Anh Nguyễn Thanh Phong (bên trái) giới thiệu sầu riêng sáp Tiểu Long cho khách hàng.
Anh Thanh Phong cho biết: “Sau 4 năm trồng, cây đã cho ra trái chiến (vụ cho ra trái đầu tiên của cây) vượt mong muốn, đó là cơm dày màu vàng sậm, tỷ lệ hạt lép từ 80% trở lên, khá béo, rất ngọt, khi ấn vào cơm sầu riêng thì lõm xuống, không dễ rách múi; đặc biệt trái càng chín thì cơm sầu riêng sáp Tiểu Long càng dẻo gần giống sáp nên tôi đặt tên là sáp Tiểu Long”.
Chỉ trong thời gian ngắn, sầu riêng sáp Tiểu Long của anh Thanh Phong được nhiều người biết đến. Ngày 24-5-2024, chúng tôi đến tìm hiểu sầu riêng sáp Tiểu Long, cùng lúc có anh Võ Văn Phong - khách hàng ở tỉnh Bình Phước. Anh Võ Văn Phong hay: “Được tin anh Nguyễn Thanh Phong ở huyện Chợ Lách có trồng sầu riêng sáp Tiểu Long, tôi đến tìm hiểu để mua 600 cây về trồng trên diện tích 3ha tại Bình Phước”.
Anh Thanh Phong cho biết thêm: “Sau 5 năm có 1 cây tôi để làm cây đầu dòng. Nhân giống ra tiếp trồng thêm 7 cây cách nay 4 năm và hiện đang cho trái chiến. Sầu riêng sáp Tiểu Long có sức đề kháng và chịu khí hậu nắng nóng khá tốt. Tỷ lệ đậu trái cao, cây cao 4m đã cho ra khoảng 10 trái chiếng. Mỗi trái khi thu hoạch nặng từ 2 - 3kg. Sầu riêng sáp Tiểu Long có tên khoa học: Durio zibethinus. Tháng 2-2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cấp giấy công nhận cây đầu dòng sầu riêng sáp Tiểu Long cho anh Nguyễn Thanh Phong để nhân giống xuất ra thị trường. Năm 2024, có 400 mắt ghép/cây/năm và những năm tiếp theo số lượng mắt ghép lên khoảng 500 mắt ghép/cây/năm. Anh Thanh Phong đã sản xuất khoảng 2.000 cây sầu riêng sáp Tiểu Long đạt yêu cầu để phục vụ thị trường trong và ngoài tỉnh.
Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách cho biết: Sau 5 năm, anh Nguyễn Thanh Phong trồng sầu riêng sáp Tiểu Long, tôi bắt đầu theo dõi sầu riêng giống mới này. Cây rất dễ nhận diện vì lá nhỏ hơn so với các giống sầu riêng trước đây, cây sớm ra hoa, dễ đậu trái, chùm bông cho ra trái có kích cỡ gần như nhau. Tuy là trái chiếng nhưng tỷ lệ cơm khá dày, tỷ lệ hạt lép khá cao và đặc biệt là cơm sáp (dẻo), trong khi: Ri6, Monthong, Musang King… không có đặc tính sáp. Sáp Tiểu Long càng chín càng ráo cơm, còn các giống sầu riêng khác càng chín càng nhão. Giống sầu riêng này có độ Brix 39 (tức là độ ngọt khá cao). Với trọng lượng vừa phải, sầu riêng sáp Tiểu Long thích hợp để xuất khẩu.
“Anh Nguyễn Thanh Phong là một nông dân năng động, có tầm nhìn xa trong việc phát triển giống mới để nâng cao chất lượng trái sầu riêng ở Chợ Lách. Tinh thần cầu tiến của anh Nguyễn Thanh Phong trong việc phát triển, lai tạo, làm phong phú giống sầu riêng ở Chợ Lách rất đáng được biểu dương và khen thưởng” - Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách Nguyễn Anh Linh
Theo HOÀNG VŨ (Báo Đồng Khởi)