Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam (hàng đầu, thứ 2 phải sang) ký kết hợp tác về đào tạo, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2024 - 2030.
Nhiều chính sách hỗ trợ nông nghiệp
Tỉnh luôn xác định phát triển nông nghiệp, nông dân và xây dựng NTM vừa là mục tiêu, yêu cầu của phát triển bền vững, vừa là nhiệm vụ cấp bách của địa phương. Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Đoàn Văn Đảnh, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã khuyến khích, vận động nhân dân tổ chức sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên cơ sở quy hoạch tỉnh, kế hoạch sử dụng đất nông nghiệp phù hợp lợi thế của địa phương, sinh thái vùng, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn được quan tâm triển khai thực hiện. Trên cơ sở Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn của Chính phủ ngày 17-4-2018, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND về chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Các nội dung hỗ trợ thiết thực như hỗ trợ thông tin, thủ tục hưởng ưu đãi; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ kinh phí thuê tổ chức đánh giá để được tái cấp giấy chứng nhận sản phẩm an toàn lần thứ nhất là 50% và lần thứ hai là 25%; hỗ trợ đầu tư đối với vùng sản xuất rau, quả an toàn theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP); hỗ trợ thu hút nguồn lực đầu tư trong nuôi trồng thủy sản; hỗ trợ thu hút nguồn lực đầu tư trong chăn nuôi an toàn sinh học.
Thực hiện chính sách về hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5-7-2018 của Chính phủ, HĐND tỉnh đã có Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐND ngày 3-7-2019 và Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Năm 2024, HĐND tỉnh tiếp tục ban hành Nghị quyết số 03/2024/NQ-HĐND về quy định chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị đối với dự án, kế hoạch liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh. Theo chính sách này, hiện tỉnh có hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Tân Phú, xã Tân Phú, huyện Châu Thành đã được UBND tỉnh phê duyệt dự án liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm sầu riêng tươi, với tổng kinh phí trên 2 tỷ đồng, trong đó kinh phí Nhà nước hỗ trợ trên 46%. Sở cũng đang tiếp tục thẩm định để hỗ trợ đối với HTX Nông nghiệp Thới Thạnh, xã Thới Thạnh, huyện Thạnh Phú đối với sản phẩm gà nòi.
Giám đốc Sở NN&PTNT Đoàn Văn Đảnh cho biết: Hiện nay tỉnh đang tập trung triển khai xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 88 tổ hợp tác (THT), 78 HTX, 4 tổ liên kết tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Điển hình trong chuỗi dừa, ngành nông nghiệp đã tập trung hỗ trợ tư vấn kỹ thuật canh tác, kỹ thuật ủ phân hữu cơ; hỗ trợ liên kết đầu vào, đầu ra; triển khai xây dựng các mô hình nuôi thiên địch trên vườn dừa (ong ký sinh, bọ đuôi kìm) góp phần xây dựng thành công mô hình điểm, nhằm tuyên truyền, khuyến khích cộng đồng về lợi ích việc xây dựng vùng sản xuất tập trung.
Trong chuỗi tôm, ngành đã tập trung phát triển vùng sản xuất tập trung tại 3 huyện: Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú. Trong 4 năm qua đã phát triển thêm 1.509ha nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, lũy kế đến nay đã phát triển 3.509ha nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Hình thành vùng nuôi tôm tập trung tại huyện Ba Tri quy mô 222ha, với 5 doanh nghiệp đầu tư; huyện Thạnh Phú quy mô 165ha/8 hộ dân, doanh nghiệp đầu tư; huyện Bình Đại tiếp tục khuyến khích phát triển 150ha tập trung tại 2 xã Thạnh Phước, Đại Hòa Lộc…
Ứng dụng khoa học và công nghệ
Thời gian qua, tỉnh đã tập trung đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và nhân rộng thành tựu khoa học và công nghệ trong nông nghiệp trên từng lĩnh vực. Trong đó, ở lĩnh vực cây ăn trái đã nghiên cứu thành công 5 quy trình chế biến các sản phẩm từ bưởi da xanh tỉnh; nghiên cứu quy trình sử dụng chế phẩm sinh học phòng trừ sâu đục thân trên cây xoài tỉnh; đã điều tra, nghiên cứu xác định được thành phần nhóm loài rầy xanh gây hại trên cây sầu riêng tại tỉnh; nghiên cứu, xác định nguyên nhân thối hoa, rụng quả non cây chôm chôm và biện pháp phòng chống có hiệu quả tại tỉnh; nghiên cứu bảo tồn và phân tích nguồn gen cây sầu riêng tỉnh; đã xây dựng thành công 3 mô hình thâm canh xoài tứ quý, giai đoạn kinh doanh trái theo tiêu chuẩn VietGAP.
Trong lĩnh vực thủy sản, đã thiết kế, chế tạo được hệ thống xếp dỡ hàng hóa tại cảng Bình Đại; nghiên cứu và thực nghiệm thành công các mô hình nuôi tôm càng xanh thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng tại huyện Thạnh Phú; nghiên cứu sản xuất nhân tạo giống cua biển trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu bảo tồn nguồn gen các loài tôm bản địa và có giá trị ở các thủy vực tỉnh; nghiên cứu đa dạng hóa sản phẩm nâng cao giá trị từ con tôm ở tỉnh; đề tài về hiện trạng nguồn giống cá bông lau tự nhiên, cá bố mẹ và nghề nuôi cá bông lau trên địa bàn tỉnh; triển khai ứng dụng Map4D GIS Platform cho việc số hóa, quản lý nuôi tôm công nghệ cao…
Về tạo lập, phát triển tài sản trí tuệ, hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu tập thể cho 16 HTX nông nghiệp; xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “Bến Tre” và tạo lập quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu chứng nhận mang chỉ dẫn địa lý “Bến Tre”, “Cái Mơn” cho các sản phẩm nông nghiệp.
Để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, tỉnh đã tập trung việc áp dụng khoa học và công nghệ một cách tích cực. Điều này được thực hiện thông qua việc hỗ trợ và hướng dẫn các nông dân về việc áp dụng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng như GAP, hữu cơ, cũng như việc xây dựng sản phẩm OCOP, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và cấp mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói cho các sản phẩm chính của tỉnh.
Toàn tỉnh hiện có 26.470ha sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, GAP và tương đương; bao gồm: dừa (20.401ha), cây ăn trái (664ha) và thủy sản (5.405ha). Có 24 mã số vùng trồng nội địa với diện tích là 640,52ha; 62 vùng trồng xuất khẩu (có 152 mã) với diện tích 1.054,93ha ; có 6 doanh nghiệp được cấp mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu sang các thị trường như Hoa Kỳ, New Zealand, châu Âu, Trung Quốc, Thái Lan... - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đoàn Văn Đảnh
Theo CẨM TRÚC (Báo Đồng Khởi)