Cà Mau: Ấn tượng những dự án khởi nghiệp trẻ

29/10/2024 - 16:23

Nhiều mô hình khởi nghiệp gắn liền với nông nghiệp và bảo vệ môi trường đã được các bạn trẻ tại Cà Mau mày mò, tìm tòi và nỗ lực hoàn thiện để tranh tài tại Cuộc thi Khởi nghiệp, trong khuôn khổ Ngày hội Khởi nghiệp tỉnh Cà Mau 2024 (CamaUP’24).

Hầu như các ý tưởng và mô hình khởi nghiệp của các bạn trẻ tại tỉnh có tính khả thi cao, sáng tạo, khai thác các tiềm năng, lợi thế của địa phương và hướng đến tính thân thiện, bảo vệ môi trường. Ðiển hình phải kể đến như: BioSmart - Thùng rác thông minh; Vi sinh Aoxyzyme dành cho ngành thuỷ sản và hồ cá cảnh; Chế phẩm sinh học RM-EM; Chiết xuất rotenone từ cây thuốc cá dùng trong thuỷ sản...

Sáng tạo vì quê hương

Chị Hoàng Diệu My, chủ dự án khởi nghiệp "Prosus - Biến vỏ xoài thành đạm sử dụng ấu trùng ruồi lính đen", cho biết, nguyên nhân khiến chị nỗ lực và kiên trì vì dự án của mình là vì 2 điều. Thứ nhất, mỗi năm Việt Nam lãng phí khoảng 3,9 tỷ đô la lương thực thực phẩm, tương đương 2% GDP; chỉ có khoảng hơn 30% trong số này được tái chế và tái sử dụng. Ðặc biệt, tại đồng bằng sông Cửu Long, mỗi ngày có hàng trăm tấn phế phẩm nông sản và trái cây bị đổ đống hoặc chôn lấp, đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Ngoài ra, thị trường thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam cũng rất lớn nhưng lại phụ thuộc vào hơn 60% bột cá nhập khẩu. Bột cá là một trong những nguyên liệu chính trong thức ăn chăn nuôi, nhưng lại đang gây những tác động tiêu cực đến môi trường do việc khai thác quá mức tài nguyên biển, gây suy giảm nguồn cá tự nhiên và ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển. Ðiều này đã tạo ra áp lực rất lớn, đòi hỏi phải tìm nguồn nguyên liệu đạm thay thế bền vững. Từ hai điều trên, đội ngũ sáng lập Prosus đã nhận thấy, đây là cơ hội để biến những thứ tưởng chừng như vô giá trị này thành tài nguyên có ích, vừa góp phần giảm thiểu ô nhiễm, vừa tạo ra các sản phẩm hữu ích như đạm thay thế và phân bón hữu cơ.

Dự án khởi nghiệp Prosus - Biến vỏ xoài thành đạm sử dụng ấu trùng ruồi lính đen, hướng đến nông nghiệp và môi trường.                      (Ảnh nhân vật cung cấp)

Dự án khởi nghiệp Prosus - Biến vỏ xoài thành đạm sử dụng ấu trùng ruồi lính đen, hướng đến nông nghiệp và môi trường. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Theo chị My, khó khăn lớn nhất mà Prosus gặp phải là vấn đề xử lý phế phẩm nông nghiệp quy mô lớn một cách hiệu quả và đảm bảo tính bền vững trong chuỗi sản xuất. “Ðiều này đòi hỏi sự đầu tư vào công nghệ máy móc, cũng như việc tối ưu hoá quá trình từ xử lý phế phẩm đến sản xuất các sản phẩm giá trị. Bên cạnh đó, thay đổi thói quen và nhận thức của cộng đồng địa phương về kinh tế tuần hoàn và lựa chọn những sản phẩm an toàn với môi trường cũng là một thách thức. Tuy nhiên, thuận lợi lớn nhất của Prosus là sự hỗ trợ từ các chính sách khuyến khích phát triển bền vững, cùng với sự tăng trưởng nhu cầu của thị trường đối với các giải pháp thân thiện với môi trường”, chị My chia sẻ.

Một người trẻ khác cũng bám trụ thực tiễn sản xuất nông nghiệp và nguyên liệu từ địa phương là anh Nguyễn Công Hậu (Ấp 3, xã Tân Lộc Bắc, huyện Thới Bình) với mô hình khởi nghiệp "Chiết xuất rotenone từ cây thuốc cá dùng trong thuỷ sản". Anh thấy rằng, khi nuôi tôm cua, bà con nông dân dùng thuốc cá dây khá vất vả, nên tìm cách chiết xuất hoạt chất từ rễ cây thuốc cá để dễ sử dụng hơn. Khó khăn lớn nhất anh phải đối mặt là kiến thức chuyên môn vì anh chưa qua trường lớp đào tạo bài bản nào. Anh phải tự tìm hiểu từ các nguồn Internet, các mối quan hệ bạn bè; không có người hướng dẫn nên việc thu thập dữ liệu khá nhọc nhằn. Bên cạnh đó, vốn cũng là bài toán khó đối với anh. Anh Hậu chia sẻ: “Dự án này tôi đã ấp ủ, mày mò trong khoảng 2 năm. Ban đầu, tôi chỉ có ý tưởng mà chưa cho ra được sản phẩm. Sau đó, tôi từng bước nghiên cứu, nên quyết tâm làm đến cùng”.

Anh Nguyễn Công Hậu, chủ mô hình Chiết xuất rotenone từ cây thuốc cá dùng trong thuỷ sản trong cuộc thi CamaUP’24.            (Ảnh nhân vật cung cấp)

Anh Nguyễn Công Hậu, chủ mô hình Chiết xuất rotenone từ cây thuốc cá dùng trong thuỷ sản trong cuộc thi CamaUP’24. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Không làm về nông nghiệp nhưng dự án "BioSmart - Thùng rác thông minh" của nhóm bạn trẻ đến từ Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc Cà Mau nhằm hướng đến bảo vệ môi trường, cũng được đánh giá cao về sự sáng tạo và ý nghĩa thực tiễn. Dự án này khởi nguồn từ thực tế Cà Mau và nhiều vùng khác tại Việt Nam đang gặp phải vấn đề lớn về quản lý rác thải hữu cơ. Nhóm bạn trẻ nhận thấy lượng rác thải này không được xử lý đúng cách, gây ô nhiễm và lãng phí tài nguyên. Với mong muốn tạo ra một giải pháp bền vững và thân thiện với môi trường, cả nhóm đã bắt đầu nghiên cứu và phát triển thùng rác thông minh, sử dụng công nghệ AI và IoT để biến rác hữu cơ thành phân bón, góp phần giảm thiểu lượng rác thải.

Các bạn trẻ đến từ Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc Cà Mau miệt mài sáng tạo ra dự án BioSmart - Thùng rác thông minh.       (Ảnh nhân vật cung cấp)

Các bạn trẻ đến từ Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc Cà Mau miệt mài sáng tạo ra dự án BioSmart - Thùng rác thông minh. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Trưởng nhóm, bạn Bùi Nghĩa Trọng cho biết: “Khó khăn lớn nhất có lẽ là việc tiếp cận vốn và sự thiếu hụt kinh nghiệm khi triển khai dự án thực tế. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ từ cộng đồng và các tổ chức, chúng tôi đã dần vượt qua các trở ngại đó. Dự án giúp giảm thiểu lượng rác hữu cơ không được xử lý đúng cách, góp phần vào việc bảo vệ môi trường. Hơn nữa, sản phẩm còn khuyến khích việc phân loại rác tại nguồn, giúp giảm tải cho các bãi rác. Trong tương lai, chúng tôi hy vọng mở rộng mô hình này ra toàn quốc và ứng dụng thêm nhiều công nghệ để tối ưu hoá quy trình tái chế và tạo ra các sản phẩm sinh học có giá trị”.

Những mục tiêu cho tương lai

Các dự án khởi nghiệp của người trẻ tại Cà Mau như kể trên thường hướng đến các giải pháp thực tế cho vấn đề môi trường và nông nghiệp, những lĩnh vực rất quan trọng đối với địa phương. Ðiều mà họ bám trụ chính là sự đổi mới và tính bền vững, tạo ra giá trị lâu dài cho xã hội và môi trường.

Dự án Prosus là một ví dụ điển hình về việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững ESG (Environmental, Social, Governance) tại Việt Nam. Từ góc độ môi trường (E), dự án giúp giảm thiểu lượng lớn phế phẩm nông nghiệp, đặc biệt là vỏ trái cây sau khi chế biến trái cây xuất khẩu, góp phần hạn chế phát thải khí nhà kính như methane, CO2, đồng thời chuyển đổi những phế phẩm này thành đạm thay thế và phân bón hữu cơ. Việc sử dụng ấu trùng ruồi lính đen để xử lý chất thải không chỉ giảm ô nhiễm mà còn tạo ra nguồn protein bền vững, thay thế bột cá trong thức ăn chăn nuôi, giúp bảo vệ tài nguyên biển và duy trì đa dạng sinh học. Kết quả trong vòng 5 tháng thử nghiệm, dự án đã xử lý hơn 40 tấn phế phẩm nông nghiệp và giúp giảm thải từ 28-36 tấn CO2 so với phương pháp truyền thống như chôn lấp. Về mặt xã hội (S), dự án tạo việc làm cho người dân địa phương, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ và người lao động lớn tuổi, thông qua việc triển khai mô hình nuôi phi tập trung hay chuyển giao công nghệ. Ðiều này không chỉ cải thiện đời sống người dân mà còn thúc đẩy cộng đồng phát triển bền vững. Về quản trị (G), Prosus thực hiện các tiêu chuẩn quản trị bền vững, cam kết minh bạch trong quản lý và vận hành, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng quy mô trong tương lai.

Chị Hoàng Diệu My chia sẻ: “Các dự án khởi nghiệp của người trẻ tại Cà Mau nói riêng và đồng bằng sông Cửu Long nói chung đang hướng tới việc tận dụng các tài nguyên địa phương để phát triển kinh tế bền vững, đồng thời giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường. Ðiều này không chỉ dừng lại ở việc tạo ra sản phẩm hoặc dịch vụ mang tính đổi mới, mà còn là cống hiến thiết thực cho cộng đồng. Các dự án thường tập trung vào việc giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân địa phương, và tạo thêm việc làm. Ðây là cách các dự án khởi nghiệp không chỉ góp phần phát triển kinh tế mà còn giúp duy trì và cải thiện giá trị xã hội".

Ngoài ra, các dự án khởi nghiệp cũng hướng đến những điều sâu xa hơn cho tương lai của người dân và địa phương. Như anh Nguyễn Công Hậu chia sẻ: “Ðiều thôi thúc tôi thực hiện dự án là, người nông dân sử dụng rễ cây thuốc có hạn chế và vất vả nhưng không được hiệu quả cao. Tôi cố gắng vượt khó theo đuổi là vì muốn làm ra dự án có ích cho người nông dân sử dụng và giải quyết một số vấn đề xã hội như hợp tác với người nông dân về cung cấp nguồn nguyên liệu, qua đó giải quyết được việc làm ở nông thôn...”./.

Theo LAM KHÁNH (Báo Cà Mau)