Cà Mau: Chuyển đổi số, minh bạch hoạt động

09/08/2022 - 14:55

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng nay 9/8, Đoàn giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND về việc chấp hành pháp luật phòng, chống tham nhũng (PCTN); thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có buổi làm việc tại Sở Kế hoạch và Đầu tư.

A A

Trong kỳ báo cáo giám sát, Sở Kế hoạch và Đầu tư không ghi nhận vụ việc sai phạm về tham nhũng, tiêu cực thông qua công tác nội kiểm, thanh tra, đơn thư khiếu nại, tố cáo và các kênh khác. Công tác PCTN luôn được đơn vị quan tâm, nhất là công tác giáo dục chính trị tư tưởng, phổ biến kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật gắn với chương trình hành động về công tác PCTN giúp cho cán bộ, công chức hiểu và thực hiện.

Thành viên Đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc.

Một trong những giải pháp của Sở Kế hoạch và Đầu tư trong PCTN là cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác điều hành, hoạt động đơn vị, minh bạch các hoạt động để ngăn ngừa từ sớm, từ gốc các sai phạm tham nhũng, tiêu cực.

Đơn vị tiếp tục thực hiện tốt việc cải cách thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết; thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; triển khai thực hiện quy trình “4 tại chỗ”; tiếp nhận thủ tục phi địa giới hành chính; đặt lịch, hẹn giờ trong giải quyết thủ tục hành chính đăng ký doanh nghiệp, liên hiệp hợp tác xã. Kết quả rà soát, có 55/117 thủ tục hành chính thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

Ứng dụng có hiệu quả một số phần mềm vào quản lý nhà nước như: Phần mềm hệ thống quản lý và điều hành (iOffice); phần mềm kế toán, phần mềm tiếp công dân và xử lý đơn; phần mềm một cửa điện tử; phần mềm quản lý cán bộ, công chức, viên chức; các phần mềm quản lý tài chính, quản lý tài sản công, quản lý giá; phần mềm quản lý kế hoạch thanh tra để xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra đối với các doanh nghiệp; một số ứng dụng xã hội để giao tiếp nhóm Zalo, email… Hầu hết các cơ quan, đơn vị áp dụng ISO điện tử vận hành theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015; thực hiện chữ ký số vào quản lý tài chính.

Công tác chỉ đạo, điều hành, ban hành kế hoạch thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được đơn vị triển khai chủ động, kịp thời, tạo tiền đề thuận lợi cho quá trình triển khai thực hiện. Hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước trong chi thường xuyên được chú trọng; quản lý chặt chẽ nguồn thu, nhiều nội dung chi được tiết giảm, ưu tiên nguồn lực cho các nhiệm vụ quan trọng.

Việc đăng ký hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã đã được Kế hoạch và Đầu tư thực hiện theo quy trình “4 tại chỗ”, thực hiện mau lẹ, tiết kiệm thời gian, công sức cho người dân.

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như: kế hoạch triển khai thực hiện và báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn chưa đảm bảo chất lượng; việc mua sắm, sử dụng phương tiện, thiết bị làm việc của cơ quan, đơn vị còn chưa thật sự bám sát nhu cầu sử dụng; việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại một số doanh nghiệp chưa thực sự hiệu quả; tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp còn chậm.

Thành viên Đoàn giám sát lưu ý, Sở Kế hoạch và Đầu tư là đơn vị có chức năng quan trọng, liên quan đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư công, các dự án trọng điểm, đấu thầu... do đó công tác PCTN, tiêu cực, chống lãng phí là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và cần quyết liệt thực hiện.

Về báo cáo của đơn vị, thành viên Đoàn giám sát cho rằng cần phải bổ sung để đáp ứng yêu cầu của một báo cáo giám sát chuyên đề, còn ít số liệu chứng minh. Bên cạnh đó, bổ sung một số nội dung về PCTN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và cả giải pháp, đề xuất liên quan, nhất là ở những lĩnh vực, hoạt động liên quan đến các dự án, giải ngân vốn, đấu thầu./.

Theo Báo Cà Mau