Cà Mau: Cua Năm Căn phải thắng ngay trên “sân nhà”

13/06/2024 - 09:42

Năm Căn được mệnh danh là nơi có con cua ngon nhất ở Cà Mau. Với vùng sản xuất có diện tích gần 21.000 ha, cùng với nhãn hiệu tập thể (NHTT) Cua Năm Căn đã được khẳng định vững chắc, ngành hàng cua đã, đang và sẽ là ưu tiên chiến lược của địa phương. Tuy nhiên, trước những thách thức về dịch bệnh, biến đổi khí hậu; tư duy và thói quen sản xuất nhỏ lẻ, lạc hậu; thương hiệu con cua Năm Căn đang đứng trước những biến động khó lường.

A A

Thực tế trăn trở

Khoảng 3 năm gần đây, dịch bệnh trên cua diễn ra liên tục, gây tổn hại nặng nề cho ngành hàng cua Cà Mau, trong đó có Năm Căn. Ông Trương Minh Thuận, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Năm Căn, cho biết: “Ngành chức năng đã có kết luận về nguyên nhân; đề ra các giải pháp ứng phó; đưa ra dự báo, khuyến cáo tới người dân để hạn chế thiệt hại, nhưng vào những tháng cao điểm hạn mặn (đặc biệt là vào tháng 1, tháng 2 hằng năm - PV), tình trạng cua chết diện rộng, gây thiệt hại lớn vẫn chưa có cách khắc phục triệt để”.

Diễn tiến biến động sản lượng cua hằng năm của Năm Căn giai đoạn từ 2015 đến nay là đầy quan ngại. Ông Thuận so sánh: “Trước và sau tác động của dịch bệnh trên cua có thể nói là khác nhau nhiều lắm. Năm 2017, thời điểm cua trúng mùa lớn, trên cùng diện tích sản xuất, sản lượng cua Năm Căn đạt hơn 6,3 ngàn tấn; trong khi đó, tổng sản lượng cua chỉ còn hơn 1,6 ngàn tấn trong năm 2023”.

Mô hình nuôi cua theo hướng VietGAP tại ấp Chống Mỹ, xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn, mang lại những tín hiệu tích cực, giảm thiểu thiệt hại cho vùng nguyên liệu cua Năm Căn trước dịch bệnh.

Ông Trần Trường Thịnh, Trưởng ấp Chống Mỹ, xã Hàm Rồng, lo lắng: “Tôm tép dạo gần đây dở lắm, con cua trở thành nguồn thu nhập chính của nông dân. Ngặt cái là 3 năm nay, cứ vô mùa là cua chết la liệt, có năm chết sạch, năm nào thiệt hại ít thì cua chết cỡ 30-40%, cua còn sống thì thịt lại không ngon”.

Giai đoạn 2015-2020, khi NHTT Cua Năm Căn được công nhận (2015), chứng kiến bước phát triển vượt bậc của ngành hàng này. Không chỉ là giá trị kinh tế, cua trở thành sản vật mang tính đại diện đầy tự hào cho vùng đất Năm Căn. Vào thời kỳ hưng thịnh này, có tới 17 chủ thể được khai thác NHTT Cua Năm Căn, góp phần lan toả danh tiếng sản vật này đi khắp nơi.

Ông Huỳnh Hùng Anh, Phó chủ tịch Hội Thuỷ sản huyện Năm Căn, trầm ngâm: “Dịch chồng dịch (dịch Covid-19 và dịch bệnh trên cua - PV), con cua Năm Căn bỗng khựng lại thấy rõ từ năm 2020. Hiện nay chỉ còn 9 chủ thể khai thác NHTT Cua Năm Căn thôi. Sản lượng cua suy giảm, đồng nghĩa với thương hiệu Cua Năm Căn đứng trước bộn bề thách thức. Tại Năm Căn mà vào mùa cao điểm dịch bệnh kiếm cua ăn còn khó, huống hồ gì tới chuyện bán buôn”.

Nguyên liệu cua tại chỗ khan hiếm, những chủ thể khai thác NHTT Cua Năm Căn cũng lao đao, tìm đủ mọi phương cách để duy trì kinh doanh. Ông Trần Thanh Dũng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Trí Dũng Năm Căn (1 trong 9 chủ thể đang khai thác NHTT Cua Năm Căn hiện nay - PV), trải lòng: “Mình phải có nguồn cua ổn định, chất lượng cua đảm bảo mới tính được chuyện khác. Còn thời gian gần đây, tình hình chung khó khăn lắm”.

Ông Dũng tiết lộ, khoảng 3 năm nay, lúc cao điểm dịch bệnh, cua Năm Căn chỉ chiếm khoảng 10% lượng cua mà doanh nghiệp xuất bán. Thời điểm cua Năm Căn thịnh nhất cũng chỉ chiếm khoảng 50% tổng lượng cua trong các đơn hàng. Nguy cơ bị lấn át, lép vế ngay trên “sân nhà” là điều hiện hữu với tình thế hiện tại của cua Năm Căn.

Khẳng định vị thế “chủ nhà”

Với cua Năm Căn, việc xây dựng, phát triển gắn với sự ổn định vùng nguyên liệu sản xuất là vấn đề nền tảng, chi phối mọi câu chuyện khác. Vai “chủ nhà” của cua Năm Căn cần được cụ thể bằng năng suất, sản lượng, chất lượng, diện tích... và sâu xa hơn chính là tâm thế mới của người nông dân.

Cua Năm Căn chính hiệu luôn được gắn nhãn mác thương hiệu, tem truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Ảnh: HUỲNH LÂM

Ông Võ Quốc Cấm, công chức Phòng NN&PTNT huyện Năm Căn, thông tin: “Hiện nay, Năm Căn đã triển khai được 3 mô hình nuôi cua thương phẩm theo hướng VietGAP, tại 3 xã: Hàm Rồng, Hiệp Tùng và Tam Giang, với 150 ha”. Ðây là quy trình nuôi cua sạch, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, tuân thủ lịch thời vụ, đáp ứng yêu cầu từ khâu cải tạo, chọn giống, chăm sóc và thu hoạch.

Tại ấp Chống Mỹ, xã Hàm Rồng, mô hình này đã mang lại những tín hiệu tích cực. Ông Cao Thái Phương, phụ trách công tác khuyến nông xã Hàm Rồng, cho biết: “Mô hình triển khai từ tháng 10/2023, cho thấy hiệu quả rõ rệt. Ðầu năm 2024, khi hiện tượng cua chết diễn ra khắp nơi, những bà con nuôi cua theo cách mới đã đảm bảo năng suất đạt 50-60%, chất lượng cua thương phẩm đảm bảo”.

Sản xuất cua giống, nghề ăn nên làm ra khi giá trị, thương hiệu cua Năm Căn được khẳng định vững chắc. (Ảnh: Cơ sở sản xuất cua giống Quang Nhường, ấp Chống Mỹ, xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn).

Vùng nguyên liệu cua bền vững chỉ là điều kiện “cần”, còn điều kiện "đủ" chính là tạo ra chuỗi liên kết giá trị cho ngành hàng cua. Ông Trương Minh Thuận tâm huyết: “Ðể cua Năm Căn đi xa hơn, dẻo dai hơn, từ đầu vào đến đầu ra phải có sự liên kết chặt chẽ, bài bản. Người nuôi cua phải hình thành tư duy sản xuất hàng hoá lớn, vùng nguyên liệu lớn theo mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã. Nhà quản lý - Nhà khoa học - Nông dân - Nhà phân phối - Người tiêu dùng, phải cùng hợp lực để bảo vệ, phát triển bền vững thương hiệu Cua Năm Căn”.

Thực tế, cua Năm Căn chỉ có sản phẩm cua thịt tươi sống cho thị trường trong nước và cả quốc tế. Các sản phẩm gia tăng giá trị từ cua Năm Căn là dư địa gần như bỏ ngõ. Với người kinh doanh như ông Trần Thanh Dũng, cua Năm Căn cần theo kịp với nhu cầu thị trường: “Muốn vươn tầm thì mình phải có sản phẩm mà thị trường cần, chớ không chỉ bán những gì mình có như hiện nay. Ðơn cử như sản phẩm cua lột, thị trường đang rất ưa chuộng, trong khi cua Năm Căn gần như nằm ngoài cuộc chơi”.

Cũng từ câu chuyện của những người kinh doanh cua Năm Căn, một khía cạnh khác về thị trường cua hiện nay dần được sáng tỏ. Với những thông tin cho rằng ở Năm Căn diễn ra tình trạng gian lận, dùng thủ đoạn, mánh khoé để lừa gạt khách hàng, ông Dũng khẳng định: “Ðây là thông tin không đúng thực tế. Mình phải nói cho cặn kẽ, minh oan cho người kinh doanh cua chân chính”. Theo ông Dũng, việc các cơ sở kinh doanh nhập cua từ các nơi khác ở Cà Mau và các tỉnh bạn là có, nhưng là để đáp ứng các đơn hàng theo phân khúc và yêu cầu của khách hàng, duy trì kinh doanh khi khan hiếm nguồn hàng tại chỗ, không hề làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu Cua Năm Căn.

Ông Trần Thanh Dũng (trái), chủ thể khai thác nhãn NHTT Cua Năm Căn cho biết: "Khi khan hiếm nguồn cung cua tại chỗ, để duy trì hoạt động kinh doanh và đáp ứng theo nhu cầu, phân khúc khách hàng, việc nhập cua từ vùng khác, tỉnh khác là hoàn toàn minh bạch, không hề xâm phạm đến uy tín, thương hiệu cua Năm Căn".

Năm 2023, tỉnh Cà Mau đã phê duyệt Ðề án phát triển bền vững nghề nuôi cua Cà Mau đến năm 2030. Với diện tích trên 250.000 ha; giá trị khoảng 10 ngàn tỷ đồng/năm, cua là một trong những sản vật được tin cậy cho tương lai kinh tế ngư - nông - lâm nghiệp, trụ đỡ và thế mạnh trọng yếu của Cà Mau. Có thể nói, đây là thời điểm hết sức phù hợp để ngành hàng cua Cà Mau được đánh giá thấu đáo, toàn diện về hiện trạng; cung cấp những xung lực mới trong nhận thức và hành động để vượt thoát khó khăn; tìm thấy cơ hội bứt phá và con đường đi vững chãi, lâu dài.

Với câu chuyện thương hiệu Cua Năm Căn, ông Huỳnh Hùng Anh trăn trở: “Hiện tượng xâm hại thương hiệu cua Cà Mau nói chung, cua Năm Căn nói riêng, là câu chuyện phức tạp lắm, ai cũng thấy, cũng biết, nhưng chưa có hồi kết. Riêng các chủ thể khai thác NHTT Cua Năm Căn thì luôn tuân thủ nghiêm túc việc dán nhãn thương hiệu, tem truy xuất nguồn gốc, đảm bảo tuyệt đối chất lượng, uy tín. Cua Năm Căn là cua Năm Căn, không có chuyện pha trộn nhập nhèm hay làm ăn gian dối ở đây”.

Theo PHẠM QUỐC RIN (Báo Cà Mau)