Bôrây Sarây Chum - Chùa Khmer giàu truyền thống cách mạng

14/04/2025 - 15:30

Ngôi chùa Phật giáo Nam tông Bôrây Sarây Chum ở ấp 5, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa của đồng bào Khmer, mà còn là nơi giàu truyền thống cách mạng, in đậm dấu ấn của phong trào chống Mỹ cứu nước năm xưa.

Ông Sơn Kích, ở ấp 5, xã Xà Phiên, kể lại những câu chuyện lịch sử đáng tự hào của chùa Bôrây Sarây Chum.

Ông Sơn Kích, ở ấp 5, xã Xà Phiên, là người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer ở địa phương. Lão nông 87 tuổi này được thế hệ sau coi là “nhân chứng sống” khi biết khá rõ về những đóng góp của sư sãi chùa Bôrây Sarây Chum cho cách mạng cách đây hơn nửa thế kỷ.

Theo lời kể của ông Sơn Kích, chùa Bôrây Sarây Chum đã được xây dựng cách đây hơn 300 năm bằng tre, lá, đây là nơi để đồng bào Khmer trong vùng tới sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa.

Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước, sư sãi trong chùa có mối liên hệ mật thiết với tổ chức cách mạng ở địa phương. Các sư sãi và đồng bào Khmer đã cùng nhau đào hầm ngay giữa chánh điện để nuôi giấu cán bộ cách mạng.

Theo lời kể của ông Sơn Kích, căn hầm được đào có chiều dài 12m, ngang 1,5m, chứa được hàng chục người ẩn nấp. Các sư sãi đã dùng các thanh gỗ lớn che chắn cho căn hầm để không bị sập khi trúng phải bom đạn; đồng thời để các bao trấu ở phía trên nhằm ngụy trang qua mắt kẻ thù. Cứ như thế, căn hầm bí mật tại chùa trở thành nơi trú ẩn an toàn cho nhiều chiến sĩ cách mạng.

Cũng theo ông Sơn Kích, các sư trụ trì chùa Bôrây Sarây Chum có lòng yêu nước nồng nàn, một lòng theo cách mạng.

Thời sư Sơn Biện làm trụ trì, ngoài nuôi chứa cán bộ, sư còn thường xuyên mua thuốc men cung cấp cho cách mạng. Có lần chiến sĩ cách mạng hoạt động ở địa phương bị bắt, sư Sơn Biện đã đứng ra bảo vệ. Sư nói với giặc: “Đây là người dân ở địa phương chứ không phải chiến sĩ cách mạng. Mong các ông tha cho”. Nhờ vậy mà cán bộ của ta thoát khỏi sự truy xét của kẻ thù. Khi nuôi chứa chiến sĩ, sư Sơn Biện đã chăm sóc họ như người thân thích.

Trước lúc qua đời, sư Sơn Biện đã căn dặn người kế nhiệm mình là sư Danh Há phải tiếp tục phụng sự cho cách mạng. Sư Danh Há đã làm đúng theo di nguyện ấy, tiếp tục việc nuôi chứa bộ đội. Ông còn tham gia rải truyền đơn cho cách mạng…

Trải qua hơn nửa thế kỷ, dấu tích về sự đóng góp của chùa Bôrây Sarây Chum cho cách mạng đã không còn. Căn hầm bí mật nuôi chứa cán bộ đã được lấp. Trải qua nhiều lần trùng tu, xây dựng mới dưới sự quan tâm đầu tư của Nhà nước và sự đóng góp của các vị sư sãi, đồng bào Khmer ở địa phương, đến nay chùa đã khang trang hơn, gồm chánh điện, sa la, nhà tiếp khách, sân khấu phục vụ cho hoạt động văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt cộng đồng… Trước đây, nhà chùa cũng dành một phần đất bên cạnh nhà tăng lữ để xây 4 phòng học cho điểm Trường Tiểu học Xà Phiên 2, phục vụ việc học tập cho con em trong khu vực.

Sư Danh Xà Mấy, Trụ trì chùa Bôrây Sarây Chum, cho biết: “Thời kỳ chống Mỹ, sư sãi và đồng bào Khmer đã hết lòng tham gia cách mạng, nay mọi người lại cùng cố gắng làm việc, trồng trọt, chăn nuôi để phát triển kinh tế. Chùa trở thành nơi truyền đạt giáo lý nhà Phật, rèn luyện nhân cách cho con em đồng bào Khmer. Nhân dịp đồng bào Khmer đến chùa vào dịp lễ, tết, chúng tôi phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền cho bà con hiểu và chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt là kêu gọi đồng bào hết lòng ủng hộ mọi phong trào thi đua ở địa phương”.

Ông Trần Văn Sơn, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Xà Phiên, cho biết: “Bôrây Sarây Chum là ngôi chùa Khmer giàu truyền thống cách mạng, có nhiều đóng góp trong cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước. Ngày nay, các vị sư sãi của chùa và đồng bào dân tộc Khmer tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước; đoàn kết, sống tốt đời, đẹp đạo, tuân thủ pháp luật; tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua, ra sức lao động sản xuất, kinh doanh; nêu cao ý chí tự lực, vươn lên, xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc, góp phần đưa địa phương ngày càng phát triển”.

Theo Báo Hậu Giang