giúp sản phẩm không chỉ giữ được bản sắc địa phương mà còn đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế. Việc xuất khẩu kẹo dừa sang các nước như Mỹ, Úc, Canada, Nhật Bản, Đức và Ý đã khẳng định vị thế của sản phẩm OCOP Bến Tre trên thị trường toàn cầu.
Hay với sản phẩm sầu riêng cấp đông nguyên trái mang thương hiệu DuriVy của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (huyện Chợ Lách) là một minh chứng cho sự đổi mới trong chế biến nông sản. Áp dụng công nghệ cấp đông bằng Nitơ lỏng, sản phẩm giữ nguyên hương vị, màu sắc và dưỡng chất của trái sầu riêng tươi. Được công nhận đạt chuẩn OCOP 5 sao vào tháng 7-2024, sầu riêng DuriVy không chỉ chinh phục thị trường nội địa mà còn vươn ra quốc tế. Việc xuất khẩu sầu riêng cấp đông sang Trung Quốc mở ra cơ hội lớn cho nông sản Việt Nam.
Các sản phẩm OCOP tỉnh đạt chuẩn 5 sao không chỉ là thành quả từ sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các doanh nghiệp (DN) mà còn là minh chứng cho hiệu quả của Chương trình OCOP trong việc phát triển kinh tế nông thôn. Những sản phẩm này đã góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân; thúc đẩy phát triển các ngành nghề truyền thống và bảo tồn bản sắc văn hóa địa phương.
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Võ Tiến Sĩ khẳng định, đây là minh chứng cho những nỗ lực cải tiến không ngừng về mẫu mã, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và khả năng truy xuất nguồn gốc. Không chỉ tập trung vào số lượng, tỉnh còn chú trọng phát triển các sản phẩm mang bản sắc văn hóa địa phương như: bánh tráng Mỹ Lồng, kẹo dừa, nước cốt dừa, các sản phẩm từ dừa hữu cơ…
Mở rộng thị trường tiêu thụ
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Võ Tiến Sĩ cho biết, thành công của Chương trình OCOP tại Bến Tre không chỉ đến từ chính sách mà còn đến từ sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính trị, sự hưởng ứng mạnh mẽ từ các DN, hợp tác xã (HTX) và hộ sản xuất. Qua Chương trình OCOP, các chủ thể kinh tế nông thôn không chỉ nâng cao năng lực sản xuất mà còn tiếp cận được các công cụ quản trị hiện đại, từng bước chuyên nghiệp hóa hoạt động kinh doanh và tạo lập thương hiệu bền vững.
Những năm gần đây, thông qua việc tổ chức và tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh, các sản phẩm OCOP của tỉnh đã từng bước khẳng định được vị thế trên thị trường. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN, HTX và hộ sản xuất kết nối với các đối tác kinh doanh.
Một trong những hoạt động nổi bật là hội thảo “Kết nối giao thương, xúc tiến thương mại, thiết lập kênh phân phối sỉ và lẻ cho các sản phẩm OCOP đặc sản ứng dụng khoa học công nghệ của tỉnh năm 2024” được tổ chức tại chợ Bình Tây, TP. Hồ Chí Minh. Sự kiện này đã tạo cơ hội cho các đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP Bến Tre giới thiệu sản phẩm và khẳng định thương hiệu tại thị trường TP. Hồ Chí Minh. Đồng thời, thúc đẩy việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, hướng tới một nền nông nghiệp bền vững và hiện đại.
Bên cạnh đó, tỉnh còn tích cực hỗ trợ các DN tham gia các hội chợ công nghiệp, thương mại và ẩm thực, cũng như các hội nghị kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm. Trong năm 2024, tỉnh đã hỗ trợ 50% chi phí thuê gian hàng cho 34 DN tham gia hội chợ trong nước. Qua đó, giúp các DN quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Đặc biệt, tỉnh đã chú trọng đến việc hỗ trợ các DN, HTX và hộ sản xuất đưa sản phẩm OCOP lên các sàn giao dịch thương mại điện tử như: Postmart.vn, Voso.vn, Sendo, Amazon… giúp mở rộng kênh tiêu thụ sản phẩm, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm OCOP của tỉnh trên thị trường trong và ngoài nước.
Giải pháp trong thời gian tới
Nhằm nâng cao hiệu quả Chương trình OCOP trong giai đoạn tới, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Võ Tiến Sĩ cho biết, tỉnh đặt mục tiêu phát triển các nhóm sản phẩm OCOP chủ lực theo chuỗi giá trị, tăng cường kết nối cung - cầu, mở rộng mạng lưới phân phối và hướng đến thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, việc xây dựng thương hiệu cộng đồng, thương hiệu địa phương trên nền tảng giá trị văn hóa truyền thống được xem là bước đi chiến lược nhằm nâng cao giá trị và tính nhận diện cho sản phẩm OCOP Bến Tre.
Chương trình OCOP là một chương trình phát triển kinh tế quan trọng của cộng đồng. Do đó, gắn trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đơn vị trong chỉ đạo triển khai thực hiện. Các huyện, xã phải phân công lãnh đạo đứng đầu Ban Chỉ đạo để có đủ thẩm quyền quyết định các nhiệm vụ của chương trình.
Tập trung chỉ đạo điểm tạo bước đột phá ngay từ nhóm sản phẩm OCOP đầu tiên. Tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, trong đó tăng cường hướng dẫn hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cấp nhà xưởng, máy móc thiết bị sản xuất, thiết kế nhãn mác, bao bì sản phẩm, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, công bố tiêu chuẩn, chất lượng, mã số mã vạch, dán tem truy xuất nguồn gốc... đảm bảo theo quy định.
Xác định xúc tiến thương mại là bước then chốt của Chương trình OCOP thường niên. Hình thành mạng lưới kết nối sản xuất, kinh doanh dịch vụ kết hợp với các hoạt động xây dựng, phát triển thương hiệu tạo lập, phát triển mở rộng thị trường cho các sản phẩm OCOP phát triển bền vững. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, trong tỉnh và ngoài tỉnh. Hỗ trợ các cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP phát huy vai trò quảng bá sản phẩm. Tổ chức xúc tiến thương mại hướng đến phát triển thị trường xuất khẩu, xuất khẩu tại chỗ…
“Chương trình OCOP không chỉ là “chiếc áo mới” cho sản phẩm nông thôn, mà còn là biểu tượng cho khát vọng vươn lên bằng nội lực, bằng trí tuệ và bản sắc địa phương. Với sự kiên định trong định hướng và linh hoạt trong cách làm, tỉnh đang từng bước xây dựng thương hiệu OCOP gắn với hình ảnh “Xứ Dừa khởi nghiệp”, khẳng định vị thế trên thị trường và góp phần vào hành trình phát triển nông thôn mới toàn diện, bền vững” - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Võ Tiến Sĩ
Theo Báo Đồng Khởi