Dự án Xây dựng và phát triển mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại vùng ven biển xã Thừa Đức, huyện Bình Đại. Ảnh: Trung Hiếu
Một số kết quả bước đầu
Toàn tỉnh hiện có 24 ĐT. Riêng 3 huyện ven biển, tổng diện tích xây dựng ĐT khoảng 1.795ha, mật độ dân cư ĐT khoảng 1.656 người/km². Qua kết quả giám sát của HĐND tỉnh, hiện huyện Bình Đại có 1 ĐT loại IV (thị trấn Bình Đại) và 2 ĐT loại V (Lộc Thuận, Châu Hưng); huyện Ba Tri có 1 ĐT loại IV (thị trấn Ba Tri) và 4 ĐT loại V (An Ngãi Trung, An Thủy (thị trấn Tiệm Tôm), Tân Xuân, Mỹ Chánh); huyện Thạnh Phú có 2 ĐT loại V (thị trấn Thạnh Phú, Giao Thạnh). Việc huy động các nguồn lực và bố trí nguồn vốn để đầu tư, nâng cấp, chỉnh trang ĐT, đã làm cho diện mạo kinh tế - xã hội của địa phương có sự chuyển biến rõ nét.
Tỷ lệ ĐT hóa khu vực 3 huyện biển khoảng 22%, đạt 68,75% so với chỉ tiêu Nghị quyết số 04-NQ/TU đến năm 2025. Trong đó, huyện Thạnh Phú có tỷ lệ ĐT hóa thấp nhất (14,8%). Các công tác về quy hoạch ĐT, lộ trình nâng cấp ĐT cũng đã được chính quyền địa phương và ngành chức năng triển khai, phối hợp tuyên truyền, nhằm tạo sự đồng thuận trong huy động nguồn lực đầu tư phát triển ĐT theo Nghị quyết của Tỉnh ủy. Các nhà đầu tư, doanh nghiệp được hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi triển khai các công trình, dự án (DA) trên địa bàn.
Đối với phát triển DL của 3 huyện biển, thời gian qua cũng có bước phát triển, thu hút sự quan tâm của khách DL. Trên địa bàn 3 huyện biển, có 1 khu DL cấp tỉnh, 2 điểm DL đã được công nhận, 16 điểm đến tham quan DL, 22 cơ sở lưu trú DL đủ điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ khách DL và nhiều điểm đến đang từng bước hoàn thiện để đưa vào phục vụ DL. Các loại hình DL ở đây chủ yếu như: DL biển, DL sinh thái trải nghiệm, DL văn hóa - lịch sử; DL nông nghiệp, DL gắn với tham quan làng nghề, DL gắn với tham quan các DA năng lượng, điện gió…
Theo thống kê, trong 2 năm (2021 - 2022), tổng lượng khách DL đến các huyện biển ước đạt 825 ngàn lượt, tổng thu từ khách DL ước đạt 905 tỷ đồng. UBND tỉnh đã và đang triển khai các DA đầu tư xây dựng, nâng cấp các tuyến đường, xây dựng các bến thủy nội địa phục vụ nhu cầu các bến tàu DL, hoàn thành công trình bờ kè chống sạt lở, hệ thống điện và nước sạch được phủ kín khắp các huyện biển. Đồng thời, tại các cơ sở kinh doanh DL đều có mạng Internet, wifi đảm bảo thông tin truyền thông và phục vụ nhu cầu của khách DL.
Công tác tuyên truyền về vị trí, vai trò, định hướng phát triển DL của tỉnh, trong đó có định hướng phát triển DL biển được quan tâm, mời gọi đầu tư, phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật các huyện biển. Việc ứng dụng chuyển đổi số trên lĩnh vực DL bước đầu phát huy hiệu quả, nhất là trong quản lý nhà nước, giới thiệu, quảng bá, mời gọi đầu tư. Công tác truyền thông, quảng bá và xúc tiến DL được triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức; tích cực thực hiện các giải pháp phục hồi hoạt động DL sau ảnh hưởng dịch Covid-19.
Tiến độ còn chậm
Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU còn chậm so với tiến độ đề ra. Theo kết quả giám sát của HĐND tỉnh, có 1 nội dung hoàn thành, còn lại 8 nội dung đang triển khai thực hiện. Nguyên nhân do thiếu nguồn vốn để thực hiện các tiêu chí cứng, vốn cho điều chỉnh, bổ sung quy hoạch và đầu tư xây dựng phát triển ĐT, thiếu quỹ đất để phát triển ĐT cũng như chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng cao. Công tác huy động các nguồn lực từ các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh tham gia đầu tư và phát triển ĐT chưa đạt yêu cầu.
Một góc khu đô thị Việt Sinh - An Bình, huyện Ba Tri. Ảnh: Thanh Đồng
Bên cạnh đó, việc khai thác, phát triển DL tại các huyện biển chưa tương xứng với tiềm năng hiện có; phát triển DL nhiều nơi còn mang tính tự phát. Việc mời gọi đầu tư các DA phát triển DL và khai thác tiềm năng về DL nhiều nơi chưa thực hiện được. Cụ thể, DA khu DL sinh thái biển Thừa Đức, DA nông nghiệp và DL cồn Phú Long, xã Phú Long (Bình Đại) chưa được triển khai thực hiện do chưa được phê duyệt giá đất để tổ chức đấu thầu. Việc mời gọi đầu tư DA phát triển DL tại các điểm DL Cồn Ngoài (xã Bảo Thuận), Cồn Hố (xã An Thủy); DA Thiền viện Trúc Lâm (xã Bảo Thuận) còn chậm do vướng về thủ tục đất đai, quy định về quản lý đất rừng phòng hộ, đất bãi bồi ven sông. DA Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích đường Hồ Chí Minh trên biển chưa có phương án khai thác. Đội ngũ cán bộ quản lý, làm công tác DL yếu, thiếu. Công trình hiện đang xuống cấp nhưng thiếu nguồn kinh phí duy tu, bảo dưỡng hàng năm. Hạ tầng giao thông, dịch vụ, sản phẩm DL chưa đáp ứng yêu cầu mở rộng quy mô, thu hút khách DL và tạo điểm nhấn cho DL biển...
Từ kết quả giám sát, Đoàn giám sát HĐND tỉnh kiến nghị, UBND tỉnh cân đối nguồn lực thực hiện để sớm công nhận các ĐT loại V, xây dựng các tiêu chí ĐT loại III, ĐT loại IV theo tiến độ đề ra trong nghị quyết. Cần có sự thống nhất định hướng phân chia, sắp xếp các đơn vị hành chính ĐT, nhằm tạo sự đồng bộ trong quá trình triển khai thực hiện các quy trình có liên quan đến công tác phân loại ĐT cũng như thành lập đơn vị hành chính ĐT theo phân loại. Quan tâm bố trí vốn để đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải ĐT, nhằm đảm bảo đến năm 2025 chỉ tiêu về nước thải được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn quy định. Các huyện cần được hỗ trợ về vốn thực hiện các tiêu chuẩn cứng trong phát triển ĐT. Đồng thời, cấp huyện cần chủ động thực hiện các tiêu chuẩn ĐT đạt thấp hoặc còn nợ và nâng chất các tiêu chuẩn đã đạt. Khẩn trương xây dựng quy hoạch vùng huyện và điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng ĐT phù hợp với quy hoạch của tỉnh. Tập trung giải ngân vốn đầu tư công, nhất là nguồn vốn đầu tư hạ tầng và nâng cấp ĐT.
Sau các chuyến khảo sát thực tế tại các huyện, thành phố, đoàn giám sát HĐND tỉnh kiến nghị: Đối với phát triển DL 3 huyện biển, cần sớm có danh mục ưu tiên mời gọi đầu tư cũng như Đề án Phát triển DL sinh thái nghỉ dưỡng trong rừng. Có giải pháp đầu tư công trình chống sạt lở kết hợp hạ tầng phát triển DL. Chú trọng công tác bồi dưỡng nguồn nhân lực làm DL, tổ chức lại các tour, tuyến DL và nâng cao chất lượng dịch vụ gắn với phát huy các giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa con người Bến Tre. Cần định hướng cho người dân làm DL theo quy hoạch. Đa dạng hóa loại hình DL gắn với thế mạnh của địa phương. Xây dựng các sản phẩm DL đặc trưng, đặc sản gắn với sản phẩm OCOP của tỉnh. Mạnh dạn mời gọi nhà đầu tư lớn, có năng lực để đầu tư, khai thác các DA DL trọng điểm, tạo điểm nhấn về DL của địa phương và ứng dụng rộng rãi chuyển đổi số trong công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến DL.
Theo THANH ĐỒNG (Báo Đồng Khởi)