Bếp hồng bánh quê

09/05/2023 - 09:08

Miền quê ngày càng phát triển với đường sá thông thoáng, nhà cửa khang trang, thu nhập dần cao, trình độ dân trí từng bước được nâng lên. Hồn quê vẫn đậm đà bản sắc truyền thống được tích lũy, kế thừa các giá trị tốt đẹp qua bao thế hệ. Hương vị bánh dân gian len lỏi vào tiềm thức, nhắc nhớ tuổi thơ xưa và đánh động vào xúc cảm của người trẻ bằng tấm lòng, sự khéo tay, duyên dáng của người làm bánh.

A A

Những năm gần đây, các hội thi nấu ăn, đặc biệt là bánh dân gian được tổ chức nhiều nơi với quy mô lớn nhỏ khác nhau. Là dịp để mọi người thể hiện năng khiếu, học hỏi lẫn nhau, kết thêm tình cảm. Để được miếng bánh thơm ngon, đúng vị, cần sự tìm hiểu, chăm chút, dành trọn tâm tư.

Bỗng nhiên nhớ về thuở nhỏ, chái bếp sau hè khói phả từng đợt, mẹ nheo nheo mắt dụi bớt đám củi đang chụm đầu lách tách ánh lửa, đảo nồi bánh canh sôi nổi bong bóng, thả thêm tô hến bắt ở mé sông đầy chà cây, đã tách vỏ, trắng phếu, no căng. Lũ con lâu lâu lại ngó vào, háo hức hỏi mẹ bánh đã chín chưa. Nhìn các cô, các chị trong dáng bà ba tươm tất, tôi lật trang đời mình, mở ký ức về mẹ. Dẫu tay mẹ gầy guộc, nhăn nheo, dẫu quần đen thun lại ống thấp, ống cao, áo sờn cũ xẻ tà có hai túi phía trước có khi bỏ nhúm ớt, vài gói mứt chuối cho con, nhưng đó là nét quê, hồn quê chắt chiu từ lòng mẹ.

Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ lần thứ X/2023, diễn ra tại TP Cần Thơ từ ngày 28/4-2/5, với chủ đề “Bảo tồn và phát huy giá trị Bánh dân gian Nam Bộ”.

Đặc sắc của bánh dân gian là gợi nhớ về nguồn cội. Cái hay của bánh dân gian là đánh thức mọi giác quan của người thưởng thức. Từ tên gọi đã cho ta cảm giác xôn xao bởi sự đa dạng, nào là bánh xèo, bánh bò, bánh da lợn, bánh lá, bánh ít, bánh ú, bánh tét... Mỗi loại bánh có cách chế biến riêng và là thế mạnh của từng địa phương. Ví dụ như bánh xèo thơm ngát sông nước miền tây. Bánh pía Sóc Trăng trở thành thương hiệu. Bánh bò của nghệ nhân người Chăm tạo dấu ấn cho vùng đất An Giang tinh thần hòa hợp dân tộc...

Không riêng gì các ngày lễ hội bánh dân gian, mà các nia bánh được bán ở chợ, đặc biệt là món bánh trong ngày sum họp gia đình luôn đầy ắp tình thương thơm thảo. Bằng nhiều cách dẫn dắt, cha mẹ đã kể cho con cái nghe về ngày xưa, thuở mừng rơn chạy chân đất mừng bánh mẹ đi chợ về, lâu lâu mới được ăn bánh sau bao bận thèm thuồng. Để con nếm vị bánh, nhớ tên gọi bánh, nhớ ơn người làm bánh và tập tành khéo tay hay làm, để các món bánh dân gian song hành cùng nhịp sống hiện đại. Như thể tình bánh, tình quê hòa quyện vào hơi thở, tâm tư, văn hóa của con người từ ngàn xưa cho đến mai sau.

Đa dạng sắc màu của các loại bánh dân gian.

Đa dạng sắc màu của các loại bánh dân gian.

Cậu sáu Mỹ (quê xã Thanh Bình, huyện Vũng Liêm) châm thêm nước vào nồi bánh tét dậy mùi nếp, cười chia sẻ: “Dịp lễ mừng chiến thắng 30/4 năm nay, tụi nhỏ làm việc ở Sài Gòn về. Bà nhà tui lui cui nấu nồi bánh tét cho con về ăn sum họp, cũng tiện gửi con mang đi. Năm nào cũng vậy, không bánh mặn thì cũng bánh lá dừa. Ăn uống đủ thứ nhưng bánh mẹ làm tụi nhỏ quý lắm”.

Tôi thương người dân, yêu quê hương mình lắm qua hương vị bánh dân gian đỏ hồng ánh lửa ấm tình đượm nghĩa.

Theo DIỄM LINH (Báo Vĩnh Long)