Sản xuất kẹo dừa xuất khẩu. Ảnh: H. Phương
Thực hiện tốt các chính sách liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn như chính sách tín dụng; chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất; chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn... Xây dựng và quản lý nhãn hiệu, thị trường, quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm… Thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất cây công nghiệp chủ lực theo hướng xã hội hóa, chủ yếu là vốn của doanh nghiệp và người dân.
Thúc đẩy phối hợp liên ngành, liên địa phương trong xây dựng mô hình, giải pháp kinh tế tuần hoàn (KTTH) với ngành dừa: Các giải pháp KTTH liên kết giữa các ngành kinh tế như giữa nông nghiệp - công nghiệp - văn hóa, du lịch. Các giải pháp mô hình KTTH gắn kết địa phương dừa tỉnh và tỉnh Trà Vinh trong việc xây dựng các vùng nguyên liệu, trung tâm chế biến tạo giá trị gia tăng hoặc với trung tâm dịch vụ TP. Hồ Chí Minh trong phân phối, tiêu thụ đối với sản phẩm dừa.
Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Quang Đức, tỉnh sẽ tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu dừa thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử, các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới. Xúc tiến mời gọi đầu tư các dự án chế biến sâu, đa dạng hóa các sản phẩm giá trị gia tăng cao, có hàm lượng khoa học công nghệ tham gia tốt vào chuỗi sản xuất - cung ứng toàn cầu, áp dụng rộng rãi công nghệ thông tin, kỹ thuật hiện đại trong quản lý và sản xuất; đẩy mạnh công tác xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, nhằm tăng cường quảng bá ngành hàng dừa của tỉnh trên thị trường quốc tế. Tập trung xây dựng hệ sinh thái doanh nghiệp đủ mạnh, chủ động tham gia vào chuỗi giá trị dừa, giữ vai trò hạt nhân kết nối thị trường; chia sẻ lợi ích, rủi ro giữa các tác nhân trong chuỗi. Phát triển KTTH, khai thác tối đa giá trị giữa sản xuất cây công nghiệp chủ lực với văn hóa, du lịch và dịch vụ. Xây dựng mô hình kiểu mẫu về chuỗi liên kết khép kín từ đầu vào đến đầu ra, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật chuyển hóa phế phẩm, phụ phẩm của công đoạn này thành nguyên liệu đầu vào của công đoạn kia giúp tận thu tối đa phế phẩm, giảm ô nhiễm, đồng thời tạo giá trị gia tăng trong sản xuất.
Theo H.PHƯƠNG (Báo Đồng Khởi)