Tàu đánh bắt thủy sản của ngư dân xã Bình Thắng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre neo đậu tại sông Bình Châu.
Theo đó, nội dung phối hợp chủ yếu là tiếp nhận, phân tích, đánh giá, cung cấp và xử lý thông tin đối với các trường hợp tàu khai thác thủy sản trên biển mất tín hiệu kết nối, tàu có nguy cơ vượt ranh giới, tàu vượt ranh giới trên biển; cung cấp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan, đơn vị; tham mưu, tổ chức thực hiện các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên và quy định của pháp luật về giám sát hành trình tàu cá; truy cập hệ thống giám sát hành trình tàu cá, truy xuất thông tin tàu cá…
Theo Quy chế, UBND tỉnh Bến Tre yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm thành lập Tổ Giám sát hành trình tàu cá (gọi tắt là Tổ Giám sát), gồm tổ trưởng là đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Các thành viên là đại diện các đơn vị quy định tại khoản 2 Điều 1 của Quy chế này. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện trách nhiệm của đơn vị đầu mối được giao nhiệm vụ giám sát hành trình tàu cá từ Tổng cục Thủy sản đối với tàu cá trên địa bàn tỉnh Bến Tre.
Cụ thể, cấp và quản lý tài khoản truy cập, sử dụng hệ thống giám sát hành trình tàu cá theo hướng dẫn của Tổng cục Thủy sản; cung cấp dữ liệu, thông tin giám sát tàu cá chính xác, kịp thời phục vụ quản lý tàu cá, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác thủy sản đảm bảo đúng quy định. Đồng thời, tổ chức trực ban giám sát tàu cá tỉnh Bến Tre hoạt động khai thác thủy sản trên biển; kịp thời cảnh báo, nhắc nhở thuyền trưởng, chủ tàu đối với các trường hợp tàu mất tín hiệu kết nối trên biển, tàu có nguy cơ vượt ranh, tàu vượt ranh giới trên biển.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức trực ban giám sát tàu cá tỉnh Bến Tre hoạt động khai thác thủy sản trên biển; theo dõi, phát hiện, kịp thời cảnh báo đến chủ tàu, thuyền trưởng, thông báo đến Tổ Giám sát đối với các trường hợp tàu cá khai thác thủy sản trên biển mất tín hiệu kết nối, tàu khai thác thủy sản có nguy cơ vượt ranh, tàu khai thác thủy sản vượt ranh giới trên biển.
Bên cạnh đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì xử lý hoặc phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý các trường hợp tàu cá khai thác thủy sản vượt ranh giới trên biển, khai thác thủy sản vi phạm vùng biển nước ngoài, theo quy định pháp luật.
Mặt khác, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các đồn, trạm kiểm soát biên phòng kiểm tra chặt chẽ tình trạng niêm phong và tín hiệu kết nối của thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá khi tàu cá ra, vào bến.
Công an tỉnh hỗ trợ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng xử lý các trường hợp tàu cá vi phạm quy định của pháp luật liên quan đến thiết bị giám sát hành trình, khai thác thủy sản vi phạm.
UBND cấp huyện truy cập hệ thống giám sát hành trình tàu cá và theo dõi hoạt động của tàu cá trên địa bàn, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan trong xử lý tàu cá vi phạm theo quy định của pháp luật. Cùng đó, chỉ đạo UBND cấp xã trong việc theo dõi, cảnh báo chủ tàu đối với các trường hợp tàu khai thác trên biển bị mất tín hiệu; đề xuất các biện pháp ngăn chặn tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài theo nội dung quy chế này.
Theo UBND tỉnh Bến Tre, thời gian qua, tỉnh luôn xác định việc phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) là nhiệm vụ chính trị trọng tâm nhằm khắc phục “tình trạng thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC). Đến nay, tỉnh có 98% số tàu trong diện lắp đặt đã lắp đạt thiết bị giám sát hành trình.
Tính đến đầu tháng 8/2022, việc quản lý tàu cá trên địa bàn tỉnh Bến Tre được thực hiện bài bản, nề nếp hơn. Chi cục Thủy sản đã thực hiện đăng kiểm, đánh dấu 1.838 chiếc tàu, đạt 70,83%; cấp giấy an toàn thực phẩm 1.699, đạt 82,4% và cấp giấy phép khai thác 2.294, đạt trên 60%.
Theo CÔNG TRÍ (TTXVN)