Bến Tre: Bất khuất những tấm lòng cựu tù chính trị Côn Đảo

21/07/2023 - 08:53

Côn Đảo được ví như “Địa ngục trần gian” với hệ thống nhà tù khét tiếng nhất thế giới. Nhưng từ dây thép gai của nhà tù đã làm bộc lộ và sáng rõ phẩm chất cách mạng kiên cường của các chiến sĩ và đồng bào yêu nước. Họ đã biến nơi tù khổ sai thành trường học cách mạng; nơi giáo dục lẫn nhau về tinh thần yêu nước, tinh thần cách mạng, hun đúc tinh thần quyết tâm đấu tranh giải phóng đất nước.

A A

Ông Phạm Khải Hoàn (hàng giữa, thứ 7 từ trái qua) tại buổi gặp mặt cựu tù chính trị Côn Đảo. Ảnh: Thạch Thảo

Lời kể của cựu tù

Ông Phạm Khải Hoàn, sinh năm 1948, ngụ Phường 4, TP. Bến Tre là một trong 2 cựu tù chính trị Côn Đảo ở Bến Tre (cùng ông Lê Văn Lợi, xã Tân Phong, huyện Thạnh Phú) được mời về dự lễ giỗ các anh hùng liệt sĩ, chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước đã hy sinh tại Côn Đảo nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2023).

Chia sẻ trước ngày về lại Côn Đảo, ông Phạm Khải Hoàn nói: “Tôi thấy mừng vì Đảng và Nhà nước, nhân dân không quên sự hy sinh của những người trong hàng ngũ cách mạng nói chung và người bị tù đày nói riêng. Lễ họp mặt diễn ra trọng thể cho thấy sự hy sinh đó không bị lãng quên và luôn được trân trọng. Chính điều này sẽ giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Nếu không có sự giáo dục truyền thống thì con cháu sẽ không biết những người chiến sĩ đã từng chiến đấu dũng cảm, kiên cường trên mặt trận ra sao, rồi những mặt trận thầm lặng, tù đày...”.

Người cựu tù chính trị Côn Đảo Phạm Khải Hoàn kể lại: “Tôi bị tù đày 15 tháng. Thời gian đó là ít so với những đồng chí trước. Năm đó, tôi 18 tuổi, bị trói, bị đánh trong tù. Các đồng chí trong tù vẫn thường nói vui với nhau “Các chiến sĩ ngoài kia hiên ngang đánh Mỹ, mình ở trong tù đưa lưng cho Mỹ đánh”. Bởi, mình không đánh nó được. Nó trói, nó còng mình rồi, nhưng đó cũng là sự gan dạ của mình. Còn nhớ lần đó, tôi và mười mấy người khác “chống cờ tiêu cực” liền bị đánh bằng đủ thứ hình cụ. Trong đó, có roi mây, mà cây roi thiệt to, nếu đánh vào mông thì còn đỡ, đằng này tụi nó đánh vào chân, nhượng chân. Thân thể bầm tím như trái mồng tơi chín rụng. Có lần tôi thấy ông Mai Văn Mừng ở Đồng Tháp bị đánh sưng vù từ hông bụng xuống phần sinh dục mà vẫn bị bắt đi khổ sai. Sau đó, ông Mừng bệnh đi không nổi, bụng sưng to, kiệt sức. Phòng tôi nằm đối diện, ông Mừng nằm cách ly 1 tuần từ từ chết. Bây giờ trên danh sách tù chính trị người Đồng Tháp ở Côn Đảo có ghi tên ông Mai Văn Mừng. Còn những người bị “cấm cố” thì khi được ra ngoài tiêu tiểu, liền quơ một cọng cỏ trên đường đi nhăng nhăng vô ăn được vậy là mừng lắm. Thành ra nói Côn Đảo là “Địa ngục trần gian” là rất đúng”.

76 năm kỷ niệm

Nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2023), tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức lễ viếng Nghĩa trang Hàng Dương; lễ giỗ các chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước hy sinh tại nhà tù Côn Đảo; họp mặt cựu tù chính trị Côn Đảo; thăm gia đình cựu tù chính trị; thắp nến tri ân; chương trình nghệ thuật đặc sắc kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ; lễ khởi công xây dựng Bệnh viện Quân - Dân Y Côn Đảo và khánh thành Cảng tàu khách Côn Đảo.

Chương trình văn nghệ kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.  Ảnh: Mạnh Thắng

Chương trình văn nghệ kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.  Ảnh: Mạnh Thắng

Tại Côn đảo có hơn 2 vạn chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước ngã xuống. Đến nay, mới quy tập được 1/10 số người đã hy sinh. Nhiều ngôi mộ đến nay còn chưa xác định được danh tính, quê quán. Tên của các anh, các chị đã trở thành tên đất nước, hòa thành cây, thành cỏ, thành sỏi, thành đá, gắn bó với quê hương, trở thành một phần thiêng liêng của đất nước.

Hiện nay, còn hơn 5 ngàn cán bộ, chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày còn sống. Tại buổi họp mặt cựu tù chính trị Côn Đảo, có 76 cô chú tham dự, người trẻ nhất cũng hơn 70 tuổi. Những cựu tù chính trị Côn Đảo mỗi người có một hoàn cảnh, cuộc sống khác nhau, nhưng vẫn kiên cường sống chung với thương tích, với bệnh tật, luôn lạc quan, yêu đời, tin tưởng vào sự phát triển của đất nước.

Từ huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã có bài phát biểu nhân buổi họp mặt cựu tù chính trị Côn Đảo, có đoạn: “Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; hai cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc của Tổ quốc, cả nước hiện có trên 9 triệu người có công, các đồng chí cán bộ lão thành, cán bộ tiền khởi nghĩa, liệt sĩ, gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh. Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm chăm lo đối với người có công. Tùy theo điều kiện kinh tế có được của đất nước, mức chăm sóc, bồi dưỡng người có công luôn từng bước được nâng cao. Tuy nhiên, so với sự hy sinh, mất mát, khổ cực của các cô, các chú gánh chịu thì mới bù đắp một phần rất nhỏ bé, thể hiện tinh thần đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, trách nhiệm của thế hệ hôm nay với các cô, các chú. Đảng, Nhà nước mong kinh tế càng phát triển thì điều kiện để chăm lo cho đối tượng người có công sẽ được nâng cao”.

Côn Đảo hiện nay đã trở thành địa điểm du lịch lịch sử, tâm linh rất ý nghĩa. Mỗi năm đón hơn nửa triệu du khách là con em gia đình liệt sĩ, đồng bào cả nước đến tham quan, học tập, tưởng nhớ các liệt sĩ, đồng bào yêu nước đã ngã xuống tại đây.

Theo THẠCH THẢO (Báo Đồng Khởi)