Đóng thùng dừa tươi xuất khẩu tại Công ty Xuất nhập khẩu trái cây Mekong (Châu Thành). Ảnh: CTV
Theo báo cáo của ngành công thương, trong giai đoạn 2021 - 2024, hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 5.845 triệu USD, tăng trưởng bình quân 4,36%/năm, đưa Bến Tre đứng thứ 6 trong 13 tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long. Xuất khẩu của tỉnh chiếm khoảng 6 - 7% tổng kim ngạch xuất khẩu của vùng. Kim ngạch xuất khẩu 9 tháng năm 2024 ước đạt 1,225 tỷ USD, tăng 14,02% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 70,03% so với kế hoạch năm. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của tỉnh là cơm dừa nạo sấy; nước cốt dừa; nước dừa đóng lon; than hoạt tính; chỉ xơ dừa; dệt may, da giày, thủy sản các loại.
Các mặt hàng chủ lực của tỉnh bao gồm sản phẩm từ dừa, thủy sản và nông sản chế biến. Đặc biệt, cơ cấu hàng xuất khẩu đã có sự chuyển biến tích cực theo hướng tăng tỷ trọng các sản phẩm công nghiệp chế biến sâu và có hàm lượng công nghệ cao như dầu dừa tinh khiết, nước cốt dừa đóng lon, than hoạt tính... Cơ cấu hàng xuất khẩu có sự chuyển dịch theo hướng tích cực: tăng tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến tinh, chế biến sâu, có hàm lượng công nghệ cao, giảm tỷ trọng hàng thô và gia công.
Trong đó, chủ thể xuất khẩu không ngừng tăng lên, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Hiện tại toàn tỉnh có hơn 150 doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu. Thị trường xuất khẩu ngày càng được mở rộng, đã xuất khẩu sang hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hầu hết các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu ước thực hiện có mức tăng trưởng bình quân hàng năm khá như: sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 14,87%/năm; túi xách da tăng 13,19%/năm hàng may mặc tăng 6,91%/năm, nước dừa đóng lon tăng 6,84%/năm, nước cốt dừa tăng 1,13%/năm… Kim ngạch nhập khẩu ước thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2024 đạt 2.331 triệu USD, đạt 52,79% so với mục tiêu kế hoạch.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động xuất khẩu của tỉnh còn nhiều thách thức. Thị trường xuất khẩu dù đã mở rộng ra hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng vẫn phụ thuộc nhiều vào các thị trường trung gian. Sự manh mún trong sản xuất nông nghiệp cũng là một trở ngại lớn. Phần lớn sản xuất vẫn theo mô hình kinh tế hộ, nhỏ lẻ và thiếu liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp lớn. Điều này ảnh hưởng đến khả năng thu hút đầu tư vào chế biến sâu và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị. Cơ sở hạ tầng giao thông và logistics chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, làm tăng chi phí vận chuyển và ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu...
Theo Phó giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thị Quỳnh Nga, mục tiêu của tỉnh đến năm 2030 là trở thành một trong ba tỉnh dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long và đạt mức kim ngạch xuất khẩu top 30 của cả nước. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh sẽ tập trung phát triển chuỗi giá trị nông sản chủ lực: Xây dựng và phát triển chuỗi giá trị cho các sản phẩm từ dừa và các mặt hàng nông sản khác theo hướng nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Tăng cường ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, chế biến và bảo quản sản phẩm, nhằm nâng cao giá trị gia tăng và mở rộng thị trường xuất khẩu. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đặc biệt là mở rộng thị trường sang châu Âu và châu Mỹ. Đồng thời, tỉnh sẽ tăng cường quảng bá sản phẩm đặc sản của mình thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử và phương tiện truyền thông.
Để tăng tỷ trọng xuất khẩu của tỉnh thời gian tới, tỉnh cần nâng cấp cơ sở hạ tầng và phát triển logistics nhằm giảm chi phí vận chuyển và tăng cường kết nối. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp trong lĩnh vực quản lý chuỗi cung ứng và logistics. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận các chương trình đào tạo, tư vấn và hỗ trợ tài chính, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, để nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường quốc tế.
Theo PHAN LÊ (Báo Đồng Khởi)