Ông Trần Văn Tiếp (bên phải) thuật lại các chi tiết lịch sử liên quan Nghĩa tang tạm Châu Bình.
Lão niên ghi chép
Chúng tôi được Chủ tịch UBND xã Châu Bình Hồ Thanh Trung đưa tới nhà lão thành cách mạng Trần Văn Tiếp (còn gọi là Bảy Tiếp), 75 tuổi. Ông là thương binh 1/4. Từ năm 1984 - 1991, ông Trần Văn Tiếp là Thường vụ Đảng ủy xã Châu Bình, Trưởng ban Tổ chức Đảng ủy xã Châu Bình.
“Tôi sống với bên ngoại từ nhỏ. Tôi được ông cậu thứ sáu nuôi dưỡng và chỉ cho nghề hốt thuốc. Cậu Sáu tôi tên Nguyễn Văn Nhung là một nhà nho yêu nước và là một thầy thuốc. Tôi được cậu dạy chữ Nho (chữ Hán Nôm) và truyền nghề thuốc. Nhưng năm 16 tuổi, tôi lại muốn thoát ly tham gia cách mạng. Chính nhờ ở với cậu mà tôi biết nhiều về nghĩa trang tạm chiến tranh, nơi ngày nay là đình Châu Bình. Vì cậu sáu là quản trang của nghĩa trang này”, ông Trần Văn Tiếp kể.
Ông Bảy Tiếp cho chúng tôi xem một sơ đồ nghĩa trang tạm chiến tranh có bố trí số mộ phần của các chiến sĩ. Sơ đồ ghi chép rõ bằng chữ Hán Nôm được ông Bảy dịch ra chữ quốc ngữ. Kèm theo sơ đồ là ghi chép “Tiền tích” việc lập nghĩa trang tạm chiến tranh: Nơi đây là khu đất gò cao, giáp với đất vườn đình Châu Bình. Cây trâm bầu mọc um tùm. Mộ chôn đầu tiên là mộ ông Võ Ngọc Rép, du kích xã Bình Hòa, mất tháng 1-1962 (âm lịch), tử thương do đánh tên Bảy Sự tại miếu Diều Gà, xã Bình Hòa... Cậu sáu Nguyễn Văn Nhung, người quản trang khi ấy còn ghi chép đầy đủ Châu Bình bị ném bom ngày nào, ném chỗ nào, có người thương vong hay không...
“Đồn Cây Điệp (nay là Ngã ba Cây Điệp), tại xã Châu Hòa, ta phải đánh 2 lần mới lấy được. Nhiệm vụ đánh đồn này do Trung đoàn 516 đảm trách. Đối với người quản trang là cậu sáu tôi, cứ mỗi lần chuẩn bị đánh đồn Cây Điệp thì có người tới thông báo đăng ký chỗ để ông cho đào trước... Vì biết chắc chắn không tránh khỏi thương vong”, ông Trần Văn Tiếp thuật lại. Việc vận hành nghĩa trang tạm chiến tranh được người xưa quản lý nghiêm túc, cẩn trọng. Tuy nhiên, trong nhiều năm dài, giặc bình định Châu Bình, dồn dân vào ấp chiến lược. Vườn tược, làng xóm đìu hiu không bóng người, không ai dám ở vì giặc oanh tạc, ném bom dữ dội. Nghĩa trang tạm chiến tranh vì thế cỏ mọc um tùm hoang hóa. Những đồng đội còn sống khiêng đồng đội tử trận về chôn, nhưng do không có người chỉ dẫn nên không theo hàng lối nào”, ông Bảy Tiếp kể lại.
Việc tìm thấy 121 hài cốt liệt sĩ tại Châu Bình đã thu hút đông đảo người dân đến thắp hương, bày tỏ lòng tri ân. Nhiều người xúc động rơi nước mắt. Chị Lê Thị Như Ý - doanh nghiệp tư nhân nước uống Phúc An, huyện Châu Thành khi nghe tin đã chạy xuống hiện trường khai quật để trao 5 triệu đồng hỗ trợ bữa cơm cho lực lượng tìm kiếm. Chủ tịch UBND xã Châu Bình Hồ Thanh Trung cho hay, bà con rất xúc động, họ mang nước, nấu bánh canh, cháo, xôi mang tới cho lực lượng tìm kiếm ăn giữa giờ. Bên cạnh kinh phí của huyện, nhiều cá nhân còn trao tiền để chúng tôi tổ chức nấu cơm tại UBND xã...
Châu Bình là xã anh hùng, năm 1995, quân và dân xã Châu Bình được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Châu Bình có 110 mẹ Việt Nam anh hùng. Các mẹ hiện nay đã mất. 232 thương bệnh binh và 440 liệt sĩ.
Kính trọng tiền nhân
Thượng tá Ngô Văn Diễm - Phó chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, người phụ trách chỉ đạo xuyên suốt trong đợt khai quật tìm kiếm hài cốt liệt sĩ tại xã Châu Bình cho biết: “Dù thời tiết mưa nắng, chúng tôi cũng không ngại khó, ngại khổ, làm luôn cả ngày nghỉ cuối tuần, đảm bảo việc đưa hài cốt các anh hùng liệt sĩ về nghĩa trang trước ngày 27-7-2023. Trong quá trình khai quật, nhiều trường hợp hài cốt vải băng bó vết thương còn nguyên, thậm chí có hài cốt ghim cả 5 đầu đạn trong cơ thể... khiến chúng tôi rất xúc động”.
Trong ngôi nhà của ông Trần Văn Tiếp, lão thành cách mạng xã Châu Bình, có hai hàng câu đối đặt hai bên bàn thờ tổ tiên. Nội dung câu đối: “Truyền thống anh hùng trung Tổ quốc/ Lưu phong nghĩa sĩ hiếu nhân dân”. Bởi, gia đình ông Tiếp có 8 anh em trai thì hết 4 người là liệt sĩ. Bản thân ông Tiếp là thương binh 1/4. Anh chị em còn lại đều là người có công với cách mạng.
Chiều Châu Bình bùi ngùi trong một ngày tháng Bảy, mưa rả rích. Ông Trần Văn Tiếp thắp nén hương lên bàn thờ tổ tiên ông bà và nhắc nhở con cháu: Hòa bình hôm nay thật đáng quý, vì công sức của tiền nhân là rất cao. Sống được thì phải trân trọng và biết ơn người xưa. Bởi nếu không có cảnh mất mát hy sinh thì không có cảnh huy hoàng ngày nay.
Đối với sự kiện tìm thấy 121 hài cốt liệt sĩ tại xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm, Phó chủ tịch UBND huyện Giồng Trôm Nguyễn Minh Trung xúc động: “Rất xin lỗi các chú, các anh đã để các chú, các anh thất lạc trên dưới 50 năm ở nơi hoang vắng như vậy. Nhưng chúng tôi - Đảng bộ và nhân dân huyện Giồng Trôm vui mừng vì hôm nay đã tìm thấy các chú, các anh và đem về nghĩa trang nằm cùng với đồng chí, đồng đội của mình. Sau lần tìm thấy này, chúng tôi sẽ tổ chức hội nghị để lấy ý kiến, thu thập thông tin, tiếp tục tìm kiếm vì có thể vẫn còn có những chỗ có hài cốt như vầy”.
Theo THẠCH THẢO (Báo Đồng Khởi)