Bến Tre: Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2022 của tỉnh đạt khá

01/07/2022 - 14:03

6 tháng đầu năm 2022, GRDP ước tăng 3,83% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực công nghiệp (CN) - xây dựng và khu vực dịch vụ phục hồi khá tốt sau đợt dịch Covid-19. Đây là số liệu công bố chính thức của Tổng cục Thống kê. Tuy nhiên, với mức tăng trưởng này, Bến Tre xếp thứ 55 so với cả nước và xếp thứ 11 của đồng bằng sông Cửu Long (đồng hạng với tỉnh Đồng Tháp). Đồng thời, Bến Tre rất khó để đạt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế của năm 2022 (từ 8 - 8,5%).

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh và lãnh đạo Sở Công Thương tham quan gian hàng sầu riêng Cô Thinh, Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Phú (Châu Thành).

Kinh tế phục hồi

Theo Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Nguyễn Tiến Dũng, trong 3 tháng đầu năm 2022, kinh tế của tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn do còn chịu ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch Covid-19. Sang quý II-2022, dịch bệnh được kiểm soát rất tốt. Kinh tế phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt là ở khu vực dịch vụ, CN - xây dựng. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý II-2022 tăng 6,45%, trong đó khu vực dịch vụ đạt mức tăng trưởng cao nhất 8,48%, kế đến khu vực CN - xây dựng tăng 6,68%, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,54%. Nhờ đó, kết quả 6 tháng đầu năm 2022 ước tăng 3,83%.

Khu vực CN và xây dựng đạt mức tăng trưởng 5,5%. Khu vực dịch vụ đạt mức tăng trưởng 5,55%. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng trưởng 1,38%. Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đạt mức tăng trưởng 0,29%. Quy mô GRDP 6 tháng đầu năm 2022 theo giá hiện hành đạt 29.387 tỷ đồng, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm tỷ trọng 35,97%; khu vực CN - xây dựng chiếm tỷ trọng 19,51%; khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 40,71%.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm 2022 tăng 2,57% so  với cùng kỳ. Tăng cao nhất là nhóm giao thông, với mức tăng 19,85% do điều chỉnh giá xăng dầu. Kế đến là nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 6,71%. Nhóm đồ uống, thuốc lá tăng 3,32%. Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,55%... Có 3 nhóm hàng có chỉ số giá giảm: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,65%; nhóm bưu chính và viễn thông giảm 0,33%; nhóm văn hóa giải trí và du lịch giảm không đáng kể 0,01%...

Theo nhận định chung của Cục Thống kê tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh có chuyển biến rất tích cực. Đặc biệt, trong quý II-2022, dịch Covid-19 đang được kiểm soát tốt, nhiều hoạt động kinh tế nhộn nhịp trở lại. Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và kim ngạch xuất khẩu tăng khá. Hoạt động du lịch đã phục hồi. Lượng khách và doanh thu tăng mạnh. Hoạt động vận tải phục hồi nhanh. Tất cả các tuyến vận tải khách cố định liên tỉnh đã hoạt động trở lại. Dư nợ tín dụng tăng trưởng cao. Hoạt động trong các khu, cụm CN được duy trì, gắn với thực hiện nghiêm túc các giải pháp phòng, chống dịch bệnh. Nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu các cơ hội hợp tác đầu tư. Số doanh nghiệp (DN) thành lập mới tăng cao so với cùng kỳ. Hầu hết các DN đã cơ bản ổn định sản xuất.

Đề xuất giải pháp

Tăng trưởng kinh tế của tỉnh xếp thứ 55 so với cả nước và xếp thứ 11 của đồng bằng sông Cửu Long (đồng hạng 11 với Đồng Tháp). Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Nguyễn Tiến Dũng dự báo, để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 2022 từ 8 - 8,5% thì trong 6 tháng cuối năm 2022, tỉnh phải tăng trưởng bứt phá khoảng 15%...

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Văn Thắm cho rằng, hiện nay, việc cập nhật số liệu thống kê từ phía Tổng cục Thống kê còn khá nhiều số liệu chưa sát hoặc rất thấp so với thực tế tại tỉnh. Ví dụ, ở các lĩnh vực cây ăn trái, hoa kiểng, cây giống, chăn nuôi… Do đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị Cục Thống kê tỉnh kịp thời đề xuất, tham mưu để cập nhật số liệu mới đúng với mức phát triển thực tế của tỉnh trong thời gian tới.

Trước tình hình trên, Cục Thống kê tỉnh đã đề xuất một số giải pháp 6 tháng cuối năm 2022. Trong đó, các ngành, các cấp cần nâng cao hiệu quả thực hiện kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới. Triển khai Chương trình hỗ trợ nông dân xây dựng các vùng sản xuất nông sản chuyên canh theo tiêu chuẩn. Tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch. Vận động và hỗ trợ kỹ thuật để phát triển mô hình nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ cao. Tăng cường thu hút đầu tư các nhà máy chế biến thủy sản để nâng cao giá trị gia tăng. Hỗ trợ DN tăng cường liên kết chuỗi giá trị ngành hàng, nhất là nông sản, thủy sản.

Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng dự án đầu tư cơ sở hạ tầng Khu CN Phú Thuận để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp. Tập trung triển khai phát triển các cụm CN trên địa bàn các huyện, thành phố. Kêu gọi, hoàn thành việc lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật Cụm CN An Hòa Tây, huyện Ba Tri và Cụm CN Phú Hưng, TP. Bến Tre.

Thực hiện tốt các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường; hỗ trợ kết nối DN với DN, DN với thị trường để thúc đẩy chuỗi giá trị nông sản chủ lực của tỉnh. Điều hành ngân sách nhà nước chủ động, linh hoạt, hiệu quả và chống thất thu thuế. Nuôi dưỡng và phát triển nguồn thu mới. Quản lý chặt chẽ chi ngân sách, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả. Có cơ chế điều chỉnh linh hoạt giữa các nhiệm vụ, khoản mục chi.

Hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh mở rộng tín dụng an toàn, hiệu quả. Triển khai chiến lược tài chính toàn diện. Tập trung vào sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, các công trình, dự án trọng điểm, lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh, góp phần xây dựng nông thôn mới, xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với phát triển chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Tăng cường công tác đảm bảo an ninh trên các lĩnh vực, giữ vững ổn định chính trị trong mọi tình huống, nhất là bảo đảm an ninh trật tự phục vụ quá trình triển khai thực hiện các công trình, dự án của tỉnh. Đặc biệt, triển khai 11 công trình, dự án trọng điểm được xác định trong nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Theo Báo Đồng Khởi