Bến Tre: Thêm 2 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh

05/12/2022 - 10:21

Cuối tháng 11-2022, UBND tỉnh có quyết định công nhận thêm 2 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, gồm: đình An Bình Đông, thị trấn Ba Tri, huyện Ba Tri và Căn cứ điều trị, chăm sóc thương binh của tỉnh Long An trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, xã Thừa Đức, huyện Bình Đại.

\Một góc đình An Bình Đông, thị trấn Ba Tri. Ảnh: Hữu Phước

Mái đình trăm năm An Bình Đông

Theo ghi chép từ các tài liệu, nguồn gốc đình An Bình Đông hiện vẫn còn nhiều nghiên cứu. Theo trí nhớ của các vị lão niên từng được nghe và gắn bó với đình thì người hiến đất xây đình An Bình Đông là ông Thái Hữu Kiểm (tức ông già Ba Tri). Phỏng đoán đình được xây dựng sau năm 1820 và trước năm 1834, niên đại của đình có thể đã hơn 188 năm. Bên cạnh niên đại lâu đời, đình An Bình Đông còn là nhân chứng lịch sử quan trọng gắn với tên tuổi các danh nhân đất Ba Tri là nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, Đốc binh Phan Ngọc Tòng và anh em Phan Liêm, Phan Tôn. Đình An Bình Đông cũng như các đình khác ở khu vực Nam Bộ lúc bấy giờ được xem là ngôi nhà chung của cả làng, hoặc có thể hiểu là nơi sinh hoạt cộng đồng. Tại ngôi đình An Bình Đông đã diễn ra cuộc kêu gọi khởi nghĩa chống Pháp do Đốc binh Phan Ngọc Tòng lãnh đạo vào năm 1867.

Đốc binh Phan Ngọc Tòng vốn là hương giáo làng An Bình Đông, ngày 16-11-1867, ông cùng nghĩa quân chống Pháp đã chiến đấu anh dũng và hy sinh ở trận tập kích tại Gò Trụi (nay thuộc Giồng Gạch, xã An Hiệp, huyện Ba Tri). Lúc đó, di hài của ông được an táng phía sau đình làng An Bình Đông. Cho đến ngày 12-4-2007, hài cốt ông được cải táng về địa danh Gò Trụi, ấp Giồng Gạch, xã An Hiệp.

Cũng liên quan đến ngôi đình này, tương truyền khi cụ Nguyễn Đình Chiểu về thôn An Bình Đông định cư và xin mở trường học thì ông Phan Ngọc Tòng đã giúp đỡ cho cụ và hai người kết mối thâm giao. Cụ Nguyễn Đình Chiểu cũng là người cố vấn cho hai ông Phan Liêm, Phan Tôn cùng Đốc binh Phan Ngọc Tòng khởi nghĩa đánh giặc. Cuộc họp chuẩn bị cho khởi nghĩa vào tháng 11-1867 diễn ra tại đình An Bình Đông đã có sự hiện diện của cụ Nguyễn Đình Chiểu, góp phần tăng thêm lòng tin cho nghĩa quân và nhân dân địa phương.

Đình An Bình Đông với bề dày lịch sử hơn trăm năm đã chứng kiến thăng trầm lịch sử hình thành vùng đất Ba Tri. Mái đình đã gắn bó với gốc tích và sự hiện hữu của làng An Bình Đông (thị trấn Ba Tri ngày nay). Ngôi đình đã chứng kiến sự kiện lịch sử quan trọng của tỉnh, gắn liền với tên tuổi của những danh nhân địa phương. Tại ngôi đình, tầm ảnh hưởng của cụ Nguyễn Đình Chiểu, uy tín của Đốc binh Phan Ngọc Tòng và tinh thần anh dũng của anh em họ Phan đã thắp lên ngọn lửa đấu tranh cho nghĩa quân và nhân dân Ba Tri lúc bấy giờ.

Việc thờ cúng tín ngưỡng tại đình An Bình Đông là công việc thường niên của đình cũng như người dân địa phương. Sinh hoạt tín ngưỡng ở đây thể hiện lòng tri ân các vị tiền nhân khai khẩn, các bậc hậu hiền khai cơ. Các lệ cúng trong năm, gồm: Hạ điền (16, 17 tháng Ba âm lịch), Thượng điền (16, 17 tháng 11 âm lịch), Thượng ngươn (15 tháng Giêng âm lịch), Trung ngươn (15 tháng Bảy âm lịch), Hạ ngươn (15 tháng Mười âm lịch).

Căn cứ điều trị chăm sóc thương binh Long An ở Thừa Đức

Sau chiến dịch Mậu Thân 1968, địch trả thù quyết liệt khắp các chiến trường miền Nam. Các đơn vị vũ trang của ta liên tục tác chiến, thương vong rất nhiều, trạm quân y tiền phương đầy ắp thương binh. Vùng căn cứ cách mạng tỉnh Long An bị địch tăng cường càn quét. Các trạm xá quân y của ta ở Tân Trụ, Châu Thành, Cần Đước liên tục bị đánh phá làm gia tăng thương vong. Không thể bám trụ, quân y Long An phải xây dựng cơ sở ngoài địa bàn để chăm sóc thương binh.

Nhà bia lưu niệm tại di tích Căn cứ điều trị, chăm sóc thương binh của tỉnh Long An trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, xã Thừa Đức, huyện Bình Đại. Ảnh: Hữu Nghĩa

Thừa Đức, huyện Bình Đại là vùng đất rừng ngập mặn ven biển, rừng mọc um tùm, là địa hình lý tưởng để an dưỡng thương binh. Hơn nữa, cư dân ở đây thưa thớt, sống chủ yếu ven biển, bìa rừng lại có truyền thống cách mạng, nhiệt tình giúp đỡ bộ đội. Xét về địa lý, khu vực này xa Sài Gòn nhưng lại gần Long An, là nơi nhiều cơ quan của ta và tỉnh bạn đứng chân hoạt động thường xuyên, bám đất, bám dân để lãnh đạo phong trào cách mạng. Nhiều cơ quan của ta khi đó đã từng ở nơi đây như: Tỉnh ủy Bến Tre, Huyện ủy Bình Đại, Nhà in Chiến Thắng, Trường Đảng tỉnh, Trường Huấn luyện đặc công và Bến tiếp nhận vũ khí, các cơ quan của tỉnh Gò Công, an dưỡng Gò Công, Tỉnh ủy và quân y Long An.

Từ tháng 2-1970, Tỉnh ủy và Quân y Long An chọn xã Thừa Đức, huyện Bình Đại làm căn cứ điều trị cho hơn 120 thương binh. Được Đảng bộ và nhân dân địa phương tận tình chăm sóc, nuôi dưỡng, nhiều thương binh hồi phục sức khỏe trở về Long An tiếp tục chiến đấu. Còn 13 thương binh nặng ở lại được nhân dân Thừa Đức chăm sóc cho đến ngày miền Nam giải phóng 30-4-1975.

Quá trình vận chuyển cũng như che giấu, chăm sóc cho hơn 120 thương binh trong giai đoạn chiến tranh ác liệt là chiến công đã đi vào huyền thoại của những người lính quân y. Nhiều lần quân địch cùng tay sai càn vào căn cứ hòng phá hủy nhưng chúng đã bị lực lượng của ta chống trả quyết liệt. Sự đoàn kết của quân và dân đã chặn đứng cuộc tấn công của địch, bảo vệ an toàn cho căn cứ.

Di tích thể hiện tình đoàn kết, gắn bó giữa quân và dân tỉnh Long An với xã Thừa Đức, huyện Bình Đại trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng. Đồng thời, nơi đây còn ghi nhớ công lao và sự hy sinh của thế hệ cha anh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của thế hệ hôm nay đối với những người đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Tại địa điểm trước đây là căn cứ điều trị, năm 2017, UBND tỉnh Long An đã tài trợ kinh phí xây dựng nhà bia lưu niệm. Riêng cổng rào xây dựng năm 2019 nhằm tri ân tình nghĩa của nhân dân Bình Đại đã bảo vệ, nuôi nấng thương binh tỉnh Long An. Hiện địa điểm đang được giao cho UBND xã Thừa Đức quản lý, thường xuyên dọn dẹp vệ sinh, trồng hoa kiểng tạo mỹ quan, là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ địa phương.

Theo TRIỀU DƯƠNG (Báo Đồng Khởi)